Khi bắt đầu đi làm, bạn cần hình dung rằng rồi sẽ có ngày mình sẽ nghỉ việc, chứ thật sự khó mà làm mãi mãi ở 1 công ty duy nhất. Sau này, tới một lúc nào đó, niềm yêu thích với công việc này giảm dần, bạn tìm được định hướng mới, muốn nắm bắt cơ hội mới, thì bạn sẽ quyết định xin nghỉ. Nhưng đâu có có lời khuyên rằng không nên nhảy việc quá nhiều, quá nhanh, mà bạn nên làm đủ một thời gian rồi hãy xin nghỉ. Vậy bạn nên gắn bó với công ty bao lâu trước khi nghỉ việc?
>> Công ty khó khăn kéo dài, nên làm tiếp hay nghỉ việc?
Chán nản công việc có nên xin nghỉ liền không?
Nếu bạn đang làm việc bình thường, yên ổn, thoải mái, mà bỗng một ngày tự dưng thấy chán, thấy sao mình lại làm công việc này, thấy có một số điểm không phù hợp, phát sinh các vấn đề khiến bạn đau đầu, thì có nên xin nghỉ liền không? Những điều nêu trên chỉ mới là các dấu hiệu đầu tiên khiến bạn thấy chán công việc, nhưng bạn không nên nhanh nhảu xin nghỉ ngay lúc đó. Một số người nghỉ việc xong hối hận, suy nghĩ lại, nuối tiếc, muốn quay lại công ty cũ làm cũng khó, tự dưng lại bị mất công việc vì những lý do không đáng, khi bản thân chưa cân nhắc kỹ lưỡng.
Để tránh bản thân rơi vào trường hợp tồi tệ ấy, thì bạn nên đợi một thời gian và cân nhắc kỹ lưỡng, cảm nhận và đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề trước khi quyết định nghỉ việc. Chẳng hạn như bạn thấy công ty đang khó khăn, kinh doanh sa sút, thì hãy thử chờ vài tháng xem công ty có dấu hiệu phục hồi không, ban lãnh đạo có những động thái nào không? Chứ bây giờ bạn xin nghỉ lỡ sau này công ty ổn định trở lại, hoặc càng phát triển mạnh hơn, thì lúc đó lại tiếc. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi nhớ rằng bất kỳ công ty nào cũng có vấn đề, bạn xin nghỉ ở công ty này vì vấn đề A, thì sang công ty khác bạn sẽ gặp vấn đề B, mình phải biết đối mặt và xử lý, chứ không phải cứ thấy khó, thấy không tốt thì xin nghỉ liền luôn.
Nên gắn bó với công ty bao lâu trước khi nghỉ việc?
Sau khi giải đáp vấn đề chán nản công việc có nên xin nghỉ liền không, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu xem liệu có quy luật ngầm nào cho rằng nhân viên nên gắn bó bao lâu với công ty trước khi nghỉ việc không? Băn khoăn này xuất phát từ câu chuyện nhảy việc quá nhiều, nhảy việc liên tục của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường, các em chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, muốn thử thách bản thân, trải nghiệm nhiều công việc rồi chọn xem đâu mới là việc mình phù hợp, mình muốn gắn bó, hoặc cá biệt một số bạn chưa tìm hiểu kỹ về công việc trước khi ứng tuyển, lỡ được nhận vào rồi mới thấy không hợp, rồi xin nghỉ ngay, vỏn vẹn chỉ sau 3-4 tháng, thậm chí có những bạn chỉ có vài ngày, vài tuần thử việc mà đã nộp đơn xin nghỉ, đi phỏng vấn công ty khác. Chính thực trạng này đã khiến cho nhà tuyển dụng ngày càng có ấn tượng xấu với những chiếc CV nhảy việc nhiều, có thời gian làm việc ở các công ty cũ khá ngắn. Vậy ngắn là ngắn ở mức độ nào, phải làm bao lâu mới không bị đánh giá là ngắn?
Thật ra, sẽ không có khuôn mẫu chung để trả lời rằng nên gắn bó với công ty bao lâu trước khi nghỉ việc, mà điều này sẽ phụ thuộc vào từng ngành nghề, cấp bậc, quan điểm riêng của từng người & từng công ty, từng HR, còn nếu bạn muốn ước lượng một con số chung để tham khảo, thì bạn nên gắn bó khoảng tầm 1 năm, tất nhiên nhiều hơn thì sẽ tốt hơn, còn nếu bét lắm thì bạn cũng nên gắn bó khoảng 8-9 tháng, vì như thế mới là khoảng thời gian đủ dài để bạn hiểu công ty, hiểu công việc, học được một số điều từ công việc ấy và tự đánh giá một cách chính xác rằng đó là công việc chưa phù hợp với bản thân, đã tới lúc mình tìm công việc mới, định hướng mới. Chứ nếu bạn mới vào làm việc có 3-4 tháng mà đã vội đánh giá, chê bai này kia, nghỉ việc xong đi nói xấu công ty cũ, thì điều đó cũng chưa khách quan lắm, và cũng bị mang tiếng xấu là nhảy việc, làm ở công ty cũ ngắn quá.
>> Tạm biệt sếp và đồng nghiệp thế nào trước khi nghỉ việc?
Tới lúc nào thì bạn nên chấm dứt công việc ngay?
Mặc dù đã biết rằng nên gắn bó với công ty tầm 1 năm trước khi nghỉ việc, nhưng vẫn có một số trường hợp red flag mà bạn nên chấm dứt công việc ngay, càng làm lâu càng không tốt cho bạn, kéo theo nhiều tai hại cho bạn. Tức là lúc này bạn không cần phải ráng ép bản thân phải ở lại chịu đựng cho đủ 1 năm, mà bạn nên chấm dứt công việc ngay khi thấy một số dấu hiệu sau:
- Bị nhà tuyển dụng lừa, treo đầu dê bán thịt chó, tuyển nhân viên cho vị trí A mà khi nhận việc kêu làm vị trí B với các đầu việc khác nhiều so với những gì đã trao đổi khi phỏng vấn;
- Công ty không trung thực về mức lương, khi phỏng vấn hứa hẹn nhiều nhưng thực tế lương lại trả thấp hơn, hoặc có những quy định, chính sách trừ lương, cắt thưởng, phạt tiền vô lý, khắt khe quá mức;
- Bạn phát hiện cấp trên là người không đàng hoàng, thân mật quá mức hoặc có những hành vi không chuẩn mực, hoặc họ là người ăn trên đầu trên cổ nhân viên, nhận hết bonus của nhân viên cấp dưới, có công thì nhận hết, còn có lỗi sai gì thì mặc nhiên đổ cho nhân viên mới;
- Công ty bóc lột sức lao động, việc nhiều mà không tuyển thêm người, thường xuyên bắt nhân viên tăng ca, làm thêm giờ nhưng không trả thêm lương, mặc định rằng đó là nghĩa vụ của nhân viên;
- Bạn phát hiện công ty kinh doanh sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng, mời chào khách mua hàng, mua dịch vụ xong bỏ mặc khách hàng, bị phốt tùm lum, không có đạo đức kinh doanh…
Thực tế muôn hình vạn trạng, vẫn còn rất nhiều red flag khác cho bạn dấu hiệu rằng nên chấm dứt công việc ngay, điều bạn cần làm là phải tỉnh táo, phát hiện đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nếu đó là những chuyện không thể thông cảm, không thể chấp nhận được, đi ngược với đạo đức giao tiếp, đạo đức kinh doanh, chữ tín,… thì bạn nên chấm dứt công việc ngay, không nên dây dưa thêm ở một công ty như thế.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng nên gắn bó với công ty bao lâu trước khi nghỉ việc? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Đi làm bị sếp chửi là bình thường hay bất thường?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.