Home Học tậpChuyện sinh viên Học Phí Cao Gây Áp Lực Lên Sinh Viên Thế Nào?

Học Phí Cao Gây Áp Lực Lên Sinh Viên Thế Nào?

by Hoàng Khôi Phạm
Học Phí Cao Gây Áp Lực Lên Sinh Viên Thế Nào?

Khi đi học, đáng ra sinh viên chỉ cần tập trung cho chuyện học tập, cố gắng tiếp thu kiến thức, hiểu bài để đạt điểm số cao. Nhưng thật ra, có một số sinh viên còn phải nặng đầu với những nỗi lo xoay quanh chuyện học phí, chẳng hạn như khi trường tăng học phí nhưng hoàn cảnh gia đình khó đáp ứng, hoặc phụ huynh đầu tư nhiều tiền để đóng tiền học cũng khiến các em thấy áp lực. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem học phí cao gây áp lực lên sinh viên như thế nào?

Vì sao ba mẹ sẵn sàng chi nhiều tiền đóng học phí?

Là bậc phụ huynh, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất cho con, hay đơn giản ba mẹ chỉ nghĩ rằng khi mình còn nhỏ thì cuộc sống cũng thiếu thốn, học hành cũng chưa được chỉn chu, nên bây giờ muốn đầu tư cho con cái nhiều hơn, để các con có cơ hội học hỏi & phát triển tốt hơn, khoẻ mạnh hơn, thông minh, nhanh nhạy hơn.

Chuyện tiền bạc đương nhiên cũng là một nỗi lo của ba mẹ, hàng tháng vẫn phải cố gắng đi làm kiếm nhiều tiền để trang trải chi tiêu gia đình, chi phí ăn uống, sinh hoạt, tiền học phí và các chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, ba mẹ luôn sẵn sàng chịu cực, chịu khổ hơn, để con cái mình có cuộc sống đủ đầy hơn, được học tập trong một môi trường tốt hơn, nên phụ huynh thường sẽ sẵn sàng chi nhiều tiền để đóng học phí. Thậm chí, có một số bậc phụ huynh mặc định rằng phải cho con học trường quốc tế hoặc đi du học nước ngoài, môi trường học, cơ sở vật chất, giáo trình & phương pháp giảng dạy phải theo chuẩn nước ngoài, để tiếp thu được kiến thức tốt nhất & sở hữu tấm bằng đại học danh giá hơn so với các trường trong nước. Đó là góc nhìn của phụ huynh, đương nhiên cũng vì muốn tốt cho các con, nhưng ở góc nhìn ngược lại thì sao, học phí cao sẽ gây áp lực lên sinh viên như thế nào?

Học phí cao gây áp lực lên sinh viên như thế nào?

Học phí cao đồng nghĩa với môi trường học tập, cơ sở vật chất sẽ xịn xò hơn, nên sinh viên ban đầu cũng thấy mình đang sướng hơn, có cơ hội học tập tốt hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, sau một thời gian học tập, thấy mỗi học kỳ ba mẹ phải chi ra một số tiền lớn, lên tới hàng chục triệu, trăm triệu để đóng học phí cho mình, thì đương nhiên sinh viên cũng bắt đầu thấy áp lực, lo rằng lỡ mình học không tốt thì sao, điểm số thấp thì sao, ra trường đi làm bao lâu mới lấy lại được vốn, kiếm được đủ tiền học phí để trả lại ba mẹ?

Chẳng hạn như học phí 4 năm đại học là 300 triệu, nếu sinh viên ra trường đi làm trung bình mỗi tháng là 10 triệu, thì cần 30 tháng, tương đương với 2 năm rưỡi để kiếm lại đủ số tiền đó, chưa kể tới việc trong thời gian đó các em cũng cần chi tiêu cá nhân, ăn uống, sinh hoạt, nên khả năng cao rằng phải lâu hơn nữa mới dư ra được đủ số tiền học phí mà phụ huynh đã đóng. Mặc dù ba mẹ đóng học phí nhiều tiền cũng chẳng yêu cầu sinh viên sau này ra trường phải trả lại, nhưng ít nhiều gì thì các em cũng sẽ tự nghĩ tới & tự muốn làm điều đó, chứ không thể để công sức ba mẹ cày cuốc lo cho mình, mà cuối cùng lại bất tài, vô dụng, đi làm lương thấp được. Càng nghĩ tới chuyện tiền bạc như thế thì sinh viên sẽ càng thấy đau đầu, áp lực, học phí càng cao thì sinh viên áp lực càng lớn.

>> Học phí tăng 10% – Phụ huynh & sