Khi chưa có nhiều kinh nghiệm đi phỏng vấn, bạn sẽ dễ mắc phải một số sai sót khiến mình bị mất điểm với nhà tuyển dụng. Điển hình là việc không chịu trừ hao thời gian kẹt xe, lạc đường, nên lỡ đi phỏng vấn trễ giờ. Hoặc bạn đã lường trước được lỗi này, nhưng lại xui rủi, bị mắc việc đột xuất, bị hư xe khi đang trên đường đi phỏng vấn. Khi lỡ rơi vào trường hợp đi phỏng vấn trễ giờ như thế thì bạn phải làm sao?
>> 5 lỗi giao tiếp khi phỏng vấn khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng
Đi phỏng vấn trễ giờ nhiều hay ít?
Đầu tiên, bạn cần phải check lại xem mình đi phỏng vấn trễ giờ nhiều hay ít, nếu bạn trễ dưới 15 phút thì nhà tuyển dụng có thể bỏ qua, hoặc chỉ bị một điểm trừ nhẹ nếu như bạn có thái độ lịch sự và nhận sai rằng mình đã đi trễ. Còn nếu bạn tới phỏng vấn trễ hơn 15 phút, thì lúc này bạn phải có một lý do cực kỳ chính đáng. Vì nhà tuyển dụng cũng cực kỳ bận rộn, họ không có dư thời gian để ngồi chờ đợi ứng viên mòn mỏi, họ đã phải gác công việc sang một bên để dành thời gian phỏng vấn bạn, nên nếu bạn đến quá trễ mà lại không có lý do hợp lý thì chắc chắn sẽ khó lòng bỏ qua.
Đi phỏng vấn trễ giờ vì lý do gì?
Vậy như thế nào là lý do đi phỏng vấn trễ chính đáng? Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ rằng đi phỏng vấn trễ là một lỗi sai, và chắc chắn lỗi sai thì sẽ luôn sai. Trong phần này, chúng ta sẽ bàn xem lý do nào có thể chấp nhận cho lỗi sai đó, chứ không phải là đang bàn cách để lấp liếm lỗi sai. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến ứng viên đi phỏng vấn trễ, và có thể chia thành 2 nhóm như sau:
- Lý do chính đáng: Những trường hợp bất khả kháng mà ứng viên không lường trước được (hư xe giữa đường, bị tai nạn, va quẹt xe, bị ốm đột xuất nên phải đi mua thuốc uống xong mới tới phỏng vấn, bãi giữ xe công ty hết chỗ nên phải đi vòng vòng tìm chỗ giữ xe,…)
- Lý do không chính đáng: Do bản thân ứng viên bất cẩn, chủ quan (ngủ quên, quên đặt báo thức, nhớ nhầm lịch, sửa soạn lâu, bị lạc đường vì không xem bản đồ trước, nhớ nhầm địa điểm phỏng vấn,…)
Bên cạnh đó, cũng có một số lý do nằm ở lưng lửng, tức là vừa chính đáng vừa không chính đáng, chẳng hạn như bị kẹt xe (chính đáng vì chúng ta không lường trước được, nhưng cũng không chính đáng vì ứng viên không chịu trừ hao thời gian, không chịu bắt đầu đi sớm hơn), hoặc xe bị hết xăng (chính đáng vì nó xảy ra bất ngờ, không chính đáng vì ứng viên không chịu check trước xem xe còn đủ xăng hay không).
>> 4 lỗi trang phục khiến bạn mất điểm khi đi phỏng vấn xin việc
Báo trước với nhà tuyển dụng khi có khả năng đến trễ
Dẫu biết đi phỏng vấn trễ giờ là điều không hề mong muốn, nhưng nếu lỡ một ngày nào đó bạn lỡ rơi vào tình huống này, thì bạn có thể tham khảo cách xử lý sau. Khi nhận thấy mình có khả năng đến trễ giờ phỏng vấn, thì bạn không nên cắm đầu cắm cổ chạy ngay đến càng nhanh càng tốt. Đó không phải cách xử lý hay, vì trong thời gian bạn đang chạy đến, thì nhà tuyển dụng sẽ vẫn đang hoang mang, chẳng biết rằng bạn đang làm gì, ở đâu, vì sao lại chưa đến, khi nào mới đến…
Thay vào đó, bạn hãy gọi điện ngay cho bộ phận HR của công ty đó (người gọi điện hoặc gửi email mời phỏng vấn), báo tình hình rằng mình sẽ trễ khoảng bao lâu, vì lý do gì (ưu tiên các lý do chính đáng), để họ có thể linh động sắp xếp. Vì thông thường, một buổi sẽ phỏng vấn nhiều ứng viên, nên nếu có ứng viên khác tới sớm thì có thể linh động phỏng vấn họ trước để tránh mất thời gian chờ đợi. Điều này cũng sẽ giúp họ đánh giá bạn là một người có trách nhiệm.
Xin lỗi chân thành khi đi phỏng vấn trễ giờ
Tiếp theo, khi đến phỏng vấn, bạn hãy gửi lời xin lỗi chân thành tới nhà tuyển dụng. Có thể bạn đã xin lỗi trước từ cuộc điện thoại khi nãy, nhưng khi đến trực tiếp, bạn nên xin lỗi lại một lần nữa, điều này sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm và họ sẽ đánh giá rằng bạn ý thức được lỗi sai của mình, là người sẵn sàng nhận trách nhiệm với những lỗi sai do mình gây ra. Lưu ý rằng bạn không nên bịa đặt ra những lý do sai sự thật, mà hãy chia sẻ thành thật với nhà tuyển dụng rằng mình đi trễ vì lý do gì, và mình thật sự nhận thức được mình đã phạm lỗi sai, hy vọng nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua.
Tuyệt đối bạn không nên giả lơ, xem việc đi phỏng vấn trễ như là không có gì cả, vì như thế bạn sẽ bị mất điểm đấy, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn là một người thiếu trách nhiệm, thậm chí là sau này đi làm có thể sẽ thường xuyên đi trễ, về sớm, giờ giấc lung tung. Như thế thì khả năng cao rằng họ sẽ không tuyển bạn.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn có được hướng xử lý phù hợp khi lỡ đi phỏng vấn trễ giờ. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, tốt nhất là bạn hãy sắp xếp thời gian một cách kỹ lưỡng để đảm bảo mình đi phỏng vấn đúng giờ, chứ đừng để lỡ đi trễ rồi lại mất công xử lý, mất công giải thích với nhà tuyển dụng nhé!
>> 4 lý do khiến sinh viên mới ra trường bị trượt phỏng vấn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.