Bạn cảm thấy chán công việc và muốn nghỉ việc, nhưng cứ chần chờ mãi chẳng thấy nghỉ, cứ làm hoài từ ngày này sang tháng nọ. Tâm trạng bạn vẫn tệ, vẫn không muốn tiếp tục làm nữa, nhưng tại sao bạn vẫn cứ chần chờ? Phải chăng bạn đã làm công việc này lâu rồi, đã quá quen thuộc với nó, nên ngại xin nghỉ, sợ qua công ty mới phải mất công làm quen lại từ đầu?
>> Mẫu email đơn xin nghỉ việc đúng quy trình, đủ thông tin
Vì sao bạn có ý định muốn nghỉ việc?
Có nhiều lý do khác nhau để bạn thấy chán nản, mất động lực làm việc và có ý định nghỉ việc, chẳng hạn như:
- Kết quả làm việc không tốt, cố gắng mãi như không thấy cải thiện, thường bị cấp trên trách mắng;
- Bạn cảm thấy mình không học được gì thêm từ công việc này, muốn chuyển sang công ty khác, môi trường khác tốt hơn để tiếp tục học hỏi, phát triển bản thân;
- Công ty có quy định khắt khe, xiết chặt nhiều thứ, hở tí là phạt tiền, trừ lương, khiến nhân viên cảm thấy áp lực, không có nhu cầu làm tiếp nữa;
- Công việc không có lộ trình thăng tiến, làm lâu mà không được tăng lương, thăng chức, thiếu sự công nhận năng lực, khiến bạn mất dần động lực làm việc;
- Xích mích với đồng nghiệp, cảm thấy nội bộ bất ổn, bất hoà, khó lòng teamwork, phối hợp trong công việc, thậm chí trong công ty còn chia bè kết phái lung tung, drama ngập tràn.
>> Đi làm gặp đồng nghiệp kỳ cục thì phải làm sao?
Làm công việc quá quen thuộc nên ngại nghỉ việc?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nghỉ việc, không tiếp tục làm công việc này nữa? Khi đó, bạn sẽ được giải toả áp lực, thoải mái đầu óc, tận hưởng công việc mới ở công ty mới, nơi mà không có những điều khiến bạn muốn nghỉ việc nữa, chí ít là trong thời gian 3-6 tháng đầu tiên, khi áp lực công việc chưa đè nặng lên nhân viên mới. Tuy nhiên, song song với điều đó thì bạn phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như phải đi tìm việc làm, phải viết CV, phỏng vấn và cạnh tranh với rất nhiều ứng viên khác trong cuộc đua tuyển dụng. Bạn càng tham vọng, càng muốn vào công ty lớn, lương thưởng, đãi ngộ tốt, thì mức độ cạnh tranh càng cao, càng khốc liệt, càng phải nỗ lực thể hiện bản thân nhiều hơn, và hoàn toàn có khả năng bị trượt, phải ngậm ngùi đọc email chia buồn từ nhà tuyển dụng. Liệu bạn đã sẵn sàng để chạy đua 200% công lực như thế chưa? Hay bạn đang quan ngại lỡ nghỉ việc ở đây xong không tìm được việc làm, thất nghiệp luôn thì sao?
Đó là quan ngại chung của rất nhiều người, nếu đã cố gắng vượt qua được nỗi sợ ấy, thì bạn sẽ phải đối mặt với thách thức tiếp theo, chính là phải làm quen lại từ đầu với công việc mới. Hiện tại, bạn đã làm ở công ty này khá lâu rồi, hầu như đã quá quen thuộc với các đầu việc, các nhiệm vụ thường ngày, bạn làm một cách khá đơn giản, nhiều khi chỉ cần nhìn lướt qua cũng biết nên làm gì, bạn cũng hiểu ý của sếp, khách hàng, đối tác, nên dễ dàng hoàn thành công việc được giao ở mức ổn áp, không tới nỗi quá tệ, và mức lương vẫn ổn định đều đều mỗi tháng, có thể nó không quá cao như bạn đang mong muốn, nhưng nó ổn để giúp bạn yên tâm trang trải chi tiêu mỗi tháng. Bây giờ, khi nghỉ việc, từ bỏ một công việc mình đã quá quen thuộc và phải làm quen lại từ đầu với công việc mới, khá nhiều người quan ngại điều đó, chần chờ mãi chẳng thấy nghỉ việc dù đã chán lắm rồi.
Ngại xin nghỉ khi đã quá quen thuộc với công việc là tâm lý chung của rất nhiều người. Nếu bạn thấy mình cũng như thế, thì đó là điều bình thường, và chuyện quyết định có nên nghỉ hay không sẽ phụ thuộc vào sự cân đo đong đếm của mỗi người. Chẳng hạn như khi bạn quá chán nản công việc này, mỗi ngày đi làm như bị bắt ép, không có một chút động lực gì và kết quả làm việc cũng lẹt đẹt, kéo theo lương cũng bị thấp, thì bạn nên sớm xin nghỉ, đừng ngại khi phải làm quen lại từ đầu với công việc mới, chứ bây giờ có ở lại làm tiếp thì cũng chẳng đâu vào đâu, chỉ tốn thời gian của bạn thôi. Ngược lại, nếu bạn chỉ hơi chán công việc một chút, hoặc mới vừa xích mích với 1-2 đồng nghiệp nên có cảm giác buồn bực nhất thời, thì nên cân nhắc nhiều thêm, không nên vội xin nghỉ việc chỉ vì lý do đó.
Bài viết này đã làm rõ quan điểm về chuyện khá nhiều người ngại xin nghỉ vì đang làm một công việc quá quen thuộc. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Nghỉ làm mà không bàn giao công việc thì có sao không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.