Để hoàn thành tốt công việc khi đi làm, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm & năng lực làm việc, thì cảm hứng và sự yêu thích công việc cũng là yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu tâm. Tức là cho dù bạn giỏi tới đâu, xịn tới mức nào, nhưng lại không có hứng thú với công việc, thì cũng sẽ làm việc tàn tàn cho xong, khó lòng mang về kết quả tốt. Vậy phải làm sao để yêu thích công việc hiện tại hơn? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Công sở là nơi để làm việc hay làm quen kết bạn?
Vì sao lúc trước bạn yêu thích công việc này?
Chúng ta thường khuyên nhau rằng trước khi quyết định từ bỏ, hãy nghĩ tới lý do vì sao mình lại bắt đầu? Tức là trước khi cảm thấy chán nản công việc như hiện tại, thậm chí còn muốn bỏ việc, nghỉ làm, thì bạn hãy nhớ lại xem ban đầu vì sao bạn lại lựa chọn công việc này, những yếu tố nào đã thôi thúc khiến bạn nhất định sẽ làm việc ở đây chứ không phải ở các công ty khác? Chẳng hạn như đi làm ở gần nhà, giờ giấc phù hợp, bạn yêu thích lĩnh vực này, bạn muốn được học hỏi những gì ở công việc này… Sau đó, hãy nhìn lại xem hiện tại những điều đó có còn như xưa không, nếu mọi chuyện vẫn thế, không có gì thay đổi, thì tại sao bạn lại thấy chán công việc? Hãy bình tâm suy nghĩ lại và cân nhắc chuyện “yêu lại từ đầu” với công việc này, vì bản chất công việc vẫn thế, thì hà cớ gì bạn lại thấy chán, thấy không yêu thích nó nữa? Còn nếu vẫn còn lăn tăn và cảm thấy cấn cấn, thì bạn hãy cân nhắc thêm những điều tiếp theo.
Công việc hiện tại có những điểm nào thú vị?
Hãy nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan xem công việc hiện tại bạn đang làm có những điểm nào thú vị, đó có thể sẽ là những chất xúc tác giúp bạn yêu thích công việc hiện tại hơn. Nếu cảm thấy bản thân đang khá bi quan, tiêu cực, nhìn đâu cũng thấy chán, thì hãy nhìn sang các đồng nghiệp xung quanh, xem họ đang happy với công việc ở những điểm nào, đó chính là những bản chất của công việc này mà hầu hết mọi người đều có thể cảm nhận được và thấy hứng thú, giúp tạo động lực để hoàn thành tốt công việc và gắn bó lâu dài. Trừ khi bạn thật sự không thấy có gì thú vị, và đa số đồng nghiệp xung quanh cũng thấy y như thế, họ cũng đang khá chán công việc này, mọi thứ không còn ổn áp như lúc ban đầu thì bạn mới nên tiếp tục chán, còn một khi vẫn còn những điểm tốt, điểm thú vị, thì bạn có thể lấy lại cảm hứng để yêu thích công việc hiện tại hơn.
>> Cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm và cách xử lý
Đồng nghiệp xung quanh có quan tâm & hỗ trợ bạn không?
Bên cạnh bản chất công việc, thì một yếu tố cũng khá quan trọng giúp bạn cảm thấy yêu thích công việc hiện tại hơn, đó chính là đồng nghiệp xung quanh có quan tâm & hỗ trợ bạn không? Cho dù công việc có hơi chán, hoặc khá áp lực khiến bạn thường xuyên ở trạng thái mệt mỏi, stress kéo dài, thì chính những đồng nghiệp xung quanh là người có thể healing, giúp bạn chữa lành tâm hồn, xua tan những áp lực, mệt mỏi công việc nhờ sự quan tâm và kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Nếu có những khó khăn trong công việc, những task khó, phức tạp mà bạn chưa biết cách làm, hoặc bị quá tải công việc, thì bạn hoàn toàn có thể nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, share bớt việc và cho bạn những lời khuyên để hoàn thành công việc một cách tốt hơn. Nếu đồng nghiệp xung quanh bạn đang nice và tuyệt vời như thế, thì bạn nên yêu thích công việc này hơn, không dễ để tìm được những đồng nghiệp xịn xò và chân thành như thế đâu.
Sếp có tạo điều kiện và training để bạn phát triển hơn không?
Khá nhiều người quyết định làm việc và gắn bó lâu với công việc vì cấp trên, tức là họ thấy rằng sếp là người rất giỏi, muốn được học hỏi, làm việc và phát triển bản thân khi làm việc với người cấp trên ấy, và kỳ vọng rằng thực tế cũng sẽ như thế, mình sẽ dần tiến bộ và phát triển sau một thời gian làm việc. Vậy bạn hãy nhìn lại xem trong thời quan vừa qua, sếp có tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức nhiều buổi training, hướng dẫn về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ để bạn phát triển hơn và hoàn thành công việc tốt hơn không? Nếu đáp ứng được từ 80% trở lên so với kỳ vọng của bạn, thì bạn nên hài lòng và yêu thích công việc này hơn. Ngược lại, nếu người cấp trên toàn để bạn tự bơi, không tạo điều kiện để học hỏi, phát triển mà cứ giao việc liên tục để bạn tự xử lý, làm sai thì la mắng, trách phạt, chửi bới, thì thôi bạn nên tìm công việc khác chứ không cần bắt ép bản thân phải yêu thích công việc hiện tại nữa.
>> Làm sao để xử lý công việc nhanh hơn, năng suất hơn?
Nếu hoàn thành tốt công việc, lương của bạn có cao không?
Đi làm để học hỏi, phát triển bản thân và thoải mái với đồng nghiệp, cấp trên, đó là điều đương nhiên mà ai cũng muốn. Song song đó, còn 1 yếu tố cũng quan trọng không kém mà hầu như ai đi làm, tìm việc làm đều sẽ quan tâm ngay từ đầu, đó chính là mức lương, thu nhập hàng tháng, phải đáp ứng đúng mong muốn và phù hợp với năng lực, tương xứng với những giá trị bạn mang lại cho công ty, thì mới giúp bạn hài lòng, yêu thích công việc và có thể gắn bó lâu dài. Hãy hình dung & tính toán xem nếu hoàn thành tốt công việc, tháng nào cũng đạt hoặc vượt KPI, thì lương của bạn có cao không, nếu có thì đó sẽ là động lực rất lớn để bạn cố gắng tập trung hoàn thành tốt công việc, và đương nhiên cũng là lý do hoàn toàn hợp lý để bạn yêu thích công việc hiện tại hơn.
Những điều khiến bạn chán công việc, có gạt bỏ được không?
Sở dĩ bạn tìm đọc bài viết này, đọc luôn tới đoạn này thì khả năng cao rằng bạn đang chán nản công việc, bạn phát hiện ra rằng công việc mình đang làm tồn tại một số điều khiến mình thấy chán, không còn vui thích như lúc ban đầu. Vậy hãy thử cân nhắc xem những điều khiến bạn chán nản công việc, không hào hứng nữa, thì bạn có gạt bỏ được chúng sang một bên không? Nếu được thì thật ra chúng chỉ là cảm xúc nhất thời hoặc những yếu tố nhỏ, không đáng để bạn phải nghỉ làm, phải bỏ công việc mà mình đã quen thuộc, đang làm tốt và đang có thu nhập ổn định. Còn nếu không thể bỏ qua, có quá nhiều điều kỳ quặc, khó lòng chấp nhận ở công việc hiện tại, thì bạn có thể cân nhắc tới chuyện tìm công việc mới, không nhất thiết phải ép mình ráng yêu thích công việc này nữa, nhưng cần lưu ý rằng bất kỳ công việc nào, công ty nào cũng có vấn đề, chỉ là bạn chưa vào làm việc thực tế nên chưa nhận ra, hãy chuẩn bị tâm lý khi dự định tìm công việc mới, chứ đừng vẽ ra bức tranh màu hồng để rồi khi qua công ty mới bạn lại thất vọng, lại muốn xin nghỉ tiếp.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng làm sao để yêu thích công việc hiện tại hơn? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Nên gắn bó với công ty bao lâu trước khi nghỉ việc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.