Khi biết nhiều ngoại ngữ thì chúng ta sẽ tự tin giao tiếp, phát triển bản thân và đạt được nhiều thành tựu trong nhiều lĩnh vực hơn. Tuy nhiên, với những ai không giỏi ngoại ngữ thì sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, hạn chế nhiều cơ hội để chinh phục một số mục tiêu mà mình muốn đạt được. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem rào cản ngôn ngữ là gì, làm sao để xoá bỏ?
>> Sinh viên nên học càng nhiều ngoại ngữ càng tốt?
Rào cản ngôn ngữ là gì?
Mỗi quốc gia sẽ có chữ viết riêng, sẽ có ngôn ngữ giao tiếp khác nhau, chẳng hạn như Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Hàn, Tiếng Trung, Tiếng Đức,… Mỗi cá nhân chúng ta sẽ giao tiếp với những người xung quanh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, là ngôn ngữ mà mình đã được dạy từ khi còn nhỏ và đang sử dụng mỗi ngày trong học tập, công việc và đời sống. Tuy nhiên, đối với 2 người ở 2 quốc gia khác nhau, để có thể giao tiếp với nhau thì cần một ngôn ngữ chung, chẳng hạn như cùng biết Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt thì mới nói chuyện và hiểu ý nhau được.
Rào cản ngôn ngữ là cụm từ để chỉ trường hợp các cá nhân không đồng nhất ngôn ngữ, không thể giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình. Chẳng hạn như người Việt Nam, nhưng không giỏi Tiếng Anh, không biết Tiếng Anh, thì khi có cơ hội đi nước ngoài, hoặc gặp gỡ bạn bè nước ngoài thì hầu như không thể nói chuyện, giao tiếp để người đó hiểu ý mình, như vậy chính là rào cản ngôn ngữ. Hiểu ở một phạm vi rộng hơn, trong công việc, nếu công ty có các sếp nước ngoài, hoặc phải làm việc với khách hàng nước ngoài, thì đây là một rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với những ai đang không giỏi Tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào khác để cùng nhau trao đổi công việc.
Rào cản ngôn ngữ kéo theo những bất lợi & thách thức gì?
Nghe tới rào cản, thì đương nhiên bạn cũng hình dung được rằng nó sẽ cản trở mình trong nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như khi tìm việc làm, nếu không giỏi Tiếng Anh hay không biết ngoại ngữ mà công ty yêu cầu, thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị trượt, đó chính là bất lợi dễ thấy của rào cản ngôn ngữ. Hay khi đã đi làm rồi, những ai không giỏi ngoại ngữ thì sẽ khó lòng làm việc, giao tiếp, trao đổi công việc với sếp người nước ngoài, hoặc khách hàng, đối tác nước ngoài, nhiều khi chỉ bập bẹ nói được vài ba từ vựng cơ bản, không truyền đạt được hết ý mà mình muốn nói, thì đây cũng chính là rào cản ngôn ngữ khá phổ biến mà bạn có thể cũng đã chứng kiến.
Hoặc gần đây, khi các cuộc thi hoa hậu ngày càng được công chúng quan tâm nhiều hơn, các cô hoa hậu trong nước sẽ được đại diện đi thi quốc tế. Ở môi trường quốc tế, xung quanh mọi người hầu như chỉ giao tiếp với nhau bằng Tiếng Anh, thì việc không giỏi Tiếng Anh, hay chỉ nói được một số từ vựng cơ bản, mà phát âm cũng chưa chuẩn, thì bạn sẽ dễ bị tự ti, ngại giao tiếp, né tránh máy quay, không trả lời được trọn vẹn các câu hỏi của phóng viên, và cũng chẳng giao tiếp được gì nhiều với các thí sinh khác. Đó cũng chính là một ví dụ điển hình của bất lợi & thách thức mà rào cản ngôn ngữ gây ra, có thể bạn là một người giỏi, đủ tiêu chuẩn để làm hoa hậu trong nước, nhưng khi ra quốc tế lại bị rào cản ngôn ngữ khiến mình bị mờ nhạt, khó lòng đạt được kết quả cao như kỳ vọng.
>> Ngoại ngữ hay kỹ năng mềm quan trọng hơn khi ứng tuyển?
Làm sao để xoá bỏ rào cản ngôn ngữ?
Nếu không muốn đối mặt với những bất lợi như đã nói ở phần trước, thì đương nhiên bạn phải bình tĩnh đối mặt, và tìm cách để xoá bỏ rào cản ngôn ngữ, nhưng bằng cách nào? Đầu tiên, bạn hãy hình dung về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với tương lai của mình, rằng sẽ thuận lợi hơn trong công việc ra sao, mở rộng cơ hội thăng tiến thế nào, giúp mình gặt hái được các thành công, thành tựu nào? Từ đó, bạn sẽ củng cố được động lực để theo đuổi việc học ngoại ngữ, vì nó giúp ích cho tương lai của mình thì đương nhiên bạn nên đầu tư nhiều thời gian, công sức để rèn luyện, cứ mỗi lần bạn cảm thấy khó khăn, áp lực trong quá trình học, thì hãy nhớ tới điều này để tiếp thêm động lực cho bản thân.
Tiếp theo, hãy xác định 1 ngoại ngữ đầu tiên mà mình sẽ ưu tiên học trước, lần lượt học từng ngoại ngữ chứ không nên ôm đồm 2-3 ngoại ngữ cùng lúc, hoặc nếu bạn xác định luôn là công việc sau này của mình chỉ cần 1 ngoại ngữ duy nhất thôi, thì tập trung đầu tư cho nó thôi là đủ, không cần ráng học thêm nhiều mà không ứng dụng bao nhiêu. Ngoại ngữ phổ biến nhất hiện nay chính là Tiếng Anh, hầu như đa số công ty, công việc nếu yêu cầu ngoại ngữ thì đó sẽ là Tiếng Anh, hoặc với các cơ hội học tập, làm việc hay tham gia các cuộc thi ở nước ngoài, thì ngôn ngữ giao tiếp chung cũng thường là Tiếng Anh. Còn nếu đặc thù công việc bạn muốn apply vào công ty Nhật thì học Tiếng Nhật, vào công ty Hàn thì học Tiếng Hàn, nói chung là cần ưu tiên theo định hướng phát triển của bản thân.
Song song đó, trong quá trình học ngoại ngữ để xoá bỏ rào cản ngôn ngữ, bạn cần lưu ý tới sự kiên trì, hãy dành thời gian để học mỗi ngày một ít, duy trì trong thời gian dài, không được bỏ cuộc giữa chừng, hoặc không được để ngắt quãng 1 thời gian rồi quay lại học tiếp, vì như thế sẽ khiến hiệu quả học bị giảm đi. Điển hình như việc học từ vựng, nếu tự nhiên 1-2 tuần không học, không ôn lại, thì khả năng cao rằng bạn cũng sẽ bị quên mất. Ngoài ra, đừng quên tìm ra phương pháp học phfu hợp với bản thân, hãy thử nhiều cách rồi cân đối và chọn lựa, chẳng hạn như học nhóm, tự học, học ở trung tâm, học qua video, app ngoại ngữ, đọc sách báo Tiếng Anh,…
Tóm lại, để xoá bỏ rào cản ngôn ngữ thì bạn cần dung hoà được giữa động lực, phương pháp học và sự kiên trì, đó là một thử thách khó, nhưng bạn hoàn toàn có thể chinh phục. Bài viết này đã giúp bạn hiểu rằng rào cản ngôn ngữ là gì, làm sao để xoá bỏ? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.