Khi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng thường sẽ có sẵn thang điểm đánh giá rõ ràng, cụ thể, với đầy đủ các tiêu chí liên quan, cần thiết cho công việc. Điều này sẽ giúp quy trình tuyển dụng diễn ra trơn tru, thuận lợi hơn, tăng khả năng tìm được đúng người, tránh việc chọn ứng viên theo cảm tính, nhất là khi ở các công ty lớn, thì quy trình này sẽ càng chuyên nghiệp hơn. Sau khi đánh giá qua tất cả tiêu chí, thường thì nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng chọn ra ngay rằng ai sẽ phù hợp hơn, nhưng đôi lúc cũng có trường hợp ứng viên ngang tài ngang sức, bằng điểm nhau. Vậy giữa 2 ứng viên ngang tài ngang sức, nhà tuyển dụng sẽ chọn ai, cân nhắc thêm các yếu tố nào?
>> Môi trường làm việc là gì, bao gồm những yếu tố nào?
1. Ngang tài ngang sức – ai phù hợp văn hoá công ty hơn?
Các công ty quan trọng về sự phù hợp của ứng viên thường sẽ có hẳn 1 loạt các tiêu chí đánh giá về sự phù hợp văn hoá công ty, để sau buổi phỏng vấn có thể nhận định chính xác, và tìm được người phù hợp nhất. Tuy nhiên, nếu công ty chưa đưa điều này vào trong thang điểm đánh giá, thì đây sẽ là yếu tố đầu tiên mà nhà tuyển dụng dựa vào để cân nhắc, lựa chọn giữa 2 người ngang tài ngang sức, bằng điểm nhau sau khi phỏng vấn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì cho dù bạn có tài giỏi, nhiều kinh nghiệm tới đâu, nhưng lại không hoà hợp được với môi trường làm việc, có tác phong và quan điểm làm việc khác hẳn so với văn hoá công ty, thì sẽ khó lòng hoà nhập và teamwork với đồng nghiệp, và tất nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người đó sẽ khó lòng gắn bó lâu dài, nhiều khi mới chỉ vào làm việc có vài tuần đã xin nghỉ, vì có nhiều bất đồng quan điểm, cảm thấy không thoải mái với môi trường làm việc và văn hoá công ty.
2. Ứng viên nào có khả năng thích nghi nhanh hơn?
Khi mới vào công ty làm việc, bạn cần trải qua khoảng 2 tháng thử việc, đó là lúc để bạn chứng minh năng lực làm việc khi đã tiếp xúc với công việc thực tế. Đồng thời, đó cũng là khoảng thời gian cho phép để bạn có thể làm quen, thích nghi với công ty, với công việc, nắm rõ các quy trình làm việc, và nhanh chóng bắt nhịp với guồng công việc như các đồng nghiệp khác. Vì thế, khả năng thích nghi nhanh với công việc cũng có thể là điều sẽ được đưa ra xem xét khi nhà tuyển dụng cân nhắc giữa 2 ứng viên ngang tài ngang sức. Thông thường, ai thích nghi nhanh hơn thì sẽ đỡ tốn thời gian training, cầm tay chỉ việc, người cũ đỡ tốn công sức đào tạo, vì họ có thể chủ động học hỏi, tiếp thu và tự làm quen nhanh với công việc, đồng thời, họ cũng sẽ sớm có thành tựu, đạt KPI như công ty kỳ vọng, thậm chí pass thử việc trước thời hạn quy định, chứ không mất nhiều thời gian để loay hoay như bao người khác.
>> 4 cách giúp bạn trở thành người lạc quan, tích cực hơn
3. Ngang tài ngang sức – ai có tư duy tích cực hơn?
Khi đi làm, tất nhiên chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, những sự cố bất ngờ, những điều tồi tệ tự dưng kéo tới liên tục, không thuận lợi như mong đợi. Khi đó, ai có tư duy tích cực hơn, suy nghĩ thoáng, khách quan hơn, sẽ nhanh chóng vượt qua và tìm được hướng giải quyết một cách tích cực, không trầm trọng hoá hay tiêu cực hoá vấn đề. Đồng thời, họ cũng sẽ enjoy công việc, có nhiều năng lượng tích cực để lan truyền cho đồng nghiệp xung quanh, giúp môi trường làm việc trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì thế, trong suốt buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng sẽ quan sát cách nói chuyện, tư duy, và thái độ của ứng viên, để ý những tình huống, ví dụ thực tiễn mà họ từng trải qua, từng xử lý ở các công việc cũ, để đánh giá xem ai là người có tư duy tích cực hơn giữa 2 ứng viên ngang tài ngang sức, chứ chẳng công ty nào muốn tuyển vào một người tiêu cực, luôn mở miệng than vãn, tụ tập đồng nghiệp nói xấu công ty, cấp trên.
4. Ứng viên nào có khả năng gắn bó lâu dài với công ty?
Trong buổi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ thường đặt ra câu hỏi liên quan tới mức độ gắn bó, để thăm dò xem liệu ứng viên có ý định gắn bó lâu dài với công ty hay không, hoặc họ cũng có thể nhìn lại CV ứng tuyển, xem thời gian làm việc ở các công ty cũ của bạn có đủ dài không, hay là đã quen với chuyện nhảy việc, vào làm có vài ba tháng rồi lại đổi sang công việc khác. Khi đi phỏng vấn, ứng viên cũng thường đã biết rõ chuyện này, nên nhiều khi sẽ cố gắng che giấu, thể hiện rằng mình không có kế hoạch nhảy việc hay tách ra tự kinh doanh riêng trong tương lai gần, rằng mình có thể sẽ gắn bó lâu dài với công ty,… Nhưng thật ra, nhà tuyển dụng thường sẽ có trực giác rất tốt, họ sẽ không hoàn toàn tin vào những gì bạn thể hiện ra, thay vào đó, họ sẽ tự cân nhắc, đặt bạn vào vị trí công việc mà họ đang tuyển, và tự nhìn nhận xem mức độ phù hợp giữa kỳ vọng của bạn và công việc thực tế sẽ như thế nào, từ đó sẽ suy ra được xem giữa 2 ứng viên ngang tài ngang sức, thì ai có khả năng gắn bó lâu dài với công ty hơn?
>> Tự tin về năng lực nhưng bị trượt phỏng vấn thì phải làm sao?
5. Chọn ứng viên theo kinh nghiệm của nhà tuyển dụng
Sau khi điểm qua tất cả tiêu chí nêu trên, mà cả 2 ứng viên vẫn ngang tài ngang sức, vẫn chưa đưa ra được lựa chọn cuối cùng, thì lúc này, HR sẽ có cuộc họp nhanh với trưởng bộ phận/phòng ban, người giữ vai trò quản lý/cấp trên trực tiếp để cùng thảo luận, lựa chọn dựa trên kinh nghiệm của mình. Lúc này, mỗi người sẽ tự đưa ra những quan điểm, đánh giá riêng, có thể dựa vào kinh nghiệm và trực giác của riêng mình, rồi tự tổng kết và đưa ra lựa chọn cuối cùng. Đây thật ra cũng chỉ là một cuộc họp nhanh, chứ không có gì quá nghiêm trọng, và cũng giúp nhà tuyển dụng dễ thống nhất quan điểm hơn, chứ thật ra khi đứng trước 2 ứng viên ngang tài ngang sức, đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí, thì chọn ai cũng được.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng giữa 2 ứng viên ngang tài ngang sức thì nhà tuyển dụng sẽ chọn ai? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Nhà tuyển dụng có chọn ứng viên theo cảm tính không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.