Bên cạnh chuyện phải bảo quản cơ sở vật chất và đóng đầy đủ tiền phòng hàng tháng như khi ở trọ, thì sinh viên khi lựa chọn việc ở ký túc xá sẽ phải tuân thủ thêm những nội quy khác, đây là các quy định riêng và bắt buộc mà hầu như ký túc xá đại học nào cũng có. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem ký túc xá đại học thường có những nội quy gì, nếu sinh viên vi phạm thì sẽ xử lý thế nào?
>> Sinh viên nên ở ký túc xá hay thuê phòng trọ?
Quy định đăng ký, giờ giấc và ra vào ký túc xá
Tất cả sinh viên nếu muốn ở trong ký túc xá của trường thì đều phải đăng ký, phải trải qua các vòng nộp hồ sơ và xét tuyển, đủ điều kiện thì mới được vào, và thường sẽ ưu tiên cho các bạn sinh viên ở tỉnh lên thành phố học, chứ các bạn có hộ khẩu ở thành phố hầu như sẽ không được trải nghiệm cuộc sống tập thể trong ký túc xá đại học. Các ký túc xá đại học hầu như đều có quy định giờ giấc, tức là ngoài khoảng thời gian này thì sẽ đóng cổng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, trừ một số trường hợp có lý do chính đáng và có thông báo từ trước. Thông thường, ký túc xá sẽ cho phép sinh viên ra vào trong khung giờ 5:00 – 23:00 mỗi ngày, còn lại sẽ đóng cổng và luôn có bảo vệ túc trực.
Nhằm đảm bảo an ninh, bất cứ lúc nào ra vào ký túc xá thì sinh viên đều phải đeo thẻ ký túc xá, hoặc phải dùng thẻ đó để mở cổng ra vào, sử dụng thang máy, tất nhiên người lạ sẽ không được ngang nhiên ra vào ký túc xá. Đa số ký túc xá sẽ không cho sinh viên dẫn người thân, bạn bè vào khuôn viên bên trong để tránh những tình huống phát sinh, nhưng cũng có một số ký túc xá cho phép nếu như các em có thông báo, và bạn bè, người thân phải đeo thẻ khách, nhưng không được ở lại qua đêm. Ngoài ra, sinh viên trong ký túc xá cũng phải ở đúng phòng đã được bố trí, không được tự ý chuyển phòng mà không thông báo, và các em cũng không được tự tiện sang phòng khác ngủ lại qua đêm. Đặc biệt lưu ý các bạn nam không được sang phòng nữ và ngược lại.
Quy định bảo vệ tài sản, giữa vệ sinh chung
Khi ở ký túc xá, sinh viên sẽ được chia phòng để ở chung với những bạn khác, và tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ nội thất trong phòng, giữ gìn cẩn thận, hạn chế tác động khiến chúng bị hư hỏng, và không được phép di chuyển nội thất, thay đổi đồ đạc giữa các phòng với nhau. Mỗi sinh viên có trách nhiệm tự bảo quản vật dụng, tài sản cá nhân một cách cẩn thận, không mang theo quá nhiều tiền hoặc tài sản quý giá, ra vào phòng nhớ đóng và khoá cửa. Đồng thời, nghiêm cấm hành vi trộm cắp đồ đạc, tiền bạc trong ký túc xá dưới mọi hình thức.
Sinh viên cũng không được tự ý sơn sửa, vẽ bậy, lắp đặt, xây dựng, thay đổi kết cấu bên trong phòng ký tức xá. Ngoài ra, trong khuôn viên ký túc xá đại học cũng có những khu vực sử dụng chung, và toàn bộ sinh viên phải có ý thức bảo vệ các tài sản chung, giữ vệ sinh, không xả rác nơi công cộng.
>> Sinh viên có nên thuê phòng trọ ở chung cư mini không?
Quy định về giữ gìn trật tự trong ký túc xá
Vì ký túc xá là môi trường tập thể với rất nhiều sinh viên cùng nhau sinh hoạt, ăn, ngủ, nghỉ, và dưới sự bảo hộ của trường đại học, nên sẽ có nội quy nghiêm ngặt trong việc giữ gìn trật tự. Đầu tiên, sinh viên phải đảm bảo mình không làm ồn, để tránh ảnh hưởng tới bạn cùng phòng hoặc các phòng liền kề trong khu vực, chẳng hạn như không đùa giỡn, la hét lớn tiếng, không mở nhạc ầm ĩ, nếu cần nghe gì thì cũng ưu tiên gắn tai nghe để không làm phiền người khác. Tất nhiên, trong thư viện hoặc khu vực phòng tự học chung, thì các em cũng cần tuyệt đối giữ yên lặng.
Tiếp theo, sinh viên trong ký túc xá không được có những hành vi chia bè kết phái, gây xích mích, kiếm chuyện, đánh nhau, gây mất trật tự dưới mọi hình thức. Song song đó, sinh viên cũng không được tụ tập để nhậu nhẹt, cờ bạc, đánh bài, gây ồn ào, mất trật tự trong ký túc xá. Trong trường hợp chơi thể thao, các em cũng phải tuân thủ đúng khu vực quy định, tránh chạy nhảy. hú hét ồn ào xung quanh khu vực phòng ở, phòng học.
Các nội quy khác cần tuân thủ trong ký túc xá đại học
Bên cạnh các nội quy nêu trên, sinh viên khi ở ký túc xá đại học có thể phải tuân thủ thêm các quy định khác như:
- Không nấu ăn dưới mọi hình thức để phòng chống cháy nổ, không mang thực phẩm tươi sống vào ký túc xá;
- Để đồ cá nhân đúng nơi quy định, không lấn chiếm ra ngoài khu vực hành lang, lối đi chung;
- Tiết kiệm điện, nước, tắm, giặt, phơi quần áo và vệ sinh cá nhân đúng khu vực quy định;
- Có tác phong, trang phục, lời nói đúng mực, không chửi thề, nói tục trong ký túc xá;
- Không tàng trữ hung khí, vật dễ cháy nổ, chất cấm, chất kích thích trong ký túc xá;
- Không tàng trữ, lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ, không xem phim, video đồi truỵ;
- Không nuôi thú cưng, không mang vật nuôi vào khuôn viên ký túc xá dưới mọi hình thức;
- Không tung tin đồn, lan truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt, gây hiểu lầm về ký túc xá…
>> Tiền điện trung bình 1 tháng của sinh viên ở trọ là bao nhiêu?
Sinh viên vi phạm nội quy KTX thì bị xử lý thế nào?
Sau khi điểm qua những quy định thường gặp ở ký túc xá đại học, thì sinh viên sẽ thấy hơi nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, vì có quá nhiều nội quy phải ghi nhớ, lưu ý, và cảm thấy rằng ở ký túc xá thật sự khá gò bó. Đây cũng là lý do chính khiến một bộ phận sinh viên không thích ở ký túc xá, các em thích ở trọ bên ngoài để được tự do hơn, thoải mái hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên thích ở ký túc xá và không hề hối hận bởi sự lựa chọn của mình, vì thật ra ở ký túc xá cũng có nhiều ưu điểm khác mà chúng ta chưa đề cập tới, các em có thể xem chi tiết tại đây.
Dẫu biết rằng những nội quy kể trên cũng vì muốn tốt cho sinh viên, muốn giúp ký túc xá trở thành một môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn, yên tĩnh để sinh viên có thể nghỉ ngơi, tập trung học tập thật hiệu quả. Tuy nhiên, khi có nhiều quy định như thế thì cũng sẽ có những lần sinh viên sơ suất, lỡ vi phạm một số điều, vậy khi vi phạm nội quy ký túc xá thì sẽ bị xử lý thế nào? Có nhiều hình thức và mức độ xử lý khác nhau khi sinh viên vi phạm nội quy ký túc xá, nếu trường hợp nhẹ thì sẽ bị nhắc nhở, nhưng vẫn tái phạm thì sẽ bị cảnh cáo, lập biên bản, phạt lao động vệ sinh chung, hoặc nặng nhất là hình thức buộc rời khỏi ký túc xá, không cho phép các em ở lại nữa. Đồng thời, nếu hành vi vi phạm của các em có liên quan thêm tới nội quy nhà trường, hoặc vi phạm pháp luật, thì có thể bị xử lý thêm với các chế tài khác nữa.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được rõ các nội quy trong ký túc xá, nhằm chuẩn bị trước tinh thần, và tránh để bản thân vi phạm. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.