Nhà Tuyển Dụng Quá Khó Tính, Nên Ráng Phỏng Vấn Hay Đi Tìm Việc Khác?

Nhà tuyển dụng khó tính là điều bình thường, phải khó, phải kỹ thì họ mới đánh giá chính xác và tìm được người phù hợp nhất cho công ty. Tuy nhiên, khó ở mức độ vừa phải thì không sao, mà nếu lỡ gặp phải nhà tuyển dụng khó tính quá mức, đến nỗi quá khắt khe, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực, thì lại là một câu chuyện khác. Vậy gặp nhà tuyển dụng quá khó tính, bạn nên ráng phỏng vấn hay đi tìm việc khác?

>> Giữa 2 ứng viên ngang tài ngang sức, nhà tuyển dụng chọn ai?

Ngán ngẩm khi gặp nhà tuyển dụng quá khó tính

Thông thường, quy trình tuyển dụng của các công ty sẽ bao gồm nhiều vòng khác nhau, từ gửi CV, làm bài test, cho tới vòng teamwork, phỏng vấn,… Trong tất cả các vòng tuyển dụng ấy, ứng viên sẽ có một số cơ hội để tiếp xúc, trao đổi với nhà tuyển dụng thông qua cuộc điện thoại, email và gặp mặt trực tiếp, vì thế, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận và đánh giá xem nhà tuyển dụng ấy có khó tính hay không, khó ở mức độ nào? Nếu chẳng may gặp phải một nhà tuyển dụng quá khó tính, soi xét quá chi li, thì sẽ khiến ứng viên cảm thấy ngán ngẩm, vừa mệt mỏi khi trải qua các vòng tuyển dụng, vừa tiềm ẩn những áp lực khi sau này phải làm việc chung, tiếp xúc, trao đổi công việc mỗi ngày.

Đồng ý rằng nhà tuyển dụng cần phải khó tính, cấp trên/quản lý cũng phải khó tính thì nhân viên mới tập trung làm việc đàng hoàng. Nhưng lỡ bạn là người thích được tự do, thoải mái, không thích sự gò bó, cứng nhắc, khó tính quá mức của cấp trên, thì bạn sẽ cực kỳ lăn tăn, có thể sẽ nghĩ tới chuyện đi tìm việc khác khi thấy mình đang apply trúng một nhà tuyển dụng quá khó tính, sợ rằng sau này làm việc chung sẽ không hợp, lúc nào đi làm cũng áp lực, mệt mỏi. Vậy bạn nên ráng phỏng vấn hay đi tìm việc khác nếu nhận thấy nhà tuyển dụng đang quá khó tính?

>> Đi phỏng vấn mà không có thiện cảm với nhà tuyển dụng thì phải làm sao?

Nhà tuyển dụng quá khó tính, nên ráng phỏng vấn hay đi tìm việc khác?

Nếu thị trường lao động đang sôi nổi như hồi 5 năm trước, thì chắc bạn chẳng có gì phải lăn tăn, thấy sếp khó quá, nhà tuyển dụng khó tính quá thì cứ thoải mái đi tìm việc khác, chứ ráng đi phỏng vấn chi cho mệt, sau này vào làm việc chung lại còn phải mệt hơn, áp lực hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tìm việc làm rất khó, cũng có nhiều công ty tuyển dụng, nhưng yêu cầu sẽ rất khắt khe, các công ty muốn tiết kiệm chi phí nên chỉ tuyển những vị trí thật sự cần thiết, và muốn tìm một người có năng lực thật sự tốt để có thể chịu trách nhiệm trong tất cả công việc, chứ sẽ không tuyển dụng một cách đại trà, dễ dàng như trước. Cơ hội việc làm của bạn vừa ít hơn, khó tìm được công việc ăn ý hơn, mà các công ty cũng đánh giá ứng viên một cách khắt khe hơn, nếu không trân trọng cơ hội đang có, thì bạn sẽ có rủi ro bị thất nghiệp, kén cá chọn canh mãi mà chưa tìm được việc làm, apply nhiều nơi mà chẳng được nhận.

