Người có kỹ năng thuyết trình tốt luôn biết làm chủ thời gian thuyết trình của mình. Chính vì thế, việc cân đối thời lượng thuyết trình luôn là điều cực kỳ quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần phải rèn luyện. Làm thế nào để cân đối thời gian thuyết trình? – Đó chính là câu hỏi mà anh biết rằng rất nhiều bạn sinh viên đang tìm kiếm câu trả lời.
>> 5 yếu tố quan trọng giúp nâng cao kỹ năng thuyết trình
Vì sao cần phải giới hạn thời gian thuyết trình?
Khi đi học, giảng viên luôn yêu cầu các em giới hạn thời lượng bài thuyết trình trong khoảng 15 đến 30 phút, những nhóm thuyết trình nào không đáp ứng được sẽ bị trừ điểm. Sau này, khi đi làm, khi thuyết trình trong các cuộc họp hoặc thuyết trình với khách hàng, với đối tác, các em cũng cần phải đảm bảo không vượt quá thời lượng quy định, vì nếu lố thời gian sẽ ảnh hưởng tới lịch làm việc của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, việc phải giới hạn thời gian thuyết trình không chỉ dừng lại ở lý do là để không bị giảng viên trừ điểm, hoặc ảnh hưởng đến thời gian của mọi người. Còn một lý do nữa cũng không kém phần quan trọng, đó chính là để mọi người có thể tập trung, dễ dàng theo dõi và nắm bắt nội dung mà các em thuyết trình. Vì nếu bài thuyết trình mà quá dài, thì sẽ dễ bị lan man, đi không đúng vào trọng tâm và khiến người nghe không nắm bắt được các em đang muốn truyền tải những nội dung nào.
Thời gian thuyết trình tối ưu là bao lâu?
Thời gian thuyết trình phổ biến nhất là nằm trong khoảng 15 đến 30 phút. Hoặc nếu phải đưa ra một quy chuẩn chung nào đó trên toàn cầu, thì anh sẽ giới thiệu cho các em một tiêu chuẩn khá phổ biến, đó chính là 18 phút cho một bài thuyết trình trên TED Talks. Đó là khoảng thời gian vừa đủ để người thuyết trình có thể truyền đạt tất cả nội dung quan trọng. Đồng thời, cũng là khoảng thời gian phù hợp để những người nghe có thể tập trung lắng nghe, theo dõi và nắm bắt được các luận điểm trong bài thuyết trình.
Nhiều người tưởng rằng thời gian thuyết trình càng ngắn thì càng dễ, càng ít tốn thời gian để chuẩn bị. Nhưng thực tế thì thời lượng thuyết trình càng ngắn sẽ đồng nghĩa với việc các em phải mất nhiều thời gian chuẩn bị và tập dượt hơn, để làm sao cho vẫn truyền đạt đầy đủ nội dung, mà vẫn phải gói gọn trong một thời lượng eo hẹp. Chẳng hạn như nếu được cho thời lượng là 1 tiếng, thì anh chỉ cần mất 2 tiếng để chuẩn bị nội dung và không cần tập dượt trước luôn. Nhưng nếu bắt anh phải thuyết trình cùng nội dung đó, nhưng gói gọn trong 20 phút, thì anh có thể mất đến 2 ngày để chuẩn bị nội dung và tập dượt.
>> 14 lưu ý để sinh viên thuyết trình nhóm được điểm cao
Làm thế nào để cân đối thời gian thuyết trình?
Để cân đối thời gian thuyết trình trong trường hợp bị giới hạn thời lượng, các em có thể tham khảo những giải pháp sau:
- Cắt bỏ từ từ: Hãy cắt bỏ từ những nội dung ít quan trọng nhất, để làm sao cho cuối cùng các em có được bài thuyết trình phù hợp với thời lượng mong muốn.
- Nhận góp ý từ người khác: Các em không phải người nghe, nên không thể lấy quan điểm và cách trình bày của chính bản thân mình để áp đặt lên người khác, cho rằng người ta sẽ hiểu đúng và hiểu đủ các ý mà mình thuyết trình, nhất là khi bài thuyết trình đó đã được cắt bỏ bớt một số nội dung để đảm bảo thời lượng. Chính vì thế, các em cần phải thuyết trình thử và nhận góp ý từ người khác, đó có thể là các bạn trong cùng nhóm thuyết trình của mình, hoặc là một người bạn thân nào đó, những người mà sẵn sàng tập trung lắng nghe và thẳng thắn góp ý cho các em.
- Tập dượt nhiều lần, với đồng hồ đếm ngược theo các mốc thời gian: Hãy tập dượt nhiều lần để đảm bảo rằng bài thuyết trình của các em trùng khớp với thời lượng mong muốn. Đồng thời, các em nên tập dượt với đồng hồ đếm ngược và chia bài thuyết trình thành nhiều mốc để dễ dàng làm chủ thời lượng. Chẳng hạn như nếu phải thuyết trình trong 20 phút, thì hãy chia bài thuyết trình thành 4 phần với 4 mốc: 5 phút – 10 phút – 15 phút – 20 phút. Như thế thì các em sẽ biết được rằng tại các mốc đó mình cần phải đang thuyết trình ở phần nào, để đảm bảo rằng khi kết thúc thì mình sẽ trùng khớp ở 20 phút.
- Tập dượt trước ống kính: Khi thuyết trình trước lớp hoặc trước công ty, khách hàng, đối tác, chắc chắn sẽ có rất nhiều người đồng loạt nhìn vào từng cử chỉ, hành động của các em. Chính vì thế, các em nên tập dượt trước ống kính và tự quay hình lại, để xem lại xem mình có sử dụng tốt ngôn ngữ hình thể, cử chỉ, ánh mắt hay chưa, xem mình có bị run khi thuyết trình hay không, mình nói vấp hoặc quên bài ở những chỗ nào,… Từ đó, các em sẽ tự rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Vì nếu có bất kỳ sự sai sót, nói vấp hay quên bài nào thì cũng sẽ khiến các em bối rối và khó lòng làm chủ thời gian thuyết trình.
- Tập dượt lần cuối trước khi thuyết trình: Để giảm bớt căng thẳng và giúp các em dễ nhớ nội dung thuyết trình hơn, thì các em cần tập dượt lần cuối ngay trước khi thuyết trình. Đó sẽ là một buổi tập dượt y hệt như thuyết trình thật, với đầy đủ các nội dung, nhằm chắc chắn rằng các em đã sẵn sàng cho một buổi thuyết trình hoàn hảo theo đúng thời lượng mong muốn.
Có thể dễ dàng thấy rằng, thời gian thuyết trình càng ngắn thì các em sẽ càng mất nhiều thời gian để chuẩn bị và phải tập dượt rất nhiều lần. Nhưng bất kỳ cố gắng nào cũng sẽ được đền đáp. Mình càng chuẩn bị kỹ nội dung, càng tập dượt chỉn chu thì bài thuyết trình của các em sẽ càng hoàn hảo, giúp người nghe dễ dàng nắm bắt những nội dung quan trọng mà mình muốn truyền tải. Chúc các em thành công nhé!
>> Cách làm slide thuyết trình đẹp và chuyên nghiệp bằng Powerpoint
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.