Phỏng vấn việc làm là thử thách đầu tiên mà sinh viên mới ra trường cần phải đối mặt. Sau khi kết thúc 4 năm đại học đầy áp lực, thì các em lại phải đối mặt với một áp lực lớn hơn, đó là tìm việc làm, đi phỏng vấn xin việc. Vậy sinh viên mới ra trường thường sợ những gì khi phỏng vấn, và làm sao để các em vượt qua?
Mới ra trường sợ giới thiệu bản thân chưa tốt
Giới thiệu bản thân là phần đầu tiên của buổi phỏng vấn, và hầu như 99% nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân, tức là các em đã biết trước và hoàn toàn có thể chuẩn bị trước phần này sao cho chỉn chu. Tuy nhiên, khi lần đầu đi phỏng vấn, chưa có kinh nghiệm đối mặt với nhà tuyển dụng, thì sinh viên mới ra trường vẫn có nỗi sợ rằng lỡ mình giới thiệu bản thân chưa tốt thì sao, lỡ đầu không xuôi, đuôi không lọt, phỏng vấn bị tạch thì sao?
Càng nghĩ tới thì sinh viên mới ra trường sẽ càng áp lực hơn. Tuy nhiên, các em không nên lo lắng quá mức, vì nó sẽ khiến mình tiêu cực, thay vào đó, hãy tìm hiểu xem giới thiệu bản thân cần có các thông tin nào, nhấn mạnh những gì để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Nó không quá khó đâu, chỉ cần các em có sự chuẩn bị thì sẽ giới thiệu bản thân lưu loát, thuận lợi.
Mới ra trường sợ bị nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm
Sinh viên mới ra trường đi làm thường sẽ chưa có kinh nghiệm làm việc, hoặc có chăng chỉ là kinh nghiệm đi làm thêm part time, hoặc kinh nghiệm ít ỏi trong 3 tháng đi thực tập. Những điều đó dù các em có nói ra thì cũng chưa chứng minh được năng lực làm việc, vì thế, sinh viên mới ra trường thường có tâm lý lo sợ bị nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm. Lỡ bị hỏi về kinh nghiệm thì trả lời thế nào, đâu có kinh nghiệm gì đâu mà nói, rồi lỡ bị đánh rớt luôn thì sao?
Tuy nhiên, các em hãy yên tâm rằng chưa có kinh nghiệm là tình hình chung của hầu hết sinh viên mới ra trường, là chuyện không của riêng ai. Nhà tuyển dụng cũng hiểu điều đó nên thường sẽ không hỏi xoáy sinh viên mới ra trường về kinh nghiệm. Thay vào đó, các em sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng bằng kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm liên quan tới công việc, và các điểm mạnh, các thành tích mà mình đã đạt được, cộng thêm tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ, chủ động và có trách nhiệm với công việc.
Sinh viên mới ra trường sợ bị hỏi xoáy về điểm yếu, thất bại
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển, sinh viên mới ra trường thường sẽ lo sợ khi bị hỏi xoáy về điểm yếu, thất bại. Nếu nhà tuyển dụng hỏi về điểm mạnh, về những thành tích, thành công trong quá khứ, thì đương nhiên các em sẽ mạnh dạn, tự tin chia sẻ, có nhiều điều để flex về bản thân. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu thì sinh viên mới ra trường sẽ ngại chia sẻ, sợ rằng lỡ nói ra điều gì đó tối kỵ thì lại bị trừ điểm, bị đánh giá thấp, rồi mất cơ hội việc làm. Hoặc khi được hỏi về thất bại, lỡ mình chia sẻ xong lại bị nhà tuyển dụng đánh giá không cao thì sao, nên chia sẻ về thất bại nào, không nên nói về những thất bại nào?
Khi trong đầu còn đang lấn cấn bởi nhiều luồng câu hỏi như thế, thì sinh viên mới ra trường sẽ dễ bị rối và chưa trả lời tốt được. Hãy hiểu đơn giản rằng ai cũng có những điểm chưa hoàn thiện, những thất bại, sai lầm trong quá khứ, quan trọng là mình đã đối mặt thế nào, rút kinh nghiệm và vượt qua ra sao để nâng cao năng lực bản thân hơn. Hãy cứ chia sẻ theo hướng đó thì các em sẽ vượt qua được câu hỏi phỏng vấn về điểm yếu, thất bại.
>> Phỏng vấn Tiếng Anh: Điểm yếu của bạn – What is your weakness?
Sợ chưa ứng dụng được kiến thức vào phỏng vấn thực tế
Vốn liếng lớn nhất của sinh viên mới ra trường chính là kiến thức chuyên ngành, ai hơn ai khi phỏng vấn sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ nắm vững kiến thức. Tuy nhiên, với những bạn sinh viên mới ra trường nhưng học lựa chưa tốt, kiến thức cũng chưa vững, thì các em sẽ khá quan ngại, lo sợ rằng mình còn đang chưa nắm nền tảng, chưa ứng dụng được kiến thức vào thực tế khi phỏng vấn. Nếu không muốn rơi vào trường hợp này thì sinh viên mới ra trường hãy dành thời gian ôn lại kiến thức chuyên ngành, nhất là các môn liên quan tới vị trí ứng tuyển, để khi nhà tuyển dụng hỏi tới thì mình cũng trả lời được ở mức 6-7 điểm, đừng để bị đơ khi nghe câu hỏi.
Sinh viên mới ra trường sợ phỏng vấn bằng Tiếng Anh
Tiếng Anh là nỗi sợ của khá nhiều sinh viên, dù đã tiếp xúc với môn học này suốt một khoảng thời gian dài, nhưng nhiều bạn vẫn chưa nắm vững về từ vựng, ngữ pháp, và chưa tự tin khi giao tiếp bằng Tiếng Anh. Chính vì thế, nếu đi phỏng vấn xin việc mà được yêu cầu phỏng vấn bằng Tiếng Anh, thì đó chính là một nỗi sợ và ám ảnh đối với sinh viên mới ra trường. Bình thường phỏng vấn Tiếng Việt thôi đã có nhiều nỗi lo rồi, mà bây giờ phải phỏng vấn, giao tiếp với nhà tuyển dụng bằng Tiếng Anh thì nỗi sợ lại càng nhân lên gấp bội. Để gỡ rối trong trường hợp này, sinh viên mới ra trường nên tham khảo trước gợi ý trả lời các câu hỏi phỏng vấn bằng Tiếng Anh thường gặp tại đây.
Bài viết này đã điểm qua các nỗi sợ thường gặp của sinh viên mới ra trường khi phỏng vấn xin việc, kèm theo gợi ý giúp các em vượt qua. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.