Tự học là một thói quen tốt, giúp sinh viên chủ động hơn trong học tập, tự tìm hiểu, đọc thêm tài liệu để mở mang vốn kiến thức. Giảng viên cũng luôn khuyến khích sinh viên có tinh thần tự học, chủ động ôn bài, làm bài tập mà không cần nhắc nhở, thúc ép. Song song đó, học nhóm cũng là một phương pháp học có nhiều ưu điểm và được nhiều sinh viên ưa chuộng. Liệu sinh viên tự học có hiệu quả hơn học nhóm không?
>> Học giỏi để làm gì, nhiều giấy khen có tác dụng gì?
Tự học là gì?
Tự học là trường hợp sinh viên tự chủ động trong việc học, tự lấy sách vở ra ôn, lấy bài tập ra làm, tự đọc giáo trình trước các buổi học, thậm chí còn tự tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên ngành nâng cao, luôn trong trạng thái sẵn sàng học hỏi, tiếp thu kiến thức mà không cần ai phải ép buộc hay treo phần thưởng. Song song đó, tự học cũng được dùng để chỉ những ai có khả năng tự học một mình, tự đọc, tự hiểu kiến thức, xâu chuỗi các kiến thức đã học với nhau để hiểu đúng, hiểu rõ bản chất, và tự biết cách ứng dụng kiến thức vào thực tế. Tức là tự học là một khái niệm trái với học nhóm, không nhất thiết phải học cùng bạn bè, chỉ cần một mình tập trung học thôi cũng hiểu và nắm kiến thức.
Tự học giúp ích thế nào cho sinh viên?
Sau khi giải đáp tự học là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem thói quen tự học giúp ích thế nào cho sinh viên? Như đã tìm hiểu ở phần trước, thì các em sẽ dễ dàng nhận ra rằng người tự học sẽ luôn chủ động trong học tập, tự giác tìm tòi, mở mang kiến thức, chủ động ôn bài, làm bài tập, thì tất nhiên sẽ mang lại kết quả học tập tốt, tương xứng với những nỗ lực và nghiêm túc của bản thân trong quá trình học tập. Nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là học tập, cố gắng học để nắm vững kiến thức và mang lại kết quả học tập tốt nhất có thể, thậm chí nhiều bạn còn đặt mục tiêu cụ thể rằng mình sẽ tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc, thì tinh thần tự học sẽ đóng vai trò rất lớn trong hành trình chinh phục mục tiêu ấy.
Tuy nhiên, tự học là điều không hề dễ dàng, và tự học sao cho hiệu quả lại càng khó hơn, không phải sinh viên nào cũng có thể làm tốt điều ấy, nhất là với các bạn tân sinh viên năm nhất, mới chân ướt chân ráo bước vào môi trường đại học, vẫn còn nhiều điều bỡ ngỡ với cách học, cách giảng dạy và tính điểm khá nhiều khác biệt so với hồi cấp 3. Vì thế, không ít sinh viên lăn tăn rằng liệu mình có thể tự học hiệu quả được không, phải chăng chỉ những ai thông minh thì mới có khả năng tự học? Chúng ta sẽ cùng giải đáp trong phần tiếp theo.
>> 3 cách giúp sinh viên rèn luyện thói quen tự học
Ai thông minh thì mới có thể tự học hiệu quả?
Tự học là điều không hề dễ dàng, nhất là khi chúng ta muốn chuyện tự học của mình phải mang về kết quả tốt, phải thật sự hiệu quả, chứ không đơn giản chỉ cần ngồi vào bàn học cho đủ buổi, đủ thời gian. Nhưng khi xung quanh không có bạn bè, không có ai học cùng, nếu có chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu, thì phải tự tìm hiểu, tự củng cố kiến thức, đây thật sự là một thử thách khó, khiến nhiều sinh viên cho rằng ai thông minh thì mới có khả năng tự học. Liệu quan điểm ấy có đúng không? Thật ra, điều này chưa hoàn toàn chính xác, đồng ý rằng khi thông minh, có khả năng tư duy tốt, thì sinh viên sẽ thuận lợi hơn khi tự học, việc học của mình sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết để quyết định hiệu quả khi tự học chính là phải nắm vững bản chất kiến thức, phải có kiến thức nền tảng của môn học, chứ cứ lơ mơ, học hành chểnh mảng, trên lớp không chịu nghe giảng thì làm sao về nhà tự học được?
Cho dù các em không quá thông minh, nhưng mình cần cù, siêng năng, chăm chỉ, tập trung nghe giảng trên lớp để nắm vững kiến thức, thì khi về nhà mình vẫn có thể tự học hiệu quả. Điển hình như chuyện tự học Tiếng Anh, trước khi bắt đầu thì tất nhiên chúng ta cần phải có nền tảng cơ bản về môn học này, chứ không thể nào một người mất căn bản lại có thể tự học hiệu quả được, vừa không biết nên bắt đầu từ đâu, rồi càng học càng thấy nhiều chỗ không hiểu, chẳng ai giải đáp giúp, và tự mình cũng chẳng thể tìm ra được câu trả lời. Tóm lại, muốn tự học hiệu quả thì sinh viên cần phải nắm vững nền tảng kiến thức cơ bản của môn học, chứ nó sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào chuyện ai thông minh hơn.
Sinh viên tự học có hiệu quả hơn học nhóm không?
Tự học sẽ giúp sinh viên rút ngắn thời gian, đỡ mất nhiều thời gian thảo luận, giảng giải lại bài cho nhau so với khi học nhóm cùng bạn bè, và cũng sẽ chủ động hơn trong học tập, tự tìm tòi kiến thức để mình nắm vững, tránh việc quá phụ thuộc vào bạn cùng nhóm. Với rất nhiều ưu điểm như thế, thì liệu sinh viên tự học có hiệu quả hơn học nhóm không? Điều này sẽ không thể kết luận một cách tuyệt đối, mà nó sẽ mang tính tương đối tuỳ theo từng môn học, và tuỳ vào cá nhân mỗi người. Các môn học khác nhau sẽ có tính chất khác nhau, phạm vi và độ phức tạp của kiến thức cũng khác nhau, với các môn học đơn giản thì sinh viên có thể tự học để tiết kiệm thời gian, nhanh gọn lẹ hơn. Tuy nhiên, với các môn học phức tạp, nhiều kiến thức nâng cao, lắt léo, thì học nhóm sẽ phát huy được hiệu quả nhiều hơn so với khi tự học.
Ngoài ra, bản thân mỗi sinh viên cũng sẽ phù hợp với những cách học khác nhau, có bạn thiên về chuyện tự học, giống như có năng khiếu trong việc tự học, có khả năng nhanh chóng tìm hiểu kiến thức, giúp mang lại hiệu quả tốt khi tự học. Tuy nhiên, cũng có những sinh viên thấy mình phù hợp với việc học nhóm hơn, thấy rằng bản thân mình khi học nhóm sẽ yên tâm hơn, vững kiến thức hơn, và có động lực học tập nhiều hơn. Tóm lại, mỗi cách học đều có ưu nhược điểm riêng, và sẽ linh động phù hợp với từng môn học, từng cá nhân khác nhau, chứ không thể kết luận chung ràng tự học hay học nhóm sẽ hiệu quả hơn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên học nhóm thế nào để cùng nhau tiến bộ?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.