Nghỉ việc là điều bình thường, bất cứ ai cũng sẽ có lúc nghỉ việc ở công ty cũ để tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, không ít người rơi vào trạng thái lúng túng, khó xử khi được hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ trong buổi phỏng vấn. Vậy phải trả lời thế nào cho hợp tình, hợp lý nhưng cũng vẫn đảm bảo sự trung thực khi được hỏi “Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”. Trước tiên, chúng ta hãy cùng điểm qua các lý do nghỉ việc phổ biến nhất.
>> 5 lưu ý để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn “Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?”
1. Các lý do nghỉ việc ở công ty cũ phổ biến nhất
Nói về lý do nghỉ việc thì có rất nhiều lý do phổ biến. Đầu tiên là lương thấp, chế độ đãi ngộ không tốt. Tự cảm thấy mình đã yêu cầu một mức lương khá thấp so với khối lượng công việc và năng lực bản thân, rồi nhìn vào bạn bè thấy ai cũng lương cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn đã khiến nhiều người chạnh lòng và quyết định nghỉ việc.
Tiếp theo, không hợp với đồng nghiệp và cấp trên, công việc áp lực, môi trường làm việc không phù hợp cũng chính là những lý do nghỉ việc phổ biến, liên quan trực tiếp đến bản chất công việc. Làm sao có thể chịu đựng một thời gian dài khi sếp thường gây khó dễ, đồng nghiệp bằng mặt nhưng không bằng lòng, môi trường làm việc thiếu sự chuyên nghiệp, quy trình làm việc không rõ ràng,…
Hay đơn giản là nghỉ việc chỉ vì những lý do cá nhân như muốn tự kinh doanh riêng, muốn nghỉ ngơi một thời gian, muốn tìm cơ hội phát triển mới,…
>> 7 lý do nghỉ việc phổ biến nhất hiện nay
2. Trả lời thế nào khi được hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ?
Có đủ thứ lý do, nhưng không phải lý do nào mình cũng nói thẳng ra khi được hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ trong buổi phỏng vấn. Vì khi công ty hỏi mình câu đó thì tức là họ đang muốn đánh giá về khả năng thích nghi với công việc và sự trung thành của mình, xem liệu mình có phải là người hay nhảy việc, dễ dàng rời bỏ công ty hay không. Vậy cần phải trả lời sao cho khéo?
2.1. Những lý do nghỉ việc không nên nói ra
Khi ra quyết định nghỉ việc, thông thường sẽ do nhiều nguyên nhân gộp lại, nên chúng ta không cần phải nói ra tất cả lý do khi được nhà tuyển dụng hỏi trong buổi phỏng vấn, đặc biệt, những lý do sau thì chỉ nên giữ trong lòng mà thôi:
- Mức lương thấp, chế độ đãi ngộ không tốt: Vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mình là quan trọng chuyện lương và đãi ngộ, sẽ dễ dàng nhảy việc nếu thấy nơi khác có mức lương và đãi ngộ tốt hơn.
- Không hợp với sếp và đồng nghiệp: Dù biết mỗi công ty mỗi khác, nhưng đây cũng là lý do không nên nói ra, vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mình là người thiếu khả năng thích nghi, làm việc nhóm và giao tiếp trong công việc chưa tốt. Hơn nữa, họ cũng có thể nghĩ mình là người hay nói xấu về công ty cũ sau khi nghỉ việc.
- Áp lực công việc: Điều này chắc chắn không nên nói ra, vì nhà tuyển dụng sẽ nghĩ mình là người không chịu được áp lực công việc, sẽ dễ dàng nghỉ việc khi cảm thấy công việc có nhiều áp lực. Tệ hơn, họ có thể nghĩ rằng năng lực của mình còn yếu nên mới cảm thấy công việc có nhiều áp lực.
2.2. Những lý do nghỉ việc có thể chia sẻ trong buổi phỏng vấn
Sau khi loại bỏ các lý do kia thì chúng ta vẫn còn nhiều lý do khác mà mình có thể cởi mở chia sẻ:
- Muốn thử sức trong môi trường mới: Cảm thấy môi trường cũ mình không thể phát huy hết năng lực vì quy mô công ty nhỏ, công việc đơn giản, không có nhiều thử thách, chưa có quy trình làm việc rõ ràng,…
- Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp: Muốn làm việc trong ngành khác, trong vị trí khác, muốn tìm hướng đi mới và đã tìm hiểu kỹ càng để chắc chắn rằng mục tiêu nghề nghiệp mới này là điều hoàn toàn phù hợp và muốn đi theo lâu dài.
- Lý do cá nhân hợp lý: Muốn kinh doanh riêng nhưng sau một thời gian thấy mình không hợp với việc kinh doanh nên bây giờ muốn tìm một công việc mới; Muốn dành thời gian để học lên cao hoặc trau dồi thêm ngoại ngữ và hiện tại đã hoàn thành việc học; Sức khoẻ không đáp ứng công việc, lúc trước bị bệnh ABC gì đó nhưng bây giờ sức khoẻ đã ổn định; Lúc trước mới sinh con nên muốn nghỉ ở nhà chăm con, giờ con đã lớn một tí hoặc có người nhà chăm giúp nên có thể đi làm lại…
Ở trên chỉ là những gợi ý, tuỳ mỗi người sẽ có câu trả lời cụ thể của riêng mình, nhưng hãy nhớ trả lời lý do thật chứ không nên bịa ra những lý do nghe có vẻ hợp tình hợp lý nhưng sự thật lại không phải thế. Vì nhà tuyển dụng sẽ loại ngay nếu phát hiện ứng viên thiếu sự trung thực.
>> Tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn thường gặp kèm gợi ý trả lời
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.