Tìm việc làm là câu chuyện bình thường mà ai cũng phải đối diện, mỗi khi nghỉ việc ở công ty cũ thì bạn sẽ bắt đầu hành trình chuẩn bị CV, apply & phỏng vấn xin việc ở công ty mới, tìm kiếm cho mình các cơ hội việc làm mới, chứ đâu thể nào ngồi ở nhà hoài, không có thu nhập thì lấy tiền đâu ra mà sống? Tuy nhiên, với những ai tuổi đã không còn trẻ nữa, tầm 30 trở lên thì có thể sẽ hơi quan ngại khi tìm việc, khi phải cạnh tranh việc làm cùng các bạn trẻ hơn. Vậy làm sao để tìm việc mới khi không còn trẻ nữa? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Chán công việc nhưng ngại tìm việc mới thì phải làm sao?
Khủng hoảng việc làm ở độ tuổi 30+
Đối với sinh viên mới ra trường hoặc những bạn dưới 3 năm kinh nghiệm, thì chuyện tìm việc sẽ khá đơn giản, hầu như sẽ chẳng ai lăn tăn hay quan ngại gì, chỉ đơn giản nghĩ rằng mình cần tìm việc làm thì mình tìm thôi, có gì đâu mà phải lo? Nhưng khi không còn trẻ nữa, cụ thể là ử độ tuổi từ 30 trở lên, thì tìm việc làm dần trở thành câu chuyện khiến mọi người bị ám ảnh, thậm chí đó cũng là lý do khiến cho nhiều người dù khá chán nản, mệt mỏi với công việc hiện tại, nhưng quyết định sẽ ráng làm tiếp, không dám nghỉ việc vì sợ phải tìm việc mới khi tuổi không còn trẻ nữa.
Ở độ tuổi 30+, tâm lý, suy nghĩ của chúng a sẽ có chiều sâu hơn, phức tạp hơn và những kỳ vọng về tương lai cũng sẽ nhiều hơn, và đương nhiên sẽ càng áp lực hơn khi so sánh bản thân với những người đồng trang lứa. Nhiều người nói đùa rằng trên 30 thì ai cũng giàu hết rồi, vậy mà nhìn lại mình thấy công việc vẫn còn bấp bênh, vị trí, chức vụ cũng bình thường, không như mình kỳ vọng, và dường như cũng đang tệ hơn so với mặt bằng chung, thì chắc chắn bạn sẽ càng thấy áp lực và khủng hoảng hơn. Khi độ tuổi càng tăng lên, thì những kỳ vọng và áp lực về công việc, sự nghiệp cũng sẽ ngày càng nặng nề hơn, nếu không sớm cân bằng và tìm hướng xử lý thì bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng việc làm ở độ tuổi 30+.
Độ tuổi có phải rào cản khi tìm việc làm không?
Theo diễn biến tâm lý thì những người có độ tuổi càng cao thì sẽ càng lo lắng hơn khi tìm việc, khi phải cạnh tranh với các bạn trẻ tuổi hơn, nhất là với lứa sinh viên mới ra trường đang tràn đầy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, liệu đó có phải là một nỗi lo lắng thái quá không, liệu độ tuổi có phải rào cản khi tìm việc làm không?
Mỗi công việc khác nhau sẽ đều có mô tả công việc cụ thể, kèm theo các tiêu chí sàng lọc riêng, bao gồm cả tiêu chí về độ tuổi. Nếu bạn không còn trẻ nữa, tầm 30 tuổi trở lên, mà lại apply các công việc dành cho sinh viên mới ra trường, hoặc cho người dưới 5 năm kinh nghiệm, thì bạn đang lựa chọn sai công việc để apply, bạn đã quá độ tuổi để ứng tuyển vào các công việc đó, thì HR sẽ loại hồ sơ của bạn ngay từ vòng gửi xe. Tuy nhiên, nếu bạn apply vào các vị trí chức vụ phù hợp với độ tuổi và số năm kinh nghiệm của mình, thì đây là điều hoàn toàn bình thường, bạn sẽ cạnh tranh công bằng với những người khác, lúc này thì tuổi tác không còn là vấn đề nữa, quan trọng là ai có chuyên môn tốt hơn và phù hợp với vị trí ứng tuyển hơn thì sẽ được nhận vào làm việc. Tóm lại, nếu bạn appy công việc phù hợp với độ tuổi thì tuổi tác không phải là rào cản gì cả, nhưng nếu bạn không còn trẻ nữa mà lại chưa tự tin vào năng lực bản thân, lại đi apply các công việc yêu cầu ít kinh nghiệm thì khả năng cao rằng nhà tuyển dụng sẽ đặt dấu chấm hỏi, không biết vì sao bạn lại ứng tuyển, và liệu năng lực của bạn đang tệ hơn số năm kinh nghiệm của bạn hay sao?
>> Có nên phóng đại kinh nghiệm làm việc trong CV không?
Vì sao khi không còn trẻ thì bạn khó tìm việc hơn?
