Học vượt là trường hợp sinh viên đăng ký học trước, học thêm nhiều môn hơn so với chương trình học tiêu chuẩn, với mong muốn sẽ rút ngắn thời gian học để ra trường sớm. Chẳng hạn như học theo đúng tiến độ thì sẽ tốt nghiệp sau 4 năm, nhưng bạn nào học vượt, học nhanh hơn thì sẽ ra trường sớm hơn, chỉ tầm 3.5 hoặc 3 năm là học xong. Tuy nhiên, học vượt là điều không hề đơn giản, sinh viên cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn con đường ấy, liệu sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Sinh viên đăng ký học vượt bao nhiêu tiền 1 môn?
Học vượt khó như thế nào?
Trước khi giải đáp băn khoăn rằng sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem học vượt khó như thế nào? Bình thường, các môn ở đại học vốn dĩ đã rất khó & phức tạp, đòi hỏi sinh viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, tập trung và nỗ lực học thật nghiêm túc thì mới hiểu bài, nắm vững kiến thức. Bạn nào có năng lực học tập chưa tốt, hoặc chưa đủ cố gắng thì sẽ dễ bị đuối, tẩu hoả nhập ma, càng học càng thấy rối, không tiếp thu được, dẫn tới kết quả học tập sa sút.
Học đủ & đúng số môn theo chương trình chuẩn thôi cũng đã mệt & sấp mặt rồi, vậy mà bây giờ phải học thêm, học nhiều hơn tận 1-2 môn cho mỗi học kỳ, thì đây thật sự là một thử thách rất khó, chứ không hề đơn giản một chút nào, và thực tế là không phải sinh viên nào cũng làm được, thậm chí một số bạn sinh viên tự tin rằng mình giỏi, khả năng học hỏi tốt, nhưng vẫn rơi vào trường hợp bị điểm kém, bị rớt môn khi học vượt. Vậy nếu học vượt bị rớt môn thì sao?
Nếu học vượt bị rớt môn thì sao?
Học vượt cũng giống như các học phần bình thường, sinh viên vẫn phải đi học đầy đủ các buổi, hoàn thành toàn bộ các bài kiểm tra, tiểu luận, thuyết trình và bài thi cuối kỳ để tính điểm theo quy định của từng môn học. Tức là khi đã có làm bài, có tính điểm thì vẫn sẽ đánh giá kết quả môn học, vẫn có trường hợp không đủ điểm nên sinh viên bị rớt môn khi học vượt. Vốn dĩ học vượt cũng giống như các học phần khác, nên sinh viên rớt môn thì phải đăng ký học lại để trả nợ môn, chứ nếu chưa học lại, vẫn còn nợ môn thì sẽ không đủ điều kiện để tốt nghiệp ra trường.
Tự nhiên ban đầu định học vượt cho nhanh, để rút ngắn chương trình học và ra trường sớm, vậy mà lại học không tốt, để bị rớt môn rồi lại phải mất công, mất thời gian học lại để trả nợ môn. Nếu điều này tiếp diễn nhiều lần, cứ học vượt rồi bị rớt môn hoài, thì sinh viên vừa cực hơn, tốn tiền học phí hơn, mà cũng chẳng đạt được mục đích là ra trường sớm. Vì thế, trước khi quyết định học vượt thì các em cần cân nhắc kỹ lưỡng, vậy liệu sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không?
>> 6 điều sinh viên cần biết về học vượt ở đại học
Sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không?
Năm 1 là thời điểm chuyển giao giữa cấp 3 và đại học, tân sinh viên sẽ dễ bị bỡ ngỡ, lạ lẫm với rất nhiều điểm khác biệt, nổi bật trong đó là về phương pháp học và độ khó, độ phức tạp của các môn học. Cách học ở đại học sẽ nâng cao hơn so với hồi cấp 3, đòi hỏi sinh viên phải chủ động hơn, tập trung và chăm chỉ hơn, chứ sẽ không được hướng dẫn kỹ lưỡng như khi học phổ thông, nếu sinh viên không sớm thích nghi thì kết quả học sẽ bị sa sút.
Còn về các môn học thì đa số sẽ là những môn mới toanh mà sinh viên chưa từng học, chưa tiếp xúc trước đây, toàn là kiến thức mới, mà còn khó và phức tạp nữa, nên thay vì vội vã học vượt, thì các em nên dành thời gian để dần làm quen, thích nghi với độ khó của các môn học và tìm ra phương pháp học phù hợp với mình. Sau 1-2 học kỳ đầu tiên, nếu thấy kết quả học tập của mình ổn, điểm trung bình học kỳ ở mức ổn áp, an toàn, đúng như kỳ vọng, thì lúc đó sinh viên mới nên cân nhắc tới chuyện học vượt. Còn nếu thấy điểm học kỳ 1, học kỳ 2 của mình đang kém quá, chỉ ở tầm mức trung bình, thì không nên nghĩ tới chuyện học vượt, mà hãy cố gắng học thật tốt theo đúng chương trình chuẩn. Tóm lại, sinh viên năm 1 nên bình tĩnh, chờ điểm của học kỳ 1, học kỳ 2, xong rồi so sánh & đánh giá nếu ổn áp thì mới học vượt, chứ đừng vội học vượt từ quá sớm sẽ dễ rơi vào trường hợp bị đuối rồi học hành sa sút, rớt môn.
Cần lưu ý gì để học vượt đạt kết quả tốt?
Nếu thấy kết quả những học kỳ trước của mình ổn áp và dự định rằng bây giờ sẽ bắt đầu đăng ký học vượt, thì sinh viên cần lưu ý gì để đạt kết quả tốt? Khi quyết định học thêm 1-2 môn trong mỗi học kỳ, thì đồng nghĩa với việc sinh viên phải đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc học, cố gắng tối giản, hạn chế bớt các hoạt động tiêu tốn thời gian khác, điển hình như chuyện đi làm thêm, không nên mải mê đi làm thêm quá nhiều khi đang có kế hoạch học vượt, rồi chuyện tham gia CLB cũng nên hạn chế, đây là một sự đánh đổi, chứ sinh viên sẽ khó lòng ôm đồm quá nhiều mục tiêu cùng lúc.
Tiếp theo, để học vượt đạt kết quả tốt thì sinh viên cần phải đảm bảo chuyên cần, đi học đầy đủ, tập trung nghe giảng để nắm vững kiến thức từng môn học, không được mang tâm lý học môn này bỏ môn kia, hoặc ưu ái môn này hơn môn kia, như thế sẽ dễ rơi vào tình trạng bị điểm kém, không hiểu bài ở các môn mình chưa tập trung. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên kết hợp một số phương pháp giúp mình học hiệu quả & phân biệt rạch ròi, tránh nhầm lẫn kiến thức khi có quá nhiều nội dung cần tiếp thu, chẳng hạn như vẽ sơ đồ tư duy mind map, học nhóm cùng bạn bè, tự đọc thêm tài liệu liên quan, giải đề,… miễn sao các em có sự cố gắng và nghiêm túc trong chuyện học hành, thì khả năng cao rằng sẽ đạt kết quả tốt khi học vượt.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Học vượt có ảnh hưởng tới học bổng khuyến khích học tập không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.