Để có kết quả học tập tốt, thì chắc chắn học sinh và sinh viên đại học phải tập trung thời gian và công sức cho việc học. Trong mỗi buổi học, mình phải chú ý lắng nghe giảng, sau đó về nhà phải chăm chỉ ôn bài, làm bài tập. Bên cạnh việc tự học một mình, thì cũng có một phương pháp khác được đông đảo sinh viên ưa thích, đó chính là học nhóm cùng bạn bè. Vậy học nhóm là gì? Học nhóm như thế nào để đạt được hiệu quả, tránh xảy ra xích mích, mâu thuẫn nội bộ khi thảo luận nhóm?
>> Học nhóm hay học cá nhân hiệu quả hơn?
Học nhóm là gì?
Học nhóm là một phương pháp học tập với sự kết hợp của nhiều thành viên để cùng nhau học bài, làm bài tập, làm tiểu luận, bài thuyết trình nhóm, hoặc khi gần tới kỳ thi, các em cũng sẽ học nhóm để cùng nhau ôn thi. Bên cạnh việc học nhóm các môn trên trường, thì nhiều học sinh – sinh viên đại học cũng lập nhóm để cùng nhau học Tiếng Anh.
Học nhóm có bao nhiêu thành viên?
Bên cạnh học nhóm là gì, thì số lượng thành viên khi học nhóm cũng là chủ đề được đông đảo học sinh – sinh viên đại học quan tâm. Với cái tên “học nhóm”, thì chắc chắn phải có từ 2 thành viên trở lên rồi, tuỳ mục tiêu học tập mà các em có thể linh hoạt lựa chọn số lượng thành viên trong nhóm sao cho tối ưu nhất.
Chẳng hạn như ôn bài, ôn thi, thường sẽ không nên có quá đông người trong nhóm, vì như thế sẽ khó lòng sắp xếp thời gian rảnh để học cùng nhau. Nhưng nếu làm bài thuyết trình nhóm, thì cần phải có số lượng thành viên đông hơn, để cùng nhau phân chia nhiệm vụ như tìm hiểu tư liệu, chuẩn bị nội dung, làm slide, thuyết trình, phụ trách câu hỏi,… Vì thế, sẽ khó lòng đưa ra con số cụ thể rằng học nhóm nên có bao nhiêu thành viên, còn nếu các em muốn ước lượng tương đối thì nó sẽ nằm trong khoảng 4-6 thành viên. Ngoài ra, số lượng thành viên trong nhóm không bắt buộc phải cố định, mà có thể linh hoạt thay đổi tuỳ theo từng môn học và theo yêu cầu của từng giáo viên.
>> Cách vẽ sơ đồ tư duy mind map để học tốt
Khi nào cần phải học nhóm?
Thông thường, học sinh – sinh viên đại học có thể chủ động học nhóm vào bất kỳ lúc nào để cùng nhau ôn bài, làm bài tập, chứ không cần phải chờ tới dịp này, dịp kia. Tức là các em có thể lựa chọn rằng mình sẽ tự học hay là học nhóm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì sinh viên bắt buộc phải học nhóm chứ không có sự lựa chọn khác, đó chính là những lúc giáo viên yêu cầu các em chia nhóm để cùng làm bài tiểu luận, bài thuyết trình, điều này thường diễn ra ở đại học, còn ở cấp 2, cấp 3 sẽ ít khi gặp. Lúc đó, thành viên nhóm sẽ do sinh viên chủ động lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được giảng viên chia nhóm ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ, đa số sinh viên cũng sẽ lựa chọn học nhóm để cùng nhau ôn tập kỹ lưỡng hơn, cùng nhau dò bài, khảo bài, giải đáp thắc mắc cho nhau.
Ưu điểm của việc học nhóm
Bên cạnh học nhóm là gì, thì ưu điểm của việc học nhóm cũng là điều mà đông đảo học sinh – sinh viên đại học quan tâm. Tất nhiên, đây là một phương pháp học có nhiều ưu điểm thì nó mới trở nên phổ biến như hiện nay, vậy cụ thể nó có những ưu điểm gì? Ưu điểm đầu tiên chính là tinh thần học tập được tăng cao khi học nhóm, chắc chắn các em sẽ không thể lười biếng, không thể trốn học nhóm vì đã lỡ hẹn với đám bạn rồi, hoặc lúc các em đang lo ra, đang bấm điện thoại, thì tụi bạn sẽ ngay lập tức nhắc nhở mình liền. Ưu điểm tiếp theo chính là các em sẽ được bạn bè giải đáp những chỗ mình chưa hiểu, đồng thời, chính các em cũng có thể là người giảng lại bài khi bạn mình có chỗ còn lấn cấn.
Một ưu điểm nữa khi học nhóm chính là các em sẽ tiếp thu kiến thức kỹ lưỡng hơn. Đôi khi, lúc tự học, các em nghĩ rằng mình đã hiểu bài rồi, đã nhớ bài rồi, nên chỉ học qua loa một lần là xong. Nhưng khi học nhóm thì các em sẽ được lặp lại kiến thức đó nhiều lần, có khi chính các em cũng giảng lại bài cho bạn cùng nhóm thì mình cũng sẽ nhớ bài kỹ hơn, chưa kể tới việc các em có thể khảo bài, dò bài cho nhau nữa. Ưu điểm cuối cùng khi học nhóm chính là giúp học sinh – sinh viên đại học giảm bớt áp lực học tập, tránh bị quá tải khi lượng kiến thức phải học quá lớn, vì mình có thể chia ra cho các thành viên khác, mỗi người phụ trách một mảng kiến thức, rồi cùng giảng lại cho nhau. Hoặc khi làm thuyết trình nhóm, tiểu luận nhóm thì mỗi người có những nhiệm vụ riêng, giúp các em tối ưu hiệu quả và tránh bị quá tải.
>> 14 lưu ý để sinh viên thuyết trình nhóm được điểm cao
Nhược điểm của việc học nhóm
Song song với những ưu điểm kể trên, thì việc học nhóm cũng tồn tại một số nhược điểm, đây là điều hoàn toàn bình thường vì trong cuộc sống đâu có điều gì hoàn hảo 100%. Dưới đây là một số nhược điểm của việc học nhóm:
- Khó lòng sắp xếp thời gian rảnh chung để học nhóm;
- Nếu có 1 thành viên đi trễ thì cả nhóm phải chờ đợi;
- Khó lòng lựa chọn địa điểm thuận lợi cho cả nhóm, sẽ có một số bạn phải đi hơi xa nhà;
- Thời lượng học sẽ lâu hơn so với tự học một mình, nếu có 1 bạn chưa hiểu bài, cả nhóm phải dừng lại giảng lại;
- Có thể xảy ra xích mích, mâu thuẫn nội bộ khi bất đồng quan điểm giữa các thành viên khi thảo luận nhóm;
- Dễ bị phân tán, dễ bị loãng không khí nếu số lượng thành viên trong nhóm đông;
- Khó lòng học hiệu quả nếu chênh lệch trình độ, kiến thức giữa các thành viên quá lớn.
Học nhóm có hiệu quả nhiều không?
Sau khi điểm qua những ưu nhược điểm khi học nhóm, thì nhiều khả năng các em đang thắc mắc rằng học nhóm có hiệu quả nhiều không? Câu trả lời là có thể – tức là có thể hiệu quả nhiều, cũng có thể hiệu quả ít, nó phụ thuộc vào cách học nhóm của các em nữa. Nếu các thành viên đều nghiêm túc, tập trung học tập, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thì tất nhiên việc học nhóm sẽ mang lại hiệu quả rất nhiều. Ngược lại, nếu các em học nhóm chưa đúng cách thì sẽ khó lòng đạt được hiệu quả như mong đợi, khi đó, mình phải nghiêm túc nhìn lại những thiếu sót và khắc phục nó để học nhóm hiệu quả hơn.
Cách học nhóm để có hiệu quả tối ưu
Vậy phải học nhóm như thế nào để có thể đạt được hiệu quả tối ưu? Điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dưới đây chỉ là một số lời khuyên dựa trên kinh nghiệm học nhóm của cá nhân anh, các em có thể tham khảo nhé. Đầu tiên, hãy lựa chọn thành viên trong nhóm một cách kỹ lưỡng, có trình độ tương đương nhau, không quá đông người và cả nhóm cần phải cùng đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu, hạn chế để những việc cá nhân như việc gia đình, đi làm thêm, tham gia CLB,… làm ảnh hưởng tới thời gian và hiệu quả các buổi học nhóm. Tiếp theo, các em cần chọn một bạn nhóm trưởng có khả năng quản lý, phân chia công việc tốt và theo sát từng thành viên để kịp thời hỗ trợ mọi người, tất nhiên, bạn này cũng cần có năng lực học tập tốt, vững kiến thức để mọi người có thể tin tưởng và an tâm hơn.
Sau đó, các em cần phải phân chia nhiệm vụ của mỗi người, hoặc chia nhỏ nội dung kiến thức dựa trên thế mạnh của từng thành viên. Đồng thời, mỗi người phải nghiêm túc, cố gắng hoàn thành tốt những việc được giao, tránh để ảnh hưởng xấu tới kết quả chung của cả nhóm. Trong các buổi thảo luận nhóm thì các thành viên cũng cần phải tích cực thảo luận, sôi nổi đóng góp ý kiến, tránh việc ngồi im chỉ có 1-2 người nói. Ngoài ra, khi có bất đồng quan điểm thì các em cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến của đối phương, phân tích kỹ lưỡng rồi phản biện một cách lịch sự, tránh việc lớn tiếng tranh cãi, phản bác vô căn cứ, khăng khăng là mình đúng, vì như thế sẽ dễ gây ra xích mích, mâu thuẫn nội bộ.
Những điều tối kỵ nên tránh khi học nhóm
Bên cạnh những điều nên làm, thì học sinh – sinh viên đại học cũng cần lưu ý những điều tối kỵ nên tránh khi học nhóm, để giúp cảm nhóm có thể cùng nhau học tốt hơn. Điều tối kỵ đầu tiên chính là để việc riêng ảnh hưởng tới các buổi học nhóm, chẳng hạn như là đi trễ vì lý do cá nhân, khiến cả nhóm mất thời gian chờ đợi, hoặc là cứ lấy lý do bận việc riêng liên tục, khiến cả nhóm khó lòng thống nhất được thời gian các buổi học. Tệ hơn, một số bạn cũng không hoàn thành tốt các công việc được giao của mình, rồi lại lấy lý do bận này bận kia, như thế thì làm sao học nhóm hiệu quả được? Các em hãy luôn đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân, tránh để lợi ích cá nhân gây tác động xấu tới kết quả học nhóm.
Tiếp theo, các em cũng tránh việc ỷ lại, phụ thuộc vào các thành viên khác. Tức là mình cứ lười biếng, không chịu tự chủ động học bài, lúc nào cũng chờ có bạn khác giảng lại bài cho mình, hoặc khi làm tiểu luận nhóm, tự nhiên để 1-2 bạn gánh team, còn mình chủ yếu rung đùi ngồi chơi. Điều tối kỵ cuối cùng mà học sinh – sinh viên cần tránh khi học nhóm chính là đừng để xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn nội bộ. Bất đồng quan điểm khi thảo luận nhóm là điều bình thường, nhưng mình cần phải bình tĩnh trao đổi để thống nhất ý kiến, đừng tranh cãi lớn tiếng, đừng để nó trở thành mâu thuẫn nội bộ.
>> 4 điều tối kỵ khi học nhóm mà sinh viên nên tránh
Cách xử lý xích mích, mâu thuẫn nội bộ khi học nhóm
Dẫu biết mâu thuẫn nội bộ là điều tối kỵ nên tránh khi học nhóm, và cũng chẳng ai muốn tự dưng nhóm mình lại xích mích với nhau cả. Nhưng nếu lỡ rơi vào trường hợp đó thì sao, cách xử lý thế nào khi xích mích, mâu thuẫn nội bộ? Lúc này, nhóm trưởng sẽ là người đại diện đứng ra để giải quyết mâu thuẫn, sẽ là người có cái nhìn bao quát, công tâm, cùng lắng nghe ý kiến của đôi bên, rồi phân định và thống nhất quan điểm để kết thúc xích mích. Song song đó, các em cũng cần phải tâm lý một tí, đừng quá cứng nhắc, hãy dùng những ngôn từ phù hợp để hàn gắn mâu thuẫn nội bộ. Học nhóm là gì? – Là cùng cả nhóm học tập mà, nên tất nhiên nếu có bất kỳ mâu thuẫn nội bộ nào thì mình cần nhanh chóng hàn gắn.
Lưu ý giúp nhóm trưởng quản lý nhóm hiệu quả
Ở những phần trước chúng ta đã hiểu học nhóm là gì và đã biết được một số vai trò của nhóm trưởng khi học nhóm. Trong phần này, các em hãy cùng tìm hiểu một số lưu ý giúp nhóm trưởng quản lý nhóm hiệu quả nhé. Tức là bên cạnh việc tập trung hoàn thành tốt công việc của mình, thì các em cũng cần phải dành thời gian cho nhiệm vụ quản lý nhóm nữa. Đầu tiên, nhóm trưởng cần phải chọn mặt gửi vàng, phân chia công việc phù hợp với thế mạnh của từng thành viên. Tiếp theo, các em cần dành thời gian để theo sát các thành viên, nhắc nhở khi thấy trễ tiến độ và kịp thời hỗ trợ các bạn khi cần thiết.
Bên cạnh đó, nhóm trưởng cần phải là người cầu toàn, để giúp kết quả làm việc nhóm được hoàn hảo nhất. Thành viên nhóm có thể qua loa, nhưng nhóm trưởng nhất định phải cực kỳ cẩn thận, kỹ lưỡng, nhất là khi tổng hợp bài thuyết trình, bài tiểu luận. Ngoài ra, khi nhóm lỡ xảy ra mâu thuẫn nội bộ thì nhóm trưởng cũng cần phải là người bình tĩnh nhất, công tâm nhất để hoà giải, tránh việc để quan hệ cá nhân hoặc cảm xúc cá nhân gây ra sự thiên vị nhé. Cuối cùng, có một lưu ý cực kỳ quan trọng cho nhóm trưởng rằng “Nhóm trưởng không phải người gánh team”, mặc dù mình có vai trò quan trọng nhất, chịu trách nhiệm với kết quả làm việc nhóm, nhưng đừng để mọi người phụ thuộc vào mình quá nhiều, và cũng đừng đảm nhiệm quá nhiều việc, đừng để mình trở thành người gánh team, vừa cực cho mình, vừa không tốt cho các bạn.
Bài viết này đã giúp học sinh – sinh viên đại học hiểu rõ học nhóm là gì, khi nào cần phải học nhóm, ưu nhược điểm của học nhóm, những lời khuyên và những điều cần tránh để học nhóm hiệu quả. Đồng thời, cũng giúp các em có được hướng xử lý phù hợp khi có mâu thuẫn nội bộ. Ngoài ra, cũng đưa ra một số lưu ý giúp nhóm trưởng quản lý nhóm hiệu quả. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tốt!
>> 7 quán cafe yên tĩnh để sinh viên học bài, học nhóm
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.