Học hoài không vào, phải làm sao? Nếu sinh viên từng ngồi tự học 3-4 tiếng mà vẫn thấy mơ hồ, không nắm kiến thức, không hiểu bài, thì khả năng tự học của các em đang có vấn đề. Tại sao bạn khác tự học hiệu quả mà mình lại không? Nhất là khi mới lên đại học, nếu tân sinh viên không biết cách chủ động tự học, tự tìm tòi kiến thức, thì khả năng bị rớt môn sẽ rất cao. Vậy làm sao để sinh viên cải thiện khả năng tự học?
>> Cách lên kế hoạch học tập khoa học cho sinh viên
Các sai lầm thường gặp khi sinh viên tự học
Tự học là điều tốt, sinh viên có ý thức tự giác ngồi vào bàn học là điều đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng các em đang không mắc phải những sai lầm thường gặp, khiến việc tự học bị kém hiệu quả, thậm chí chẳng thu nạp được kiến thức gì, chẳng hạn như:
- Chưa nắm vững kiến thức nền: Nếu không nắm kiến thức nền tảng, sinh viên sẽ khó lòng tự học, càng học càng không hiểu, vì các kiến thức ở đại học sẽ liên quan chặt chẽ với nhau, buổi trước là nền tảng của buổi sau. Hay đơn giản là khi trên lớp không nghe giảng, không hiểu bài, thì về nhà sẽ khó lòng tự học hiệu quả;
- Tự học nhưng không tập trung: Vừa học vừa chơi, bấm điện thoại, bị xao nhãng bởi các việc khác, hoặc ngồi học khi đang buồn ngủ, hoặc ở một không gian quá ồn ào, không yên tĩnh, thì sinh viên sẽ không thể tập trung để tự học hiệu quả;
- Phân chia thời gian không hợp lý: Môn nhiều kiến thức, nhiều bài tập, nhưng phân chia thời gian học quá ít, không đủ để hoàn thành bài tập, hoặc ráng ngồi học quá lâu mà không nghỉ ngơi, cũng khiến sinh viên bị kiệt sức, nhức đầu, khó tiếp thu kiến thức;
- Không thoải mái khi tự học: Sinh viên không thích tự học, mà chỉ ráng ngồi vào bàn học cho có, hoặc bị ba mẹ bắt ép học, một cách không thoải mái chút nào;
- Học nhiều môn cùng lúc: Không phân chia rõ rằng khung thời gian nào học môn nào, mà học một cách xáo trộn, đang học môn này lại lấy môn khác ra, học nhiều môn cùng lúc, tẩu hoả nhập ma, lẫn lộn các kiến thức với nhau;
- Không có phương pháp học phù hợp: Nếu không có phương pháp học phù hợp, sinh viên sẽ mất nhiều thời gian học nhưng kiến thức thu nạp không bao nhiêu, không thể ghi nhớ lâu, không biết ứng dụng kiến thức đã học,… Hoặc đơn giản là thấy chán, vì không hợp với phương pháp đó, nên lại bỏ bê việc học.
>> Tự học Tiếng Anh trên Youtube có hiệu quả không?
Làm sao để sinh viên cải thiện khả năng tự học?
Để cải thiện khả năng tự học, sinh viên chỉ cần dựa vào các sai lầm thường gặp ở phần trước, rồi tìm cách phòng tránh, khắc phục. Cụ thể hơn, các em có thể tham khảo một số giải pháp sau đây:
- Củng cố động lực học tập: Để tự học hiệu quả, bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là phải có động lực học tập, khi hiểu rằng vì sao cần học, nó mang lại các lợi ích thế nào trong tương lai, thì sinh viên mới có thể tập trung, cố gắng học để mang lại kết quả tốt nhất. Đơn giản thôi, các em hãy nghĩ rằng khi học giỏi, vững kiến thức thì tương lai sẽ tìm được việc làm tốt, mức lương hấp dẫn, không bị chật vật khi xin việc, không lo thất nghiệp, bây giờ ráng học thì tương lai sẽ sung sướng, khổ trước sướng sau.
- Lập kế hoạch học tập rõ ràng: Tiếp theo, sinh viên hãy phân chia thời gian học một cách hợp lý, theo thời gian biểu cụ thể, học đều cho tất cả các môn, tránh việc học môn này bỏ môn kia. Lưu ý rằng mỗi buổi học chỉ nên học 1 môn, kéo dài khoảng 2 tiếng, sau đó, sinh viên nên nghỉ ngơi, relax một tí trước khi chuyển sang học môn khác.
- Đảm bảo hiểu bài sau mỗi buổi học trên trường: Để cải thiện khả năng tự học, sinh viên phải có kiến thức nền tảng tốt, đồng nghĩa với việc phải tập trung tuyệt đối trong giờ học trên trường, lắng nghe giảng để hiểu bài, nếu có chỗ nào chưa rõ hãy mạnh dạn hỏi lại giảng viên để được giải đáp, tránh để mình về nhà mà vẫn mơ hồ kiến thức.
- Tự đặt câu hỏi khi đang học: Một bí quyết nữa để sinh viên cải thiện khả năng tự học chính là hãy tự đặt câu hỏi khi đang học, càng nhiều câu hỏi được giải đáp thì các em sẽ càng hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu đúng kiến thức môn học hơn. Song song đó, hãy thử nhiều phương pháp học khác nhau cho từng môn để tìm ra đâu là cách học hiệu quả nhất đối với mình cho các môn học.
- Giảng lại bài cho bạn khác: Khi đã hiểu bài, nắm kiến thức, sinh viên có thể thử giảng lại bài cho các bạn khác, nếu tự tin giảng được từ đầu tới cuối, thì chắc chắn các em đã hiểu rõ 100% kiến thức môn học, không còn gì lăn tăn nữa, tới khi ôn thi cuối kỳ cũng sẽ nhẹ nhõm hơn vì mình đã nắm rõ bản chất kiến thức rồi, chỉ cần nhìn sơ qua các keyword thì sẽ tự động hệ thống kiến thức, nhớ lại nội dung các môn học.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn của sinh viên rằng làm sao để cải thiện khả năng tự học? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cách chuyển từ học thụ động sang tự học
—