Gian Lận, Thiếu Trung Thực Khi Đi Làm Và Những Hậu Quả Khôn Lường

Khi đi làm, sẽ rất khó để công ty kiểm soát toàn bộ hành vi của nhân viên, hoặc nếu có thì cũng chỉ trong một giới hạn nào đó, vì bản chất công ty vẫn muốn tạo điều kiện để nhân viên thoải mái làm việc, chứ không phải đi làm mà cứ luôn bị giám sát, theo dõi nhất cử nhất động. Tuy nhiên, chính từ điều đó mà một số nhân viên đã có những hành vi gian lận, thiếu trung thực, nhằm mang về lợi ích riêng cho cá nhân mình, thoả mãn quyền lợi riêng của mình. Làm được 1-2 lần không sao, thì họ sẽ tiếp tục gian lận thêm nhiều lần nữa… Đừng để mình bị tha hoá như thế, trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời điểm qua những hậu quả khôn lường khi có hành vi gian lận, thiếu trung thực khi đi làm.

>> Khai gian, thiếu trung thực trong CV xin việc có sao không?

Tầm quan trọng của trung thực khi đi làm

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tâm quan trọng của việc trung thực khi đi làm. Thật ra, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng mình phải trung thực, chính trực, không được có bất kỳ hành vi gian dối nào. Nhưng khi lớn lên, vì mải cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, nên một số người đã dần quên mất những điều ấy, dần đánh mất giá trị, danh dự, nhân phẩm của mình vì những hành vi gian lận, thiếu trung thực khi đi làm. Đó là một điều cực kỳ đáng tiếc, thật sự cho dù hành vi thiếu trung thực ấy mang về lợi ích gì thì cũng không đáng để bạn đánh đổi.

Về bản chất, trung thực là yếu tố cốt lõi để bạn tạo dựng niềm tin trong mắt những người xung quanh khi đi làm, bao gồm cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác. Khi có niềm tin thì họ sẽ thoải mái làm việc, phối hợp với bạn trong công việc, giúp bạn đạt được kết quả làm việc tốt và được mọi người tôn trọng, đánh giá cao, từ đó, bạn sẽ tăng cơ hội được thăng tiến trong công việc. Còn một khi bạn đã có hành vi gian lận, hoặc có biểu hiện thiếu trung thực khi đi làm, thì mọi người sẽ dè chừng, không tin tưởng, thậm chí sẽ không tôn trọng bạn, khiến bạn cực kỳ chật vật trong công việc.

Những hành vi gian lận phổ biến khi đi làm

Dẫu biết rằng trung thực là một phẩm chất quan trọng khi đi làm, nhưng trên thực tế, vẫn có một số người bị tha hoá, biến chất, bị cuốn vào những hành vi gian lận, thiếu trung thực phổ biến như:

  • Gian lận thời gian làm việc: Không có mặt ở công ty đúng thời gian làm việc đã quy định, tức là sẽ đi trễ, về sớm, thậm chí có người còn cúp làm liên tục, chỉ tới điểm danh, chấm công, xong đi về làm việc riêng, chứ không ở lại công ty làm việc. Tưởng chừng như đây chỉ là một biểu hiện của sự lười biếng, nhưng thực chất đó chính là một hành vi thiếu trung thực, khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí trong mắt đồng nghiệp xung quanh.
  • Làm việc không đúng tiêu chuẩn: Chẳng hạn như công ty yêu cầu gọi 100 cuộc điện thoại mỗi ngày, thì một số người sẽ có hành vi cheating, chỉ nhá máy cho khách hàng, xong rồi lại nói là do khách không nghe máy, chứ không chịu gọi điện một cách đàng hoàng. Hoặc công ty yêu cầu viết content để đăng lên website, thì bạn lại đi copy trên mạng, chắp vá, đạo nhái ý tưởng, chứ không tự viết một bài mới. Hoặc phổ biến nhất là đi làm nhưng ngồi chơi, lướt mạng, rồi cuối tháng nhận lương, chứ không chịu tập trung làm việc.
  • Thiếu trung thực với khách hàng, đối tác: Nếu thường xuyên làm việc với khách hàng, đối tác, thì một số người cũng có thể cung cấp thông tin một cách sai lệch, thiếu trung thực, để “dụ dỗ” khách hàng, đối tác ký hợp đồng để lấy tiền hoa hồng, rồi sau này khi họ complain thì lại trở mặt, nói là lúc trước mình không có nói như vậy.
  • Gian lận tiền bạc: Đây cũng là một hành vi thiếu trung thực phổ biến khi đi làm, tức là vì lợi ích cá nhân nên đã có hành vi gian lận tiền bạc, thu tiền của khách hàng nhưng không nộp về công ty, hoặc bán hàng với giá cao hơn, rồi ăn bớt phần chênh lệch giá, hoặc cũng có thể tự ăn cắp sản phẩm của công ty để bán riêng cho khách hàng lấy lời.
  • Lợi dụng kẽ hở quy trình để tư lợi: Khi đi làm lâu năm ở công ty, một số nhân viên đã phát hiện và lợi dụng kẽ hở trong quy trình làm việc để tư lợi cá nhân, mang về lợi ích riêng cho mình, hoặc thiếu trung thực để nâng kết quả làm việc của mình lên cao hơn so với thực tế, để được nhận lương nhiều hơn.

Ở trên chính là những hành vi gian lận, thiếu trung thực phổ biến khi đi làm. Tất nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại rất nhiều hành vi thiếu trung thực với nhiều biến tướng khác nhau, vì thấy chưa bị phát hiện nên một số người vẫn cứ tiếp tục những hành vi sai trái ấy. Cây kim trong bọc cũng sẽ có ngày lộ ra, thật sự là vậy, khi có hành vi gian lận, mờ ám, thiếu trung thực khi đi làm, thì sớm muộn gì cũng sẽ bại lộ và phải đối mặt với nhiều hậu quả khôn lường.

>> Gian dối khi phỏng vấn và những hậu quả khôn lường

Những hậu quả khôn lường nếu thiếu trung thực khi đi làm

Hậu quả đầu tiên của việc thiếu trung thực khi đi làm chính là đánh mất danh dự của chính mình, sẽ ra sao khi đồng nghiệp cả công ty đều biết bạn có hành vi gian lận? Tiếp theo, mọi người sẽ xa lánh bạn, sẽ luôn ngờ vực mọi điều bạn nói vì “một lần bất tín vạn lần bất tin”, cho dù bạn đã hối lỗi, đã xin lỗi, nhưng định kiến rằng bạn là một người thiếu trung thực sẽ luôn tồn tại trong đầu những đồng nghiệp xung quanh. Rồi những khách hàng, đối tác, nếu họ phát hiện bạn là một người thiếu trung thực, thì tất nhiên họ sẽ không muốn dính líu gì tới bạn nữa, họ sẽ yêu cầu công ty cử một nhân viên khác để làm việc với họ, và có thể dẫn tới nguy cơ bạn bị mất việc.

Ngoài ra, nếu bạn có hành vi gian lận tiền bạc, thì bạn sẽ phải bồi thường, hoặc thậm chí bị đưa ra toà, kiện tụng, bị xử lý theo quy định của pháp luật, chứ không đơn giản chỉ gói gọn trong phạm vi kỷ luật lao động theo nội quy công ty nữa. Tóm lại, sẽ có rất nhiều hậu quả khôn lường mà bạn chưa lường trước được. Chính vì thế, tốt nhất là bạn phải luôn đề cao tinh thần trung thực khi đi làm, đừng bao giờ có ý nghĩ rằng mình sẽ gian lận bất kỳ điều gì nhé, vì mọi việc đều tuân theo quy định nhân quả, bạn làm điều sai trái thì bạn sẽ phải nhận về những hậu quả tương ứng.

Lỡ có hành vi thiếu trung thực rồi thì phải làm sao?

Sau khi điểm qua những hậu quả khôn lường của việc thiếu trung thực khi đi làm, thì chắc chắn bạn đang cực kỳ lo lắng nếu mình đã lỡ có hành vi thiếu trung thực. Tức là bạn lo sợ rằng hành vi thiếu trung thực của mình sẽ bị bại lộ, sẽ bị phát hiện và phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Vậy thì phải làm sao bây giờ?

Có thể bạn đang nghĩ tới phương án rằng đã lỡ rồi thì thôi, mình cứ im lặng và không tiếp tục có hành vi gian lận nào trong tương lai nữa. Nhưng thật ra đó là điều không nên, vì mình đã làm sai thì mình phải thừa nhận, chứ không thể im im như thế. Đây cũng là cách để bạn bắt đầu tác phong làm việc một cách trung thực, chính trực, nói không với gian lận khi đi làm. Hãy thẳng thắn nhận lỗi, xin lỗi và đưa ra giải pháp để khắc phục hành vi gian lận, thiếu trung thực của mình, khả năng cao rằng công ty sẽ bỏ qua vì bạn đã biết chủ động nhận sai, sửa sai.

Còn nếu trường hợp tệ nhất là công ty quyết định kỷ luật, sa thải bạn vì hành vi thiếu trung thực ấy, thì xem như đó là một bài học đắt giá, là cái giá bạn phải trả, phải chấp nhận vì hành vi sai trái trong quá khứ của mình. Bất kỳ ai cũng từng có những sai lầm vì mình chưa đủ chính chắn trong suy nghĩ và hành động, nhưng điều quan trọng là bạn đã dám đối mặt với nó và không tái phạm bất kỳ hành vi thiếu trung thực nào trong tương lai nữa.

>> 8 áp lực công việc bạn phải đối mặt khi đi làm kiếm tiền

Phát hiện đồng nghiệp có hành vi gian lận thì phải làm sao?

Thế thì ngược lại, nếu bạn là một người ngay thẳng, nhưng vô tình phát hiện đồng nghiệp có hành vi gian lận khi đi làm thì phải làm sao? Đây thật sự là một tình huống khó xử, nhất là khi người đó lại là đồng nghiệp thân thiết với mình. Khi đó, bạn phải thật sự bình tĩnh, hành động một cách lý trí, chứ không nên bao che cho họ. Nhưng điều quan trọng đầu tiên là bạn phải xác thực thông tin, xem có thật sự là đồng nghiệp ấy đã có hành vi gian lận, thiếu trung thực không, hay đó chỉ là hiểu lầm thôi. Nếu thật sự có hành vi thiếu trung thực, thì bạn có thể nhắc khéo họ, rằng “hình như… có gì đó sai sai”, hoặc là “có nhầm lẫn gì không…”, để họ thấy rằng bạn đã phát hiện ra điều gì đó, rồi sẽ tự thấy hối lỗi và nhận trách nhiệm. Đây là cách giải quyết khéo léo, vừa giúp họ chủ động nhận sai, vừa giúp đồng nghiệp ấy đỡ bị quê khi bạn nói thẳng.

Nhưng nếu đồng nghiệp ấy vẫn ngoan cố, phớt lờ những gì bạn đã nhắc khéo, thì bạn cần phải trao đổi thẳng thắn với họ, rằng mình đã xác thực thông tin và biết được hành vi thiếu trung thực của họ, hy vọng rằng người đó sẽ chủ động nhận lỗi và sửa sai, đừng tiếp tục lấn sâu vào những điều gian lận ấy nữa. Có thể khi nói ra điều này thì họ sẽ giận bạn một thời gian, nhưng sau này khi họ hiểu ra sự việc, có cái nhìn chính chắn hơn, thì đồng nghiệp ấy sẽ nhận ra rằng bạn làm vậy vì muốn tốt cho họ, bạn thật sự là một người tốt, thì mối quan hệ giữa hai người sẽ được hàn gắn.

Còn trong trường hợp bạn đã nói hết nước hết cái nhưng họ vẫn ngoan cố không chịu thừa nhận, vẫn tiếp tục những hành vi thiếu trung thực khi đi làm, thì bạn không cần phải giữ mối quan hệ với một đồng nghiệp như thế. Bạn hãy báo lại sự việc cho cấp trên, kèm theo những bằng chứng mình đã thu thập được, với mục đích là ngăn chặn những hành vi gian lận tương tự trong tương lai, chứ không phải vì muốn lập công, muốn ghi điểm trong mắt cấp trên. Nhiệm vụ của bạn chỉ cần tới đó thôi, còn việc xử lý vấn đề thế nào là chuyện của công ty, bạn không cần làm gì thêm nữa.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng của trung thực, những hậu quả khôn lường nếu gian lận, thiếu trung thực khi đi làm, đồng thời, gợi ý hướng giải quyết khi bạn lỡ có hành vi thiếu trung thực hoặc phát hiện đồng nghiệp có hành vi gian lận. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Xích mích với đồng nghiệp và cách xử lý khôn ngoan

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý