Gỡ Rối 4 Khúc Mắc Của Sinh Viên Mới Ra Trường Khi Xin Việc

Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên mới ra trường hầu như phải ngay lập tức đối mặt với thử thách đầu tiên, đó là tìm việc làm, tìm cho mình một công việc tốt, đúng với chuyên ngành và mong muốn của bản thân để có thể theo đuổi lâu dài. Đây là lần đầu các em làm chuyện ấy một cách chính thống, không tính tới những lần xin việc làm thêm, việc thực tập hồi còn là sinh viên, vì chúng khá đơn giản so với tìm việc làm chính thức khi ra trường, vì thế, sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và có nhiều điều còn lăn tăn. Đừng lo, hãy cùng Tự Tin Vào Đời gỡ rối 4 khúc mắc thường gặp của sinh viên mới ra trường khi xin việc:

>> Mới ra trường, làm sao để xin việc thành công?

1. Mới ra trường xin việc viết CV thế nào?

Có thể khi đi thực tập sinh viên cũng đã từng thử viết CV rồi, tuy nhiên, khi tuyển nhân viên thực tập thì công ty cũng thường sẽ dễ hơn, không đòi hỏi gì nhiều, các anh chị HR cũng sẵn sàng bỏ qua những lỗi sai, thiếu sót trong CV ứng tuyển thực tập, miễn sao các em thể hiện được tinh thần cầu tiến, chăm chỉ và ham học hỏi là đều có thể tìm được cơ hội thực tập. Tuy nhiên, khi mới ra trường tìm việc làm sẽ khác, các em sẽ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nhất là trong chuyện viết CV xin việc, vì đây là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về mình, phải viết sao cho trau chuốt, nêu bật được nhiều điểm mạnh để còn tạo ấn tượng tốt, tăng cơ hội được gọi đi phỏng vấn. Vậy sinh viên mới ra trường xin việc nên viết CV thế nào, cần lưu ý những gì?

Đầu tiên, các em cần đảm bảo CV xin việc của mình có đầy đủ các thông tin cần thiết, như thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, học vấn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì sinh viên mới ra trường có thể thay thế bằng hoạt động ngoại khoá, các thành tích đã đạt được trong 4 năm đại học. Tiếp theo, các em cần lưu ý chọn lọc thông tin, đừng đưa vào quá nhiều điều không liên quan tới vị trí ứng tuyển, không nằm trong mô tả công việc, cho dù đó là những điểm mạnh của mình, giúp mình tự tin hơn, nhưng thật ra chúng lại khiến cho CV xin việc trở nên không phù hợp, khiến nhà tuyển dụng cho rằng chưa chắc các em là người mà họ đang tìm kiếm, họ muốn tìm ứng viên phù hợp nhất, chứ chưa chắc sẽ chọn người giỏi nhất, nhiều điểm mạnh nhất. Bên cạnh đó, sinh viên mới ra trường cũng cần lưu ý tránh mắc phải những lỗi sai trong CV, chẳng hạn như dài dòng, lan man, chi chít chữ, bố cục lộn xộn, sai chính tả, sai lỗi đánh máy, câu cú lủng củng, dùng từ khó hiểu,…

2. Vì sao rải CV nhiều nơi nhưng không được phản hồi?

Bên cạnh chuyện viết CV sao cho ấn tượng, thì nhiều bạn sinh viên mới ra trường cũng lăn tăn rằng vì sao mình rải CV xin việc nhiều nơi nhưng không được phản hồi, hoặc chỉ có 1-2 công ty mời đi phỏng vấn, một con số khá ít ỏi, liệu có điều gì đó sai sai chăng? Đây là khúc mắc chung mà khá nhiều bạn sinh viên mới ra trường gặp phải khi xin việc, điều này có thể xảy ra vì 2 nguyên nhân. Đầu tiên, đó là CV xin việc của các em đang mắc những lỗi sai khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp, chưa nêu bật được những điểm mạnh, những tiêu chí mà công việc cần có ở ứng viên, nếu vậy thì các em hãy review lại xem CV của mình đã ổn chưa, có thể check lại những điều cần lưu ý ở phần trước.

Hoặc nguyên nhân thứ 2, có thể các em đang ứng tuyển vào những công việc không phù hợp với khả năng của mình, tức là mình chưa có kinh nghiệm sàng lọc, chọn lựa công việc sao cho phù hợp, tối ưu cơ hội được gọi đi phỏng vấn, mà chỉ đơn giản là các em đang rải CV một cách tràn lan, thấy chỗ nào có mức lương đúng mong muốn hoặc công ty nào ở gần nhà thì apply đại luôn, không thèm xem qua mô tả công việc xem mình có đáp ứng được không. Điều đó sẽ khiến sinh viên mới ra trường rơi vào trạng thái gửi CV xin việc nhiều nơi mà chẳng được phản hồi, rồi từ đó lại suy nghĩ lung tung, cho rằng mình yếu kém, bất tài, có mỗi chuyện tìm việc làm mà cũng không xong, nhưng thực chất vấn đề lại nằm ở chuyện mình có chịu đọc kỹ mô tả công việc trước khi ứng tuyển chưa?

>> Ứng tuyển việc làm nên gửi CV cho bao nhiêu công ty?

3. Nhà tuyển dụng quan tâm điều gì ở sinh viên mới ra trường?

Để tăng cơ hội tìm được việc làm tốt, trúng tuyển vào những công việc, công ty mà mình nhắm sẵn từ trước, thì sinh viên mới ra trường cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, về cả năng lực bản thân lẫn những yếu tố quan trọng khác mà nhà tuyển dụng quan tâm, cố gắng đáp ứng được càng nhiều điều thì sẽ càng tăng cơ hội được chọn. Vậy nhà tuyển dụng quan tâm điều gì ở sinh viên mới ra trường?

Điều này sẽ phụ thuộc vào tiêu chí tuyển dụng riêng của từng công ty, từng công việc, và cả quan điểm đánh giá riêng của mỗi HR, nhưng thường sẽ xoay quanh các tiêu chí sau đối với sinh viên mới ra trường:

  • Học vấn: Bao gồm kết quả học tập, xếp loại tốt nghiệp và mức độ nắm vững kiến thức chuyên ngành, được đánh giá trực tiếp thông qua các câu hỏi phỏng vấn về chuyên môn;
  • Kỹ năng mềm: Mức độ thành thạo các kỹ năng mềm liên quan tới công việc, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, xử lý tình huống,…
  • Kinh nghiệm làm việc hoặc hoạt động ngoại khoá: Thể hiện những trải nghiệm của sinh viên trong 4 năm đại học, càng nhiều trải nghiệm thì càng chứng minh rằng các em là người năng nổ, và cũng đã có nhiều trải nghiệm giúp mình vững vàng năng lực hơn, tích luỹ được nhiều hành trang hữu ích cho bản thân, nhưng cần chọn lọc, tránh lan man quá nhiều thông tin về tiêu chí này, vì quan trọng nhất khi sinh viên mới ra trường xin việc vẫn là học vấn (kiến thức) và kỹ năng mềm.
  • Các điểm mạnh khác liên quan tới công việc, giúp tăng khả năng hoàn thành tốt công việc, chẳng hạn như sự chăm chỉ, chịu khó, cần cù, ham học hỏi, cầu tiến, khả năng sáng tạo, tư duy tích cực,…

4. Deal lương ra sao khi sinh viên mới ra trường xin việc?

Một trong những khúc mắc khá phổ biến của sinh viên mới ra trường khi xin việc chính là nên deal lương ra sao? Nhiều bạn còn rơi vào trạng thái ngại ngùng, ấp úng, bị xịt keo không biết nên trả lời ra sao khi được hỏi về mức lương mong muốn, thậm chí còn nhường hết quyền quyết định cho phía công ty, vì cho rằng mình còn non nớt, mới ra trường chưa có kinh nghiệm gì hết, chủ yếu muốn được đi làm để học hỏi, chứ không quan trọng tiền lương. Nếu trả lời như thế thì khả năng cao rằng các em sẽ chịu thiệt thòi, và cũng tự đánh giá thấp bản thân mình, thể hiện sự thiếu tự tin vào năng lực của mình, thì làm sao mà thuyết phục nhà tuyển dụng trao cơ hội việc àm cho mình được?

Đầu tiên, các em hãy tham khảo khoảng lương thường gặp của sinh viên mới ra trường, trong đúng ngành, đúng vị trí công việc mà mình đang ứng tuyển, đơn giản chỉ cần search Google là ra rất nhiều thông tin để tham khảo. Sau đó, hãy cân đối với năng lực của bản thân, nếu tự tin vào khả năng của mình, thì có thể nâng lên một xíu so với mặt bằng chung, hoặc nếu chưa tự tin lắm thì các em cứ deal lương thấp hơn, miễn sao mình có cơ sở để trao đổi kỹ hơn khi nhà tuyển dụng hỏi lý do vì sao đưa ra mức lương ấy, chứ không phải mình đang nói đại mà không có căn cứ.

Bài viết này đã gỡ rối 4 khúc mắc thường gặp của sinh viên mới ra trường khi xin việc. Trong thực tế, các em có thể phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách khác nữa, sẽ có nhiều điều mà mình thấy bị lúng túng trong quá trình tìm việc làm, chứ không phải chỉ gói gọn trong 4 khúc mắc nêu trên. Đừng lo, vì Tự Tin Vào Đời đã có hẳn 1 chuyên mục Kinh nghiệm ứng tuyển, chia sẻ về rất nhiều điều hữu ích và cần thiết cho sinh viên mới ra trường tìm việc làm. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Làm Sao Để Tạo Được Nhiều Giá Trị Trong Công Việc?

Chuyển Sang Làm 1 Công Việc Hoàn Toàn Mới, Nên Hay Không?

Vì Sao Thử Việc Bằng 85% Lương Chính Thức, Có Thấp Quá Không?