Ở đại học, sinh viên sẽ phải thường xuyên làm việc nhóm thông qua các bài tiểu luận hoặc thuyết trình nhóm. Trong một nhóm thì chắc chắn phải có nhóm trưởng rồi. Làm nhóm trưởng bận trăm công nghìn việc, phải theo sát từng thành viên để hỗ trợ mọi người, thế mà lại bị ghét chỉ vì:
- Thấy bài làm sơ sài, yêu cầu bạn sửa lại.
- Nhắc bạn nộp bài vì đã quá deadline mà chưa nộp.
- Nhắc nhở vì bạn đến trễ giờ họp nhóm.
Này, nếu bạn nào đang hoặc đã từng ghét nhóm trưởng của mình thì hãy cùng nhìn lại xem làm nhóm trưởng vất vả như thế nào nhé. Nhóm trưởng vừa phải hoàn thành phần công việc như một thành viên trong nhóm, lại còn phải kiêm nhiệm thêm các công việc sau:
1. Chủ trì các buổi họp nhóm
Nếu các thành viên chỉ cần tham gia buổi họp nhóm, tìm hiểu trước phần nội dung mà mình đã được phân công và cùng nhau thảo luận. Thì nhóm trưởng còn phải làm thêm nhiều đầu việc khác để có thể chủ trì các buổi họp nhóm thành công, chẳng hạn như nhắc nhở từng người về lịch họp, nhắc mọi người nhớ chuẩn bị bài trước, rồi chính nhóm trưởng sẽ phải là người tìm hiểu rõ nhất về toàn bộ nội dung của team, rồi cùng lắng nghe, phân tích để chốt các phương án tốt nhất sau buổi họp nhóm. Nếu khi thảo luận nhóm mà các thành viên mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, thì nhóm trưởng cũng phải là người trực tiếp đứng ra giải quyết.
2. Theo sát để hỗ trợ từng thành viên
Để đảm bảo teamwork tốt, nhóm trưởng còn phải luôn theo sát để hỗ trợ từng thành viên. Bất cứ thành viên nào gặp khó khăn cần hỗ trợ thì nhóm trưởng sẽ chính là người hỗ trợ. Không phải chỉ thụ động chờ xem ai cần thì hỗ trợ. Mà nhóm trưởng sẽ phải chủ động hỏi thăm để phát hiện ra vấn đề và kịp thời hỗ trợ từng thành viên trong team.
>> Trải nghiệm lần đầu làm nhóm trưởng ở đại học
3. Dí các bạn cho kịp deadline
Đây là điều khiến không ít nhóm trưởng mệt mỏi vì phải đóng vai ác, dí các bạn cho kịp deadline. Đâu ai muốn đóng vai ác, đây chỉ là điều bất đắc dĩ thôi, dí các bạn thì nhóm trưởng cũng đâu được lợi lộc gì, tất cả đều vì kết quả chung của nhóm thôi. Nên nếu ai mà ghét nhóm trưởng vì lý do này thì nên suy nghĩ lại. Tốt nhất là các em nên chủ động nộp bài đúng deadline để nhóm trưởng còn kịp tổng hợp bài của cả nhóm nữa.
4. Tổng hợp bài khi làm nhóm trưởng
Khâu tổng hợp bài thật sự khủng khiếp luôn, ai làm nhóm trưởng rồi mới hiểu. Phải đọc kỹ lại bài của từng thành viên, chỉnh sửa các kiểu để chỉn chu nhất về cả hình thức lẫn nội dung. Chứ không phải chỉ là ghép bài của từng người lại thành 1 bài chung thôi đâu. Đồng thời, nhóm trưởng còn phải rà soát lại để đảm bảo bài của cả nhóm không bị sai lỗi chính tả, liên kết giữa các phần với nhau, toát mồ hôi luôn ấy.
5. Chịu trách nhiệm khi làm nhóm trưởng
Nếu bài làm có kết quả tốt thì cả nhóm đều vui. Còn nếu lỡ xảy ra sai sót gì thì nhóm trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm. Tự nhiên phải gánh trên mình trách nhiệm nặng nề vậy luôn.
Hy vọng bài viết này sẽ như một nơi để trút bầu tâm sự của các nhóm trưởng, để các thành viên trong nhóm hiểu rõ hơn về những đầu việc và những áp lực vô hình đặt lên vai nhóm trưởng. Chứ không phải anh viết bài này để thay nhóm trưởng trách móc các bạn trong nhóm đâu. Đừng ghét nhóm trưởng. Nhóm trưởng cần được thương yêu. Chúc các em làm việc nhóm ăn ý trong các lần tiếp theo nhé.
>> Nhóm trưởng không phải người gánh team!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.