Rất Nhiều Người Kinh Doanh Thất Bại, Bạn Có Muốn Thử Khởi Nghiệp?

Sau một thời gian làm công ăn lương, không ít người muốn tự khởi nghiệp, tự làm chủ, ấp ủ dự định kinh doanh của riêng mình, với hy vọng rằng mình sẽ thành công, kiếm được nhiều tiền và ngày càng mở rộng mô hình kinh doanh hơn. Đó là một tín hiệu tích cực, thể hiện rằng bạn có tư duy cầu tiến, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, thực tế thường sẽ không thuận lợi như chúng ta nghĩ, rất nhiều người đã kinh doanh thất bại, bạn có muốn thử khởi nghiệp không?

>> Ngành quản trị kinh doanh học gì, tốt nghiệp ra trường làm gì?

Ai cũng muốn thành công, tự chủ trong cuộc sống

Trong mỗi chúng ta, ít nhiều gì thì ai cũng có tư duy cầu tiến, đặt ra nhiều mục tiêu để phấn đấu, ai cũng muốn thành công, tự chủ trong cuộc sống. Nếu bạn cũng như thế, thì đó là một quan điểm sống tích cực, có mục tiêu, hoài bão rõ ràng để theo đuổi. Mỗi người sẽ có một định nghĩa về thành công khác nhau, có những người chỉ cần thành đạt trong công việc, tạo ra nhiều giá trị trong từng việc mình làm, không quá quan trọng chuyện làm chủ hay làm công ăn lương.

Ngược lại, cũng có không ít người luôn ấp ủ dự định làm chủ, tự khởi nghiệp kinh doanh, bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, rồi dần phát triển thành những cơ sở kinh doanh lớn hơn, mở rộng quy mô hơn. Thậm chí, một số bạn trẻ mới ra trường đã có sẵn tư duy khởi nghiệp, nhất là các bạn học khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, các em muốn ngay lập tức thử kinh doanh khởi nghiệp ngay khi vừa tốt nghiệp, đó là một hoài bão lớn, tuy nhiên, tự khởi nghiệp kinh doanh có phải chuyện đơn giản không, thực tế có diễn ra như những gì trong kế hoạch của mình không?

Tự khởi nghiệp kinh doanh có phải chuyện đơn giản?

Tự khởi nghiệp kinh doanh có những cái hay riêng của nó, chẳng hạn như bạn có thể tự do tư duy, vận hành hoạt động kinh doanh theo quan điểm riêng của mình, không bị chi phối bởi bất kỳ ai, và chẳng bao giờ phải bất mãn làm theo những điều cấp trên sắp đặt mà vốn dĩ mình không đồng tình. Song song đó, khi làm chủ doanh nghiệp, kinh doanh phát đạt, thì bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền, gấp nhiều lần so với khi mình đi làm công ăn lương.

Tuy nhiên, khi tự khởi nghiệp kinh doanh, tự làm chủ doanh nghiệp, phải cân đo đong đếm vấn đề tài chính, cân đối doanh thu, chi phí, cách vận hành, quy trình làm việc, thu hút khách hàng,… mọi chuyện đều phải do tự bạn nhúng tay vào giải quyết, thậm chí, nếu mô hình kinh doanh nhỏ, không có quá nhiều nhân viên, thì chính bạn sẽ là người chịu trách nhiệm thực hiện rất nhiều đầu việc, có khi quần quật làm cả ngày cũng không xuể, sẽ dễ bị kiệt sức, quá tải, chồng chất công việc. Thậm chí, chưa kể đến những tình huống bất ngờ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch, bạn phải linh hoạt ứng biến và xử lý, chỉ cần một sai sót nhỏ hoặc xử lý chệch hướng, thì câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh của bạn có thể phải đối mặt với một cái kết không mong muốn. Thật sự, tự khởi nghiệp kinh doanh không hề đơn giản một chút nào, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng điểm qua những áp lực, rủi ro mà bạn phải đối mặt khi tự kinh doanh.

>> 5 yếu tố quyết định thành công trong tương lai của bạn

Những áp lực, rủi ro bạn phải đối mặt khi tự kinh doanh

Đầu tiên, khi tự khởi nghiệp kinh doanh, bạn phải đối mặt với vấn đề pháp lý, những chuyện như đăng ký kinh doanh, đóng thuế, đóng các lệ phí, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hợp đồng hợp tác kinh doanh, và rất nhiều giấy tờ khác, đó là những chuyện mà lúc đi làm công ăn lương bạn chẳng bao giờ phải đụng đến, nếu làm không kỹ lưỡng, sai sót, thì bạn phải đối mặt với rất nhiều rắc rối sau này. Tiếp theo, khi tự khởi nghiệp kinh doanh, bạn phải đầu tư rất nhiều tài chính, quy mô càng lớn, càng phức tạp thì số tiền bạn bỏ ra sẽ càng nhiều, có khi đó là toàn bộ số tiền bạn đã dành dụm, tích góp lâu nay, và cũng có một số trường hợp phải thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, phục vụ cho việc kinh doanh, và nếu lỡ chuyện kinh doanh không được thuận lợi, bị thua lỗ, thì bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ ngân hàng.

