Kiến thức ở đại học thường sẽ rất phức tạp, vừa khó vừa nhiều, thậm chí có những môn học khó nhằn khiến sinh viên phải điêu đứng, lo lắng, vì chỉ cần một chút chủ quan thôi thì sẽ không hiểu bài, kéo kết quả học tập đi xuống. Liên quan tới chủ đề này, có một bạn sinh viên đã gửi tâm sự của mình cho Tự Tin Vào Đời, rằng không biết phải làm sao khi học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì…
>> Điểm số tệ, làm sao để tìm phương pháp học hiệu quả?
Lo lắng khi học xong không đọng lại kiến thức gì
Em chuẩn bị sang năm 4 ngành Tài chính Ngân hàng của đại học Nha Trang ạ, thành thật thì sau 3 năm học, em cảm thấy kiến thức em học chỉ để thi cho qua môn thôi, mặc dù năm nào GPA cũng trên 8.2, nhưng tích lũy lại về kiến thức cho đến bây giờ gần như bằng 0. Hè này em đang ôn thi TOEIC để hy vọng có cái gì đó cho sau này khi đi xin việc. Thật sư bây giờ em đang rất hoang mang về tương lai cũng như định hướng nghề nghiệp sau này, bởi bản thân em cũng khá thụ động. Em nên tìm kiếm hay học tập những kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn nào để nâng cao năng lực bản thân và tăng cơ hội việc làm khi ra trường ạ? Mong anh có thể tư vấn giúp em. Em cảm ơn nhiều ạ!
Vì sao sinh viên điểm cao nhưng không nắm kiến thức?
Trước khi giải đáp rằng phải làm sao khi học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vì sao sinh viên đạt điểm cao nhưng lại không nắm vững kiến thức? Điều này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như trường hợp các em học vẹt, học tủ, và may mắn trúng tủ, nên khi làm bài kiểm tra, bài thi đạt điểm cao dù thật sự bản thân mình không nắm vững kiến thức. Tuy nhiên, xác suất này thường không quá cao, và tất nhiên sinh viên không nên dựa vào chuyện may rủi như này, mà các em phải chủ động học tập để làm chủ điểm số và kiến thức của mình.
Tiếp theo, cũng có thể sinh viên điểm cao nhưng không nắm kiến thức là vì các em chăm chỉ học thuộc lòng, lúc nào cũng thấy ngồi học, ngồi ôn bài, giải đề, nhưng lại theo hướng học thuộc lòng, chứ chưa chắc mình đã hiểu rõ bản chất kiến thức, khiến cho dù đạt điểm cao nhưng lại tự ti về kiến thức, không tích luỹ được kiến thức gì. Ngoài ra, cũng có thể sinh viên đạt điểm quá trình cao khi làm việc nhóm, teamwork cùng bạn bè, trúng nhóm bạn giỏi, làm bài thuyết trình, tiểu luận nhóm điểm cao, hoặc gặp được giảng viên dễ tính, chấm điểm dễ, nên vô tình kéo điểm trung bình môn học lên.
>> Cố gắng học nhiều nhưng chẳng tiến bộ thì phải làm sao?
Phải làm sao khi học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì?
Khi học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì, hoặc thậm chí đạt điểm cao nhưng chưa tự tin về kiến thức chuyên ngành của bản thân, thì đó sẽ là một trạng thái cảm xúc lẫn lộn, nhưng có xu hướng tiêu cực, lo lắng nhiều hơn, và sinh viên sẽ càng hoang mang hơn khi đã gần tới thời điểm tốt nghiệp, sắp ra trường rồi mà đầu óc mình vẫn cứ trống rỗng, học xong hết môn này tới môn khác, nhưng kiến thức tích luỹ được lại chẳng bao nhiêu. Khi đó, các em vừa hoang mang về kiến thức, vừa mông lung về tương lai, không biết sau này ra trường mình có tìm được việc làm không, sợ rằng sẽ bị thất nghiệp, hoặc phải làm tạm bợ một công việc không như mong muốn, rồi khi đi làm cũng chưa chắc sẽ hoàn thành tốt công việc vì kiến thức lý thuyết còn chưa nắm vững, huống hồ gì tới chuyện ứng dụng chúng trong thực tế.
Tâm trạng hoang mang đó chính là hồi chuông thức tỉnh các em, rằng mình phải làm gì đó để thay đổi sự việc, không thể để viễn cảnh tồi tệ như thế diễn ra với mình trong tương lai. Vậy phải làm sao khi học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì? Sinh viên có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này từ chính nguyên nhân của nó, hãy tự xác định xem mình học xong nhưng không đọng lại kiến thức là vì những lý do nào, rồi lần lượt xử lý chúng. Chẳng hạn như vì mình quen lạm dụng chuyện học vẹt, học tủ, thì hãy bỏ ngay, hãy học hành chăm chỉ, nghiêm túc hơn, tập trung nghe giảng, cố gắng ôn bài, làm bài tập về nhà mỗi ngày để nắm vững bản chất kiến thức. Hoặc mình toàn học thuộc lòng chứ chưa hiểu bài, thì hãy đổi lại, phải hiểu bài trước, rồi tự dưng mình sẽ thuộc, sẽ ghi nhớ lâu, vì mình đã hiểu rõ, hiểu sâu bản chất kiến thức. Hoặc mình đang phụ thuộc quá nhiều vào bạn bè khi teamwork, thì cần phải chủ động hơn, đóng góp nhiều hơn trong các bài tiểu luận, thuyết trình nhóm, vì mình càng tích cực đóng góp, thì càng hiểu bài, càng nắm kiến thức vững hơn.
Trau dồi thêm những gì để tăng cơ hội việc làm khi ra trường?
Sau khi giải đáp được băn khoăn của em về chuyện học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì, chúng ta sẽ cùng giải đáp thêm một câu hỏi nữa của em, đó là nên học tập những kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn gì để nâng cao năng lực bản thân và tăng cơ hội việc làm khi ra trường? Điều này sẽ phụ thuộc vào từng lĩnh vực, từng ngành nghề cụ thể, và yêu cầu riêng khi tuyển dụng của từng công ty, đồng thời, nó cũng sẽ liên quan tới năng lực hiện tại của em, cái gì mình đã tốt rồi thì thôi, mình chỉ tập trung trau dồi thêm những điều còn đang thiếu sót.
Thông thường, liên quan tới chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, thì em có thể tìm hiểu, học thêm các chứng chỉ liên quan tới chuyên ngành, đặc biệt là các chứng chỉ quốc tế chẳng hạn như CFA, nếu như em có khả năng học bằng Tiếng Anh, và gia đình có điều kiện tài chính để cho mình học thêm. Còn nếu không có điều kiện tài chính thì em vẫn có thể theo chương trình học bình thường trên trường, vì đó cũng là chương trình chuẩn chỉnh, trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng phục vụ cho công việc sau này, nhưng cần phải học thật nghiêm túc, chăm chỉ và quyết tâm, thì mới có thể nắm vững kiến thức, tránh trường hợp chạy theo điểm số nhưng lại không đọng lại gì trong đầu. Song song đó, em cũng có thể tự trau dồi thêm các kỹ năng mềm liên quan tới công việc, chẳng hạn như giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý thời gian,… để nâng cao năng lực bản thân và giúp mình tự tin cạnh tranh việc làm khi ra trường.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn của em xoay quanh việc học xong nhưng không đọng lại kiến thức gì, nên trau dồi thêm những gì để tăng cơ hội việc làm khi ra trường? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với em!
>> Sinh viên đi học bị quá tải kiến thức thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.