Sau khi đã làm rõ rằng độ tuổi không phải là rào cản khi xin việc, thì chắc hẳn bạn đã yên tâm phần nào, nhưng thật ra khi nộp CV tìm việc trong lúc mình đã hơn 30 tuổi, thì ít nhiều gì chúng ta cũng mang tâm lý hồi hộp và đặt nặng vấn đề hơn so với khi còn trẻ. Vì sao lại như thế, điều gì khiến cho khi không còn trẻ thì bạn khó tìm việc hơn? Đầu tiên, có lẽ đó là những kỳ vọng của bạn về công việc, công ty, môi trường làm việc sẽ nhiều hơn, lắm tiêu chí hơn so với hồi mình ngây ngô mới ra trường. Bạn là người từng trải, bạn biết được rằng mình muốn gì, cần gì ở công việc để có thể hoàn thành tốt, phát huy tối đa khả năng của bản thân, nên đã tự mình đặt ra một số tiêu chuẩn cho công việc tương lai, càng nhiều tiêu chuẩn thì bạn càng gặp khó khăn trong việc sàng lọc, tìm kiếm công ty phù hợp với các tiêu chuẩn đó, thậm chí có thể số lượng rất ít ỏi, đếm trên đầu ngón tay, bạn mà thể hiện không tốt khi phỏng vấn, để bị trượt thì sẽ cực kỳ uổng, vì số lượng cơ hội không nhiều.
Tiếp theo, có thể bạn thấy khi không còn trẻ khó tìm việc hơn là vì nhu cầu chi tiêu, thu nhập mong muốn, mức lương kỳ vọng của bạn đang cao hơn nhiều so với khi mới ra trường. Mức sống của chúng ta ngày càng tăng, càng đi làm lâu năm lương càng lên thì mình chi tiêu càng nhiều, bây giờ kêu giảm xuống thì sao mà giảm, chưa kể tới việc vật giá leo thang, thậm chí nhiều người đang nợ thẻ tín dụng phải trả dần hàng tháng, nên thật sự khó mà giảm kỳ vọng về mức lương xuống. Càng quan trọng mức lương thì thật sự chuyện tìm việc làm sẽ khó hơn, độ tuổi phần nào ảnh hưởng tới điều này, tức là khi mình đã đi làm lâu năm rồi thì không thể chấp nhận mức lương như sinh viên mới ra trường. Ngoài ra, chúng ta cũng không loại trừ trường hợp bạn đi làm lâu năm nhưng không học hỏi được gì nhiều, năng lực vẫn dậm chân tại chỗ, chưa tự tin để apply lên các vị trí quản lý, leader, manager, mà lại phải đi tìm các công việc ở cấp bậc nhân viên, cạnh tranh ngang bằng với các bạn trẻ, những bạn mới ra trường, thì đây cũng là một bất lợi gây khó khăn khi tìm việc.
Làm sao để tìm việc mới khi không còn trẻ nữa?
Quay trở lại với câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết, làm sao để bạn tìm việc mới khi không còn trẻ nữa? Sẽ không có công thức chung cho tất cả mọi người, cách hiệu quả nhất chính là bạn hãy xử lý vấn đề từ chính những nguyên nhân của nó. Hãy nhìn lại xem chuyện mình cảm thấy khó khăn, tìm việc mãi chưa được nhận, nó đến từ các nguyên nhân nào, rồi lần lượt xử lý triệt để từng điều một. Chẳng hạn như khi không còn trẻ nữa, bạn tìm việc khó khăn do bản thân có quá nhiều tiêu chuẩn về công việc, khiến bạn tự giới hạn cơ hội việc làm của mình, thay vì có hàng chục công việc để apply, thì bây giờ chỉ còn vài nơi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của riêng bạn, vậy thì bạn hãy nới tiêu chuẩn ra, đừng quá ám ảnh về chúng, thì sẽ có nhiều công việc, nhiều cơ hội việc làm để apply hơn.
Hoặc nếu vấn đề do năng lực của bạn còn yếu, bạn chưa tự tin vào khả năng làm việc của bản thân, thậm chí ở công ty cũ bạn cũng mang về kết quả làm việc kém, thường xảy ra sai sót trong công việc, bây giờ giữ nguyên như thế tìm việc mới trong khi không còn trẻ nữa, thì mãi chẳng có nơi nào nhận. Thì bạn cần phải nghiêm túc hơn trong việc trau dồi bản thân, mình yếu ở đâu thì cố gắng khắc phục ở đó, thiếu sót chỗ nào thì nhanh chóng trau dồi thêm ở đó, nhất là các tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, và sự chỉn chu, kỹ lưỡng, tập trung khi làm việc, đó là các yếu tố quan trọng giúp bạn vững vàng năng lực hơn và gia tăng cơ hội việc làm. Hoặc đơn giản là do bạn tự thấy rằng khi đã ngoài 30 thì chuyện xin việc là một bài toán khó, thì đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của bạn, làm gì có ai gắn bó mãi hàng chục năm với 1 công ty, sẽ có lúc chúng ta nghỉ việc, cần tìm việc mới, ngoài kia cũng đang có rất nhiều người trạc tuổi, thậm chí lớn tuổi hơn bạn cũng tìm việc, đó là điều bình thường, không có gì bất thường tới nỗi bạn phải ám ảnh, hoang mang. Hãy cứ xem chuyện viết CV, đi phỏng vấn là một quy trình bình thường để tìm việc làm, giúp bản thân tìm được công việc phù hợp, chứ đừng quá căng thẳng, phóng đại vấn đề lên quá mức.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng làm sao để tìm việc mới khi không còn trẻ nữa? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Thất nghiệp dài hạn, làm sao để tìm được việc làm?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.