Làm Sao Để Tìm Được Môi Trường Thực Tập Xịn?

Nhiều sinh viên đi thực tập thấy mình chẳng tiến bộ gì, cứ bị giao cho làm những việc lặt vặt, làm này làm kia chứ không học thêm được về chuyên môn, chuyên ngành. Để tránh rơi vào trường hợp ấy, sinh viên cần tìm hiểu kỹ và có lựa chọn chính xác rằng mình sẽ apply thực tập ở công ty nào, chứ nhất định không được chọn đại. Vậy làm sao để tìm được môi trường thực tập xịn? Hãy cùng giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Cơ hội thực tập cho sinh viên học lực khá

1. Định hướng nghề nghiệp rõ ràng

Khoan hãy nghĩ tới việc lựa chọn các công ty lớn, danh tiếng khi tìm chỗ thực tập, mà điều đầu tiên sinh viên cần làm chính là phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Hãy dành thời gian để nghĩ về công việc tương lai, đặt ra mục tiêu nghề nghiệp, hình dung rõ về lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi và gắn bó lâu dài sau này. Chứ khi bản thân còn đang mông lung, mơ hồ, chưa có định hướng nghề nghiệp, thì làm sao mà chọn được môi trường thực tập xịn, hoặc có thể đó là một công ty xịn đối với người khác chứ chưa chắc sẽ phù hợp với mình.

Vì thế, trước khi bắt tay tìm chỗ thực tập, sinh viên hãy dành thời gian tìm hiểu về công việc, các đầu mục, nhiệm vụ mà mình sẽ phải phụ trách sau này ở các công việc đúng chuyên ngành, rồi cân nhắc xem đó có phải là điều mình muốn theo đuổi hay không, càng cân nhắc kỹ càng tốt.

2. Tìm chỗ thực tập trên các kênh uy tín

Khi đã có định hướng nghề nghiệp, sinh viên chỉ cần lên các kênh tuyển dụng uy tín rồi tìm vị trí thực tập theo đúng mục tiêu mình muốn theo đuổi, chẳng hạn như search từ khoá thực tập marketing, thực tập nhân sự, thực tập kế toán, thực tập ngân hàng,… Các em có thể lọc thêm theo địa điểm để ưu tiên các chỗ thực tập gần nhà, hoặc tìm kiếm theo tên công ty nếu đã xác định chính xác rằng mình muốn được thực tập ở công ty nào, nhất là các doanh nghiệp thuộc top 5, top 10 trong ngành. Đương nhiên, công ty càng lớn, càng danh tiếng thì yêu cầu sẽ càng cao, dù chỉ là tuyển thực tập sinh nhưng họ cũng có các yêu cầu nhất định mà sinh viên cần đáp ứng, nên các em cần chuẩn bị kỹ lưỡng, trau dồi đầy đủ hành trang và tự lượng sức, tránh việc nhắm mắt apply đại vào những chỗ thực tập quá sức với mình.

>> 6 website tìm việc nào phù hợp nhất với sinh viên?

3. Đọc kỹ mô tả công việc thực tập trước khi apply

Để tránh việc vào thực tập lại thấy chán, nản, không phù hợp, thậm chí cố gắng vào được công ty lớn để thực tập nhưng sau đó lại không thích, không được như mong muốn, thì ngay từ đầu sinh viên cần đọc kỹ mô tả công việc trước khi apply. Đó chính là phần thông tin mô tả xem khi vào thực tập thì sẽ làm những đầu việc gì, hãy dựa vào đó để cân nhắc xem liệu có đúng với nguyện vọng của các em không, có phù hợp với khả năng của mình không? Cho dù đó là công việc xịn xò, ở công ty lớn, nhưng lại không đúng như mong đợi của mình, thì các em hãy bỏ qua, tìm chỗ thực tập khác đúng với nguyện vọng bản thân hơn.

4. Chuẩn bị hồ sơ & CV thực tập ấn tượng

Để được nhận vào công ty thực tập, sinh viên sẽ cần trải qua thử thách đầu tiên, đó chính là vòng sàng lọc CV. Hãy chắc chắn rằng mình đã chuẩn bị hồ sơ xin việc và CV thực tập ấn tượng, nêu bật các điểm mạnh về kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm thông qua việc học tập và tham gia CLB trên trường. Nhưng lưu ý CV nên gói gọn trong 1 mặt A4, ngắn gọn, súc tích, chứ không nên quá dài dòng, lan man. Trước khi gửi CV thực tập, sinh viên cần đọc kỹ lại để tránh mắc phải các lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi trình bày, và tự nhìn nhận xem nên thêm/bớt nội dung nào để CV của mình phù hợp hơn với vị trí ứng tuyển, tốt nhất là nên cân chỉnh một tí cho phù hợp với từng chỗ thực tập mà mình gửi hồ sơ, chứ không nên dùng 1 CV duy nhất để gửi cho tất cả công ty.

>> Hướng dẫn viết CV từng bước, cá nhân hoá cho mỗi người

5. Trả lời phỏng vấn thực tập lưu loát

Sau khi vượt qua vòng sàng lọc CV, sinh viên sẽ được các anh chị HR mời tới buổi phỏng vấn, thử thách lúc này chính là phải làm sao để trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn với phong thái tự tin, không bị run hay lắp bắp. Mặc dù phỏng vấn thực tập sẽ không quá căng thẳng hay yêu cầu cao như tìm việc chính thức, nhưng công ty vẫn có các tiêu chí riêng để đánh giá, nhất là tiêu chí liên quan tới kiến thức chuyên ngành. Sinh viên có thể bỏ qua, trả lời chưa chuẩn xác với các câu hỏi liên quan tới công việc, đầu việc thực tiễn, nhưng ít ra khi được nhà tuyển dụng hỏi những câu về kiến thức chuyên ngành, liên quan tới các môn đã được học trên trường thì phải trả lời được, đúng nội dung, hiểu sâu kiến thức, thì mới tăng cơ hội được nhận vào thực tập. Đừng để rơi vào trường hợp đã tìm được công ty thực tập xịn rồi, nhưng lại bị trượt phỏng vấn vì trả lời sai các câu hỏi về kiến thức chuyên ngành.

Bài viết này đã giải đáp băn khoăn của sinh viên rằng làm sao để tìm được môi trường thực tập xịn? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Gợi ý trả lời 3 câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh phổ biến nhất

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Cách Duy Trì Động Lực Học Tập Dài Hạn

Cách Thoát Cảm Giác Lạc Lõng Khi Mới Vào Đại Học

Cách Làm Tiểu Luận Điểm Cao Không Sao Chép Ý Tưởng