Nhiều trường đại học quy định chuẩn ngoại ngữ đầu ra là TOEIC 450-550, sinh viên cần đạt điều kiện này để được xét tốt nghiệp ra trường. Vì thế, nhiều bạn sinh viên cũng rất quan tâm tới việc luyện thi TOEIC, có một bạn đã hỏi rằng, nên thi TOEIC vào năm mấy đại học? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Sinh viên nên thi TOEIC vào năm mấy đại học?
Lúc trước, anh thi TOEIC vào khoảng tầm năm 3, anh chỉ nghĩ đơn giản là bằng TOEIC có giá trị trong 2 năm, thì mình thi vào năm 3 nó sẽ vẫn có giá trị tới khi xét tốt nghiệp, và xin việc lúc mới ra trường vẫn còn hạn sử dụng. Đồng thời, hồi năm 3 anh cũng muốn xét danh hiệu sinh viên 5 tốt, nó có tiêu chí “hội nhập tốt”, đòi hỏi mình phải có bằng TOEIC nên anh thi luôn ở năm 3 cho tiện.
Tuy nhiên, vẫn có 1 lựa chọn khác mà tân sinh viên có thể cân nhắc, đó chính là mình học, ôn và luyện thi TOEIC ngay từ năm 1 luôn. Vì khi có bằng TOEIC từ sớm thì nhiều trường đại học sẽ cho phép sinh viên quy đổi điểm học phần Tiếng Anh, mình không cần học các môn đó, và vẫ có điểm quy đổi ở mức khá cao, 7-8 hoặc thậm chí 9-10, nếu bằng TOEIC các em đạt điểm càng cao thì càng quy đổi được điểm số cao. Mà chuyện đạt điểm 9-10 ở đại học là một lợi thế rất lớn, là điều mà nhiều khi mình học trầy da tróc vẩy, học ngày học đêm cũng chưa chắc đạt được, vậy mà giờ chỉ cần 1 tấm bằng TOEIC với mức điểm xịn xò thôi là đã quy đổi được ngay. Đồng thời, khi không cần học các học phần Tiếng Anh thì sinh viên cũng sẽ có nhiều thời gian để tập trung hơn cho các môn học khác, giúp tăng khả năng tối ưu điểm số cho các môn kia nữa.
Thi TOEIC từ năm 1 thì còn giá trị để xét tốt nghiệp không?
Đây là điều mà lúc trước khi còn là sinh viên, anh chưa tìm hiểu kỹ và cũng không có ai chia sẻ nên anh đã hiểu chưa đúng, cứ nghĩ rằng nếu chỉ có hạn trong 2 năm thì học sớm từ năm 1 sẽ bị lỗ, vì tới khi xét tốt nghiệp phải thi lại thêm 1 lần nữa. Đó là điều chưa chính xác, vì khá nhiều trường đại học sẽ cho phép sinh viên nộp bằng TOEIC ngay từ năm 1, năm 2 và vẫn giữ mức điểm đó để xét tốt nghiệp ở cuối năm 4 luôn, nên việc mình thi TOEIC từ năm 1 là điều bình thường, vẫn còn giá trị để xét tốt nghiệp ra trường sau này.
Còn liên quan tới chuyện dùng bằng TOEIC để đính kèm trong hồ sơ xin việc khi ra trường thì nó sẽ tuỳ vào quy định của từng công ty. Nếu các em apply vào những công ty không yêu cầu điều đó thì mình cũng không nhất thiết phải thi lại TOEIC làm gì, còn nếu apply vào các công ty bắt buộc phải có bằng TOEIC trong khi bằng của mình đã hết hạn thì phải thi lại thôi, thật ra nó cũng không quá khó và cũng chẳng cần phải ôn luyện quá phức tạp, vì năng lực mình đang ở mức điểm đó thì mình chỉ cần ôn lại một xíu rồi đi thi thôi, chứ thi TOEIC nó sẽ không quá khó đối với những bạn đã từng học, từng ôn, từng đạt điểm cao ở hồi năm 1, năm 2 rồi.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng nên thi TOEIC vào năm mấy đại học? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.