Thấy Nhân Viên Mới Giỏi Hơn Mình Thì Phải Làm Sao?

Bạn đang làm việc vui vẻ, bình thường, tự dưng nghe tin cấp trên vừa tuyển thêm một nhân viên mới, làm việc cùng mình, nếu có gì bạn chưa rõ thì nhờ mình hướng dẫn thêm. Đây cũng là điều bình thường, chưa có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, bạn dần phát hiện ra rằng người nhân viên mới này có năng lực làm việc tốt, tư duy ổn áp, vững kiến thức chuyên ngành, bắt nhịp nhanh với công việc, và đánh giá khách quan thì có thể nói rằng người đó có phần nhỉnh hơn mình. Vậy khi thấy nhân viên mới giỏi hơn mình thì phải làm sao?

>> Có nên kết bạn Facebook với đồng nghiệp không?

Cảm giác ganh tị khi nhân viên mới giỏi hơn mình

Khi tuyển được một nhân viên giỏi, có năng lực tốt để vào công ty làm việc, thì cấp trên sẽ rất vui và nhẹ nhõm được phần nào, vì sắp tới sẽ có người san sẻ bớt công việc của team, giúp team mình có năng lực vững vàng hơn, trở thành một team mạnh và mang về kết quả làm việc tốt hơn.

Đó là góc nhìn của sếp, tuy nhiên, ở góc nhìn của nhân viên thì có thể sẽ hoàn toàn trái ngược lại, chúng ta thường có xu hướng thích những bạn nhân viên mới hơi đằm, trầm và ngây ngô một tí để dễ làm việc, và sẽ hơi dè chừng, thậm chí cảm thấy ganh tị khi nhân viên mới giỏi hơn mình, mới vào làm việc mà đã có kết quả tốt, được sếp khen, trọng dụng. Trong khi bạn đã là người làm việc lâu năm, có thâm niên trong công ty, kết quả làm việc cũng đang ổn chứ không hề tệ, vậy mà tự dưng bây giờ lại xuất hiện thêm một đối thủ, khiến mình có nguy cơ bị tuột lại phía sau, nên ganh tị cũng là cảm giác dễ hiểu.

Thấy nhân viên mới giỏi hơn mình thì phải làm sao?

Thật ra, khi bạn làm việc ở bất kỳ công ty nào, thì xung quanh mình sẽ luôn có và rất cần có những người giỏi. Bạn cần hiểu rằng mình sẽ luôn luôn phải đối diện với những người giỏi hơn mình, đây là một quy luật và thử thách tự nhiên mà bất kỳ ai cũng phải trải qua, để mình rèn dũa, nâng cao năng lực bản thân, tiến bộ và trưởng thành hơn, tránh trường hợp cho rằng mình tài giỏi rồi, lại không chịu học hỏi gì nữa, kiểu như ếch ngồi đáy giếng. Đồng thời, bạn cũng cần hiểu rằng cấp trên sẽ không bao giờ tuyển một người vào làm việc mà không có lý do, công ty cũng không dư tiền để trả lương thêm cho 1 người mà họ không mang lại giá trị gì, nhất định rằng công việc đang cần thêm người phụ trách, họ sẽ cùng làm việc, cùng phối hợp với bạn để tránh bị quá tải và mang về kết quả tốt hơn.

Khi thấy nhân viên mới vào làm việc mà nhanh chóng quen việc, học hỏi tốt, tiến bộ nhanh và thậm chí còn giỏi hơn mình, thì bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác buồn, tự ti về bản thân, thậm chí còn ganh ghét với họ. Tuy nhiên, điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề, chẳng giúp bạn tiến bộ hơn, mà còn khiến bạn bị xao nhãng tâm trí, không tập trung làm việc, kéo kết quả làm việc đi xuống. Hoặc nếu bạn nghĩ tới chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, cố tình kiếm chuyện, gây khó dễ cho nhân viên mới khi họ làm việc, thì hình tượng của bạn sẽ trở nên xấu xí đi trong mắt đồng nghiệp xung quanh, và khi mọi chuyện tới tai cấp trên thì bạn sẽ phải nhận về hậu quả khôn lường, không tốt một chút nào. Chính vì thế, thay vì cứ mãi đắm chìm trong cảm giác tiêu cực, buồn, tủi, ganh tị, thì tại sao bạn không có góc nhìn thoáng hơn, hãy cứ làm việc, teamwork bình thường với họ và học hỏi những điều hay từ bạn nhân viên mới ấy.

>> 6 kiểu ma cũ khiến sinh viên điêu đứng khi lần đầu đi làm

Học hỏi những điều hay từ bạn nhân viên mới

Họ là nhân viên mới vào công ty làm việc, nên chắc chắn vẫn còn nhiều điều bỡ ngỡ, chưa biết, chưa rõ về công việc, quy trình làm việc và các quy định của công ty. Hoặc nếu công việc có tính chất đối ngoại, phải thường xuyên làm việc, giao tiếp với khách hàng, đối tác, thì tất nhiên bạn mới là người giữ vị trí chủ chốt, đã quen biết từ lâu và có mối quan hệ tốt với khách hàng, đối tác, bạn sẽ là cầu nối, là người hỗ trợ nhân viên mới kết nối với những bên khác. Tức là nhân viên mới vẫn cần học hỏi rất nhiều từ bạn, vẫn cần được bạn giúp đỡ, hướng dẫn trong công việc, và họ luôn sẵn lòng để học hỏi, tiếp thu, vẫn rất tôn trọng bạn, và xem bạn là một hình tượng mẫu mực trong công ty.

Vì thế, bạn không cần thiết phải ganh tị với nhân viên mới, rồi có những hành động sai trái, không đúng mực trong cách hành xử với họ. Thay vào đó, bạn cứ tập trung làm tốt công việc của mình, cứ tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho nhân viên mới, sau này nếu họ có phát triển hơn, thành công hơn, thì cũng một phần là nhờ bạn dẫn dắt, hỗ trợ từ ban đầu, họ sẽ không quên ơn bạn đâu. Đồng thời, chính bạn cũng cần phải học hỏi, hoàn thiện bản thân, trau dồi những điều mình còn chưa giỏi, còn đang thiếu sót, và nhiều khả năng rằng người nhân viên đó đang có những điểm hay, điểm tốt mà bạn có thể học hỏi. Bất kỳ ai cũng có những ưu nhược điểm riêng, thay vì ganh tị, thì chúng ta hãy cùng học hỏi những điểm tốt từ nhau, để cùng nhau phát triển, tiến bộ, và biết đâu được, trong tương lai, bạn và nhân viên mới ấy sẽ trở thành cặp bài trùng trong công việc, phối hợp với nhau cực kỳ ăn ý và mang về kết quả công việc tốt ngoài mong đợi thì sao?

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng thấy nhân viên mới giỏi hơn mình thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Những điều nên và không nên tâm sự với đồng nghiệp

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý