Lười biếng khiến chúng ta thường xuyên trì hoãn công việc và khó lòng gặt hái được thành công trong tương lai. Khi đi học, sinh viên lười biếng sẽ lười làm bài tập, lười học bài, để nước đến chân mới nhảy, gần đến ngày thi mới bắt đầu gấp rút ôn tập, tất nhiên kết quả học tập sẽ không tốt. Khi đi làm, những ai lười biếng thường sẽ trốn tránh công việc, đùn đẩy công việc, thậm chí việc được giao đích danh cho mình rồi nhưng mà cũng vẫn dây dưa, mãi vẫn chưa hoàn thành, như vậy thì chắc chắn sẽ khó lòng được tăng lương, thăng tiến trong tương lai. Vậy phải làm sao khi bản thân quá lười biếng?
>> “Để mai tính” và hậu quả của thói quen trì hoãn
Không thể hết lười biếng trong thời gian ngắn
Lười biếng là một thói quen xấu khó bỏ, được hình thành trong rất nhiều năm, khiến chúng ta quá quen với việc trì hoãn, dễ dãi với bản thân, thích nghỉ ngơi hơn làm việc, thích đi chơi hơn đi học,… Chính vì thế, để gạt bỏ thói quen lười biếng thì bạn cần cho bản thân mình thời gian, chứ không thể mong muốn mình hết lười biếng trong thời gian ngắn, không thể đặt kỳ vọng là mình sẽ siêng năng ngay chỉ sau vài ngày.
Điển hình là việc không ít bạn cực kỳ quyết tâm và kỳ vọng rất cao, các bạn cố gắng siêng năng, chăm chỉ hơn rất nhiều bằng cách thức dậy từ rất sớm, làm hết việc này đến việc kia. Nhưng được tầm nửa ngày, hoặc 1 ngày là cảm thấy đuối, mệt mỏi và nản chí. Bạn hoàn toàn có thể hết lười biếng, nhưng bạn cần cho bản thân thời gian, mình phải thay đổi từ từ, chứ không thể đùng một cái quay ngoắt 180 độ được, khoảng cách giữa siêng năng và lười biếng lớn hơn bạn nghĩ đấy.
Lập thời gian biểu và sắp xếp các công việc cần làm
Để khắc phục tính lười biếng, đầu tiên, bạn cần phải biết rõ những công việc nào mà mình cần làm trong ngày, trong tuần và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên, việc nào làm trước, việc nào làm sau, việc nào có mức độ ưu tiên cao hơn. Một trong những cách hữu hiệu nhất chính là hãy lập thời gian biểu cho các công việc mình cần làm, tốt nhất là lập thời gian biểu cho mỗi tuần. Bạn chỉ cần liệt kê ra tất cả những việc cần làm, ước lượng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành từng việc và sắp xếp chúng vào thời gian biểu sao cho hợp lý.
Tất nhiên khi lập thời gian biểu, bạn cần phải sắp xếp các công việc theo mức độ ưu tiên, việc nào quan trọng hơn thì sẽ ưu tiên hơn, việc nào gấp rút hơn thì cần phải hoàn thành sớm, việc nào quá phức tạp thì nên chia nhỏ nó thành nhiều đầu việc nhỏ, rồi phân bổ chúng vào thời gian biểu sao cho logic nhất. Vì đây là thời điểm bạn bắt đầu thay đổi, nên cũng đừng bắt ép bản thân mình phải hoàn thành nhiều việc quá, hãy sắp xếp thời gian biểu giãn giãn ra một tí. Sau này, khi đã quen rồi thì bạn có thể lập thời gian biểu một cách khắt khe hơn.
>> Cách lập thời gian biểu học tập cho sinh viên
Loại bỏ các tác nhân khiến mình lười biếng
Sau khi lập thời gian biểu, bạn cần phải luôn theo sát chúng và đảm bảo mình sẽ không bỏ sót bất kỳ công việc nào. Không đưa vào thời gian biểu thì thôi, chứ một khi đã đưa việc nào vào thời gian biểu thì bạn nhất định phải hoàn thành nó đúng deadline. Tất nhiên xung quanh bạn cũng sẽ tồn tại nhiều tác nhân khiến mình lười biếng, và nhiệm vụ của bạn là phải loại bỏ chúng đi. Mỗi người sẽ có những tác nhân khác nhau khiến mình lười biếng, một số tác nhân thường gặp là:
- Nghiện điện thoại: Học tập hay làm việc một tí lại lấy điện thoại ra nhắn tin, check thông báo, lướt Facebook, Tiktok…
- Thiếu tập trung: Đang làm việc giữa chừng thì dễ mất tập trung, thấy điều gì thoải mái hơn, vui hơn thì quên luôn công việc đang làm, khiến loay hoay mãi cả ngày mà không xong việc.
- Ngại làm việc khó: Sinh viên khi thấy bài tập khó thì nản chí không làm, khi thấy nội dung ôn thi dài quá thì cũng chán nản. Người đi làm khi thấy công việc phức tạp thì than thở và chẳng muốn làm.
- Nuông chiều bản thân: Khi bản thân cảm thấy đói bụng thì loay hoay đặt đồ ăn ngay rồi ăn cho xong mới làm việc, khi cảm thấy buồn ngủ thì đi ngủ luôn, khi thấy làm việc hơi mệt xíu thì tự cho phép bản thân nghỉ ngơi, mặc kệ công việc dang dở.
Bạn cần loại bỏ ngay các tác nhân này càng sớm càng tốt nếu muốn bản thân mình khắc phục được tính lười biếng.
Tự thưởng khi bản thân hoàn thành công việc
Hãy đặt ra phần thưởng cho sự chăm chỉ, bạn xứng đáng được thưởng khi bản thân mình siêng năng và hoàn thành tốt các công việc mà mình đã đặt ra. Thật vậy, tự thưởng khi bản thân hoàn thành công việc là một cách hữu hiệu để bạn dần khắc phục tính lười biếng. Chỉ bạn mới biết mình thích gì nhất, hãy đặt chúng làm phần thưởng khi bạn chăm chỉ. Đó không cần phải là những phần thưởng quá lớn lao, chỉ cần vừa đủ để bạn có động lực làm việc là được. Một khi bạn đã có động lực đủ lớn, thì chắc chắn việc gì mình cũng sẽ hoàn thành tốt, không trì hoãn nữa và cũng chẳng lười biếng nữa. Lười biếng sẽ khiến bạn mất đi một phần thưởng mà mình rất thích đấy. Vậy bạn có lười biếng nữa không?
>> Trả lời phỏng vấn: Điều gì tạo động lực làm việc cho bạn?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.