Điều này khiến bạn rơi vào trạng thái lăn tăn, đắn đo, không biết nên ráng phỏng vấn hay đi tìm việc khác khi thấy nhà tuyển dụng quá khó tính. Để gỡ rối, bạn có thể ra quyết định dựa trên các yếu tố sau:

  • Định hướng nghề nghiệp: Khi đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, thì nhiệm vụ của bạn là phải tìm một công việc phù hợp, đúng với định hướng của bản thân, để mình có thể gắn bó lâu dài, vui thích khi làm việc, và tạo ra nhiều giá trị cho bản thân và công ty trong tương lai. Nếu thật sự đây là một công việc rất đúng với định hướng nghề nghiệp, thì nhà tuyển dụng hoặc một người sếp quá khó tính có thể sẽ dùng sự kỷ luật để rèn bạn thành một phiên bản hoàn hảo hơn, giúp bạn vững bước tiến tới mục tiêu nghề nghiệp mà mình đã định hướng sẵn.
  • Cơ hội học hỏi: Nhà tuyển dụng hoặc một người sếp khó tính thường sẽ là người có năng lực tốt, vững kiến thức, vững chuyên môn, vì họ giỏi, họ thành công, nên họ mới khó tính, mới có những chuẩn mực khắt khe khi tuyển dụng và muốn áp những tiêu chuẩn ấy lên nhân viên của mình, nếu bạn đủ “lì” thì bạn hoàn toàn có thể học hỏi được nhiều điều từ người sếp khó tính ấy.
  • Cơ hội phát triển: Một yếu tố khác để bạn cân nhắc xem nên tìm việc khác hay ráng phỏng vấn chính là xem xét tới cơ hội phát triển ở công ty đó, nếu đây là môi trường cởi mở, công bằng, ai giỏi thì được thăng tiến, có nấc thang nghề nghiệp rõ ràng, thì bạn nên thử sức, nếu không có lộ trình phát triển cụ thể thì bạn có thể tìm việc khác.
  • Môi trường làm việc: Văn hoá công ty, môi trường làm việc, đồng nghiệp xung quanh như thế nào, bạn có thể tham khảo trước trên fanpage tuyển dụng của công ty, nếu những yếu tố ấy phù hợp với bạn, có thể mang lại cảm hứng làm việc, giúp bạn giải toả căng thẳng, áp lực từ phía sếp khó tính, thì bạn có thể cân nhắc công việc này.
  • Tinh thần làm việc: Bạn có thể nghĩ sâu xa hơn tới cảm xúc và tinh thần làm việc của mình trong tương lai, liệu mình có đủ cứng, đủ lì, đủ sức chịu đựng những lời chê, trách, mắng lớn tiếng của một người sếp quá khó tính trong suốt quá trình làm việc không, vì đây là điều cực kỳ quan trọng, nếu những yếu tố khác đều ổn, nhưng chính bản thân bạn lại cảm thấy không ổn, thì cũng chẳng thể làm việc lâu dài được, có khi ráng làm vài ba bữa rồi lại xin nghỉ.

Nhà tuyển dụng quá khó tính là một thử thách dành cho bạn, điều này tồn tại những ưu nhược điểm riêng, chuyện phù hợp hay không, thích nghi được hay không sẽ phụ thuộc vào riêng bản thân mỗi người, dựa trên sự đánh giá của bạn trong từng yếu tố bên trên, tức là chuyện ráng phỏng vấn hay đi tìm việc khác là do bạn cân nhắc và quyết định, sự lựa chọn nằm trong tay bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn đủ cơ sở để đưa ra lựa chọn đúng đắn!

>> Nhà tuyển dụng có chọn ứng viên theo cảm tính không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý