Chẳng ai muốn mình bị chê bai về năng lực, cụ thể hơn, chẳng sinh viên nào muốn bị gán mác là học dở. Nếu đang có kết quả học tập chưa tốt, chắc hẳn rằng các em cũng tự ti, ngại ngùng và cố gắng tập trung học hành để thay đổi điều đó. Nhưng nếu lỡ mình đã cố gắng rồi mà kết quả vẫn y như cũ thì sao, liệu học dở có phải do các em kém thông minh không?
>> Điểm thấp có phải do mình bất tài, vô dụng, kém thông minh?
Vì sao sinh viên học dở, đạt kết quả không tốt?
Bất kỳ điều gì cũng có lý do của nó, chuyện sinh viên học dở, đạt kết quả học tập không tốt cũng thế. Mỗi trường hợp sẽ có những lý do riêng, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng thường sẽ xoay quanh các nguyên nhân sau:
- Không đảm bảo chuyên cần, đi trễ, về sớm, có những hôm cúp học nên bị hổng kiến thức;
- Chưa tập trung nghe giảng, trong lớp lo làm chuyện riêng, ăn vụng, ngủ gục, tám chuyện với bạn bè;
- Không ghi chép bài đầy đủ, cho rằng mình đã nhớ rồi, nhưng vài ngày sau lại quên, hoặc lẫn lộn kiến thức;
- Kiến thức môn học quá khó, quá phức tạp, giảng viên đòi hỏi sinh viên phải tự tìm tòi, đọc thêm nhiều tài liệu, cả Tiếng Việt lẫn Tiếng Anh, vượt quá năng lực học tập và nghiên cứu của các em;
- Vừa học vừa chơi, ngồi học được một lúc lại bấm điện thoại, lướt Facebook, Tiktok, chơi game online;
- Khi ôn bài có những nội dung chưa hiểu, nhưng không chịu tìm hiểu, đào sâu, mà lại bỏ qua luôn;
- Không ghi chép lại trọng tâm bài kiểm tra, bài thi, dẫn tới việc ôn tập lung tung, không đúng trọng điểm;
- Đề kiểm tra, đề thi quá khó, có nhiều câu hỏi nâng cao bên ngoài giáo trình, chưa vững kiến thức sẽ không làm được;
- Thiếu cẩn thận, không chịu dò lại bài, để xảy ra các sai sót đáng tiếc khiến bài kiểm tra, bài thi bị mất điểm…
Sinh viên học dở không đồng nghĩa với việc mình kém thông minh?
Như đã tìm hiểu ở phần trước, chuyện sinh viên học dở là kết quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không thể nào đổi lỗi rằng học dở là do mình kém thông minh, không nhạy bén, lanh lợi như các bạn bè xung quanh. Đồng ý rằng trí thông minh và khả năng tư duy logic cũng góp phần giúp các em dễ dàng tiếp thu bài giảng, tổng hợp thông tin, ghi nhớ kiến thức được lâu và chính xác hơn, nhưng cần cù bù thông minh, nếu như các em thấy mình không quá thông minh, thì có thể sử dụng sự chăm chỉ, siêng năng, cần cù để bù đắp lại.
Chẳng hạn như một bạn thông minh nghe giảng 1 lần là hiểu, thì mình có thể chịu khó đọc trước giáo trình, đọc kỹ lại bài giảng sau buổi học, đọc thêm một số tài liệu liên quan, dù cực hơn, vất vả hơn, nhưng cũng sẽ giúp mình hiểu rõ nội dung bài học. Hoặc nếu một bạn thông minh chỉ mất 1 tiếng để hiểu và giải xong toàn bộ bài tập về nhà, thì các em có thể siêng năng hơn, tập trung hơn, dù có thể mất tận 2 tiếng để làm bài tập, mất nhiều thời gian hơn, nhưng mình vẫn có thể tự hoàn thành toàn bộ bài tập. Tóm lại, chuyện học dở đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu xoay quanh những nỗ lực học tập và sự quyết tâm chinh phục kiến thức của sinh viên, chứ học dở sẽ không đồng nghĩa với việc mình kém thông minh.
>> Làm sao để rèn luyện trí thông minh và cách tư duy logic?
Sinh viên phải làm sao để lội ngược dòng, có kết quả học tốt hơn?
Nếu đang có kết quả học tập chưa tốt, tất nhiên, sinh viên không nên đổ lỗi rằng học dở là do mình kém thông minh, thay vào đó, các em cần cố gắng để xoay chuyển tình thế, để lội ngược dòng và mang về kết quả học tập tốt hơn. Điều này không chỉ giúp các em tự hào hơn về bản thân, tăng cơ hội tốt nghiệp đại học loại giỏi, mà còn giúp sinh viên củng cố hành trang kiến thức, giúp mình tự tin hơn khi cạnh tranh việc làm trong cuộc đua tuyển dụng sau khi ra trường.
Đầu tiên, các em cần phải xác định rõ rằng học tập là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên, mình phải học tốt thì sau này ra trường mới có công việc tốt, mới gặt hái được nhiều thành công trong tương lai. Điều đó sẽ tạo nên động lực để các em cố gắng, nỗ lực, quyết tâm và chăm chỉ hơn trên hành trình học tập sắp tới.
Tiếp theo, các em cần đảm bảo rằng mình có phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân, chẳng hạn như là học nhóm cùng bạn bè, hoặc tự học, tự giải toàn bộ bài tập, chủ động đọc trước giáo trình trước buổi học, đọc thêm các tài liệu chuyên ngành liên quan, hoặc tham gia thêm một số khoá đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ liên quan tới chuyên ngành,… Các em có quyền thử và chọn lựa xem đâu là phương pháp phù hợp nhất, giúp mình đạt kết quả học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần lưu ý cân đối thời gian giữa học tập và các hoạt động khác, tránh để việc đi làm thêm, tham gia CLB, sinh hoạt ngoại khoá,… chiếm quá nhiều thời gian, khiến mình không đủ thời gian để chuyên tâm cho việc học. Để phân bổ thời gian hợp lý hơn, sinh viên có thể tự lập thời gian biểu học tập hàng tuần, và đảm bảo mình tuân thủ theo đúng.
Tóm lại, sinh viên học dở không đồng nghĩa với việc mình kém thông minh. Nếu cảm thấy mình đang chưa đủ thông minh bằng những bạn khác, thì các em cũng không được nản chí, càng không được tự ti về bản thân, thay vào đó, hãy củng cố quyết tâm, nâng cao động lực, cố gắng chăm chỉ, siêng năng và tập trung học hơn. Khi đã có quyết tâm, có phương pháp học phù hợp và tuân thủ theo thời gian biểu học tập, thì các em sẽ sớm lội ngược dòng trong tương lai!
>> 5 cách giúp sinh viên thông minh, học giỏi hơn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.