Song song đó, khi tự vận hành cơ sở kinh doanh, bạn sẽ phải tiếp xúc và đảm nhiệm những công việc mà mình chưa từng làm trước đây, đòi hỏi bạn phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức, nếu không đủ bản lĩnh và khả năng tiếp thu chưa tốt, thì bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái quá tải, tẩu hoả nhập ma, đang xử lý chuyện này mà cứ có chuyện khác xen vào, làm quần quật cả ngày mà chưa đâu vào đâu. Ngoài ra, khi tự khởi nghiệp kinh doanh, bạn có thể sẽ gặp phải những bất cập trong quy trình, khiến nhân viên cảm thấy bất tiện, bức xúc, liên tục than vãn, nếu không xử lý thoả đáng thì chuyện vận hành có thể bị đình trệ. Hoặc nếu bạn hợp tác khởi nghiệp chung với người khác, thì cũng có thể đối mặt với rủi ro bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích nếu các bên chưa làm rõ với nhau ngay từ đâu, làm việc chưa có giấy trắng mực đen.

Làm sao để tăng cơ hội khởi nghiệp kinh doanh thành công?

Khi đã tìm hiểu trên mạng hoặc tự chứng kiến nhiều người kinh doanh thất bại, và điểm qua những áp lực, rủi ro bạn phải đối mặt khi tự kinh doanh, liệu bạn có muốn thử khởi nghiệp không? Lúc này, một số người sẽ bị chùn bước, quyết định sẽ tiếp tục đi làm công ăn lương, sau này mình vững vàng tài chính hơn, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn thì sẽ tự khởi nghiệp sau. Tuy nhiên, cũng có một số người vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng kinh doanh, muốn được làm chủ, tự lập nghiệp và mong muốn sớm gặt hái được những thành công của riêng mình. Vậy làm sao để tăng cơ hội khởi nghiệp kinh doanh thành công? Thật ra, sẽ không có công thức chung để khởi nghiệp thành công, nếu mọi chuyện đơn giản rằng có sẵn công thức, bí quyết, thì chắc ai cũng giàu rồi, đâu có những chuyện kinh doanh thất bại nữa.

Bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau, để giảm thiểu rủi ro kinh doanh thất bại, tất nhiên, đây chỉ là những lời khuyên mang tính tham khảo, chứ thực tế để khởi nghiệp thành công thì vẫn cần sự hoà hợp của nhiều yếu tố, thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Đầu tiên, bạn cần đảm bảo rằng ý tưởng kinh doanh của mình có tính khả thi, tức là có thể thực hiện được bằng chính năng lực của bạn, bạn phải am hiểu lĩnh vực đó, có kinh nghiệm liên quan, có sự tìm hiểu trước về thị trường, nguồn cung, nguồn cầu, tránh việc đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp mông lung, mơ hồ, thiếu thực tế.

Tiếp theo, bạn phải thật sự đam mê lĩnh vực ấy, không nên thấy người này người kia làm thành công, rồi bắt chước theo khi mình thật sự không thích lắm. Bên cạnh đó, nếu thấy bản thân mình có những điểm yếu chưa thể khắc phục ngay, thì bạn có thể tìm kiếm những cộng sự, cùng hợp tác kinh doanh, người có điểm mạnh giúp cân bằng những yếu điểm của mình, sẽ giúp bạn tăng cơ hội thành công. Ngoài ra, bạn cũng cần phải lên kế hoạch kinh doanh thật cụ thể, rõ ràng, rằng mình cần chuẩn bị những gì, dự trù kinh phí ra sao, sẽ lần lượt thực hiện những bước nào, quy trình làm việc thế nào, tìm kiếm, thu hút khách hàng bằng cách nào, dự kiến doanh thu ra sao, sau bao lâu sẽ hoàn vốn, lập plan B cho các tình huống có thể phát sinh,… Nói chung là bạn cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, lên kế hoạch rõ ràng, quan sát, tham khảo lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, thì sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội thành công.

Bài viết này đã phân tích trên nhiều khía cạnh liên quan tới chuyện tự khởi nghiệp kinh doanh, và đưa ra một số lời khuyên giúp bạn tăng cơ hội khởi nghiệp thành công. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Làm sao để thành công trong lĩnh vực mình đã lựa chọn?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Vì Sao Bạn Thường Bỏ Cuộc Giữa Chừng?

22 Tuổi Là Đã Lớn Chưa, Trưởng Thành Chưa?

Học Giỏi Mà Sao Không Tìm Được Việc Làm?