Bên cạnh khối lượng công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp, deadline gấp rút, thì nhiều khả năng bạn sẽ phải thường xuyên đối mặt với áp lực công việc khi đi làm. Bất kỳ công việc nào, ở bất kỳ công ty nào, trong bất kỳ ngành nào, cũng đều sẽ tồn tại những áp lực riêng, chẳng có công việc nào dễ dàng, thoải mái cả. Chính vì thế, “Phải làm sao khi áp lực công việc quá lớn?” là điều mà không ít người đi làm đang băn khoăn, thậm chí là nghĩ đến nó mỗi ngày. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp vấn đề ấy trong bài viết này nhé!
Áp lực công việc là điều hiển nhiên
Đi làm thì phải có KPI, phải có deadline và tất nhiên là phải có áp lực. Áp lực công việc là điều hiển nhiên, là điều mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt và vượt qua khi đi làm. Chính vì thế, bạn đừng nghĩ rằng mình sẽ tìm một công việc không có áp lực, đừng nghĩ đến việc lảng tránh áp lực công việc, từ chối nhận những công việc phức tạp hoặc đùn đẩy trách nhiệm công việc cho những đồng nghiệp khác.
Những người giỏi, những nhân viên xuất sắc sẽ luôn mạnh mẽ đương đầu với áp lực công việc, họ sẽ cực kỳ hứng thú với những nhiệm vụ đòi hỏi sự phức tạp cao, thử thách lớn, vì đó sẽ là cơ hội để họ được trau dồi bản thân, nâng cao năng lực chính mình và tất nhiên là sẽ nhận được mức lương tương xứng với những công việc đầy áp lực mà họ đảm nhiệm.
Ngược lại, khi càng sợ áp lực công việc, càng ra sức né tránh chúng, thì bạn sẽ càng khép mình trong lớp vỏ bọc của bản thân, bạn sẽ dậm chân tại chỗ, không thể tiến bộ và đành ngậm ngùi nhìn những đồng nghiệp khác lần lượt được tăng lương, thăng tiến, vì họ dám nhận trách nhiệm, dám đương đầu với áp lực công việc, còn bạn thì không.
>> KPI là gì? Lỡ làm việc không đạt KPI thì sao?
Phải làm sao khi áp lực công việc quá lớn?
Áp lực công việc là điều hiển nhiên, vậy nếu áp lực công việc quá lớn thì phải làm sao? Tất nhiên nó sẽ khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là cực kỳ đau đầu khi không biết phải làm thế nào để giải toả áp lực, nhất là khi áp lực đó đến từ việc bạn chưa hoàn thành tốt công việc, không đạt KPI mà công ty đặt ra. Đặc biệt, nếu áp lực công việc quá lớn và kéo dài, thì bạn sẽ cực kỳ chán nản công việc, mỗi ngày đi làm như bị bắt ép, thậm chí là tự ti về năng lực bản thân, cho rằng mình yếu kém, mình quá tệ nên mới không thể hoàn thành tốt công việc. Vậy phải làm sao khi áp lực công việc quá lớn?
Khi áp lực công việc quá lớn, nếu bạn muốn lao đầu vào giải quyết ngay thì sẽ càng làm vấn đề nghiêm trọng hơn, càng áp lực hơn, vì khi đó bạn chưa đủ bình tĩnh và chưa xác định được hướng giải quyết tối ưu nhất. Thay vào đó, bạn hãy dành một ngày để bản thân mình nghỉ ngơi, suy ngẫm nhiều về công việc hiện tại, xem trong thời gian qua mình đã làm gì, thiết sót ở đâu, nên thay đổi như thế nào… Tất nhiên khi đó bạn cần phải để đầu óc mình cực kỳ thoải mái, bạn có thể xin nghỉ phép 1 ngày, tìm đến một không gian đủ yên tĩnh để bạn bình tâm và tự mình tìm ra hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhìn vào những đồng nghiệp xung quanh, xem họ đang làm việc như thế nào, tối ưu hoá hiệu quả công việc ra sao, tham khảo xem họ đối mặt với áp lực công việc thế nào. Vì bản thân họ chắc chắn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách và áp lực khi làm việc, họ vượt qua được, thì bạn cũng sẽ vượt qua được.
>> Phải làm sao khi áp lực về mức lương, bạn bè ai cũng lương cao?
Một số giải pháp giúp bạn giải toả áp lực công việc
Sau khi đã tìm ra được một số giải pháp, bạn cần cân nhắc lựa chọn xem giải pháp nào tối ưu nhất và thực tế nhất, tức là giải pháp nào mà bạn có thể làm được để giúp công việc thuận lợi hơn, mỗi ngày lại tốt hơn một chút, tránh việc chọn những giải pháp quá gấp rút và xa vời thực tế, vì chúng sẽ càng khiến bạn áp lực hơn và chán nản hơn khi mình không thực hiện được. Dưới đây là một số giải pháp có thể giúp bạn giải toả khi gặp áp lực công việc quá lớn:
- Nhìn nhận vấn đề theo cách tích cực;
- Chia nhỏ áp lực, chia nhỏ KPI trong công việc;
- Lập to-do-list, danh sách các công việc cần hoàn thành;
- Lập thời gian biểu làm việc một cách logic và tuân thủ nó;
- Teamwork với đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt công việc;
- Tự tạo động lực để giúp mình giải toả áp lực công việc.
Đừng để đến lúc áp lực lớn rồi stress
Nội dung phía trên là gợi ý để bạn xử lý khi gặp áp lực công việc lớn. Nhưng thật ra bạn không nên để áp lực công việc dồn lại tới mức nó lớn để rồi mình lại áp lực, mà bạn nên chia nhỏ chúng ra để giải toả bớt áp lực. Chẳng hạn như khi bạn là nhân viên kinh doanh, nếu KPI hàng tháng của bạn là mang lại doanh số 600 triệu/tháng, thì bạn nên chia nhỏ KPI đó thành 20 triệu/ngày. Mỗi ngày, bạn sẽ tập trung vào con số 20 triệu, thực hiện mọi nỗ lực để có thể đạt được KPI mỗi ngày, chứ đừng để dồn tới cuối tháng rồi lại áp lực lớn, rồi lại stress.
Tốt hơn hết là bạn cần biết rõ mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mình cần đạt được những KPI nào trong công việc, rồi lên kế hoạch cụ thể rằng mình cần làm những gì, trau dồi thêm những gì, ưu tiên những việc gì để có thể hoàn thành tốt những KPI đó. Khi bạn làm việc có kế hoạch, có tập trung và nỗ lực, thì chắc chắn kết quả công việc của bạn sẽ tốt, bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi trong công việc và hầu như chẳng phải đối mặt với áp lực công việc quá lớn nữa. Chúc bạn thành công!
>> Phải làm gì khi bị stress trong công việc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.