Lúc được nhận vào công ty làm việc, bạn vui mừng thế nào? Thời gian đầu khi mới bắt đầu làm việc, bạn nhiệt huyết ra sao? Vậy mà tự dưng dạo gần đây cứ nghĩ tới công việc là lại thấy mệt mỏi, đi làm mà suốt ngày cứ lo ra, ngồi chơi, không chịu tập trung làm việc đàng hoàng, suốt ngày cứ tụ tập đồng nghiệp để than vãn… Chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ? Có phải bạn đang chán nản công việc? Nếu không còn nhiệt huyết với công việc nữa thì phải làm sao?
>> Quy luật ngầm về phép lịch sự tối thiểu khi đi làm
Vì sao bạn không còn nhiệt huyết với công việc?
Để có hướng xử lý phù hợp và giải quyết vấn đề một cách triệt để, thì đầu tiên, bạn cần phải tự xác định chính xác xem vì sao mình không còn nhiệt huyết với công việc? Do bản thân mình thay đổi, do công ty thay đổi, do môi trường làm việc không còn như xưa, do công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, hay do quá nhiều áp lực công việc đã khiến bạn cảm thấy stress, mệt mỏi, muốn được sớm giải thoát khỏi những điều chán nản, mệt mỏi ấy? Mỗi người đều có những lý do riêng khiến bản thân cảm thấy không còn nhiệt huyết với công việc, thường sẽ xoay quanh một số nguyên nhân phổ biến sau:
- Phải làm những công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, không có gì đổi mới;
- Vào làm một thời gian thấy mình không phù hợp với công việc, đây không phải điều mình thích làm;
- Tìm được một đam mê khác, ở một lĩnh vực công việc khác, không phải là công việc hiện tại;
- Muốn làm việc để thử sức, nhưng thử rồi thì thấy mình không đủ năng lực, không thể làm tốt công việc;
- Cố gắng làm nhiều nhưng kết quả mang lại không được bao nhiêu, dẫn tới cảm giác chán nản, mất nhiệt huyết;
- Cảm thấy bản thân đi làm cũng lâu mà vẫn dậm chân tại chỗ, chẳng tiến bộ, chẳng phát triển được gì;
- Đồng nghiệp xung quanh toxic, chia bè kết phái, suốt ngày tạo drama, không lo tập trung làm việc;
- Cấp trên gây khó dễ, không quan tâm tới nhân viên, suốt ngày áp đặt theo quan điểm của họ;
- Môi trường làm việc thay đổi theo chiều hướng tệ hơn, không còn được như ban đầu, khiến nhân viên bất mãn;
- Chế độ lương thưởng, phúc lợi bị cắt giảm vì công ty làm ăn sa sút, không có nhiều lợi nhuận;
- Công ty lao dốc, mất niềm tin vào công ty, đi làm mà không biết tương lai sẽ ra sao…
Trên thực tế, bạn có thể bắt gặp nhiều nguyên nhân khác nữa, dù là bất kỳ lý do gì, thì nó cũng dẫn tới chung một thực trạng, đó chính là bạn đi làm như người mất hồn, không còn nhiệt huyết với công việc nữa…
Biểu hiện của người không nhiệt huyết với công việc
Nếu bạn cho rằng mình có vẻ đang chán nản, không còn nhiệt huyết với công việc nữa, nhưng cũng chưa chắc chắn lắm, chưa dám kết luận, thì hãy thử điểm qua một số biểu hiện của người không nhiệt huyết với công việc:
- Thường xuyên đi trễ, về sớm, trốn làm với tần suất ngày càng tăng lên;
- Đi làm mà không tập trung, lo làm việc riêng, cứ nhìn đồng hồ mong mau tới giờ về;
- Hết giờ làm việc lập tức đứng lên đi về ngay, không có nhu cầu nán lại công ty;
- Không còn hứng thú với các buổi đi ăn, tiệc tùng, giải trí cùng với công ty, đồng nghiệp;
- Luôn mở miệng than vãn về công ty, công việc, rằng mình chán quá, muốn nghỉ việc quá;
- Luôn lựa chọn góc nhìn tiêu cực về công việc, nhìn đâu cũng thấy những điều không hài lòng;
- Chê khách, không còn nhiệt tình với khách hàng, thậm chí còn nói xấu sau lưng khách hàng;
- Thường để xảy ra sai sót trong công việc, kết quả làm việc cũng bị trượt dài, không còn như xưa;
- Thờ ơ với những nhiệm vụ mà cấp trên giao, không nhiệt tình phối hợp teamwork với đồng nghiệp;
- Thường dạo các website tìm việc, thông tin tuyển dụng ở trên mạng để xem có việc nào mình thích hơn…
>> Đi làm nhận lương nhưng không mang lại nhiều giá trị cho công ty thì phải làm sao?
Đi làm mà thiếu nhiệt huyết sẽ gây ra những tác hại gì?
Sau khi điểm qua những biểu hiện của người không nhiệt huyết với công việc, thì chắc hẳn bạn cũng sẽ tự suy ra được những điều bất lợi, những tác hại mà bản thân có thể gặp phải khi mình đi làm mà không nhiệt huyết. Đầu tiên, đó chính là bạn sẽ mất đi động lực làm việc, không còn cố gắng hoàn thành tốt công việc như trước, thậm chí luôn mất tập trung, lo làm việc riêng, bấm điện thoại, chơi game, tám chuyện trong giờ làm việc… và những điều này sẽ dẫn tới kết quả làm việc không tốt, để xảy ra nhiều sai sót trong công việc, thường xuyên bị cấp trên khiển trách, thậm chí nếu để xảy ra thiệt hại trong công việc, gây tổn thất cho công ty, thì bạn có thể phải đền bù, chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tiếp theo, không nhiệt huyết với công việc sẽ khiến bạn đi làm như một cái xác không hồn, ngồi ở công ty nhưng tâm trí cứ ở đâu đâu, như là mình đang bị ép buộc đi làm, bị nhốt trong công ty, tức là bạn sẽ chẳng vui một chút nào, tâm trạng sẽ cực kỳ tồi tệ, chán nản, mệt mỏi, như kiểu đang tự hành hạ, đày đoạ bản thân. Bên cạnh đó, khi đi làm mà không nhiệt huyết với công việc, bạn sẽ có thái độ làm việc không nghiêm túc, không hợp tác với đồng nghiệp, lười biếng, thiếu chuyên nghiệp, mất tập trung,… chính những điều đó sẽ khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí trong mắt đồng nghiệp xung quanh, họ sẽ đánh giá rằng bạn là một người làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm, nhiều khi bị mang tiếng suốt cả một thời gian dài sau này, khi bạn đã nghỉ làm, thì ấn tượng về bạn trong đầu đồng nghiệp vẫn sẽ rất xấu.
Không còn nhiệt huyết với công việc thì phải làm sao?
Không còn nhiệt huyết với công việc khiến bạn cứ ngập tràn trong cảm giác chán nản và những suy nghĩ tiêu cực, đồng thời, điều đó cũng kéo theo nhiều tác hại như chúng ta đã làm rõ ở phần trước. Chính vì thế, bạn không nên nhắm mắt cho qua, không nên để thực trạng ấy kéo dài quá lâu, vì nó sẽ có xu hướng tích tụ lại ngày một nhiều hơn, khiến bạn càng lúc càng mệt mỏi, chán nản nhiều hơn. Để giải quyết tình trạng này triệt để, bạn cần phải đi từ nguyên nhân của nó. Hãy nhìn lại xem mình cảm thấy tuột mood, không còn nhiệt huyết với công việc vì những lý do gì?
Nếu nó đến từ chính bản thân mình, thì liệu bạn có thể thay đổi để lấy lại cảm hứng làm việc không, hoặc bạn có đồng ý sẵn sàng gạt bỏ những khó chịu, bực bội cá nhân để tiếp tục đồng hành với công việc này, toàn tâm toàn ý với công việc như lúc mới vào làm việc không? Còn nếu nguyên nhân đến từ những yếu tố khách quan bên ngoài và bạn hầu như khó lòng tác động được, đã cố gắng thử đủ mọi cách nhưng không thể thay đổi được gì, thì khả năng cao rằng chúng sẽ khiến bạn ngày càng mệt mỏi, chán nản nhiều hơn, và có thể nghĩ tới chuyện nghỉ việc, cho bản thân được giải thoát, được tự do, không còn phải tự ép uổng bản thân mình cố gắng đi làm mỗi ngày như zombie công sở.
Mệt mỏi, chán nản, tuột mood thì có nên nghỉ việc?
Chia tay sớm, bớt đau khổ, một số người có quan điểm này đã nghĩ tới chuyện nghỉ việc khi thấy mình không còn nhiệt huyết với công việc, sau khi đã cố gắng đủ mọi cách để vực dậy tinh thần, lấy lại cảm hứng làm việc, củng cố lại đam mê với công việc, nhưng không thành công, không mang lại tín hiệu gì khả quan. Thoạt nghe qua thì đây có vẻ là một quyết định tiêu cực, khi bạn không mạnh mẽ đối diện với vấn đề, mà lại buông xuôi tất cả, nghỉ việc đại cho xong. Nhưng đây là quyền quyết định của mỗi người, bạn đã suy nghĩ kỹ lưỡng và đã quyết định, mọi người xung quanh sẽ tôn trọng điều đó.
Nếu thấy mình không còn nhiệt huyết nữa, tuột mood, đi làm mà mất tập trung, không hoàn thành tốt công việc, thì nghỉ làm cũng là một phương án phù hợp và tốt cho cả đôi bên, cho bạn và cho công ty, chứ nếu cứ ép mình đi làm, thì bạn sẽ thấy cực kỳ mệt mỏi, chán nản, và công ty cũng phải đối mặt với những rủi ro khi kết quả làm việc của bạn không tốt. Vì thế, sau khi đã đánh giá, cân nhắc trên nhiều khía cạnh, thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn phương án nghỉ làm, tìm cho mình một công việc mới, một môi trường mới, một cơ hội mới, khi bản thân không còn nhiệt huyết với công việc hiện tại. Biết đâu được, ở một chân trời mới, bạn sẽ hào hứng làm việc hơn, thành công hơn và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
Bài viết này đã giúp bạn điểm qua một số nguyên nhân và tác hại khi đi làm mà không còn nhiệt huyết với công việc, đồng thời, giải đáp băn khoăn rằng không còn nhiệt huyết với công việc thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn có được lựa chọn và quyết định đúng đắn nhất cho mình!
>> 6 dấu hiệu nhận biết nhân viên sắp nghỉ việc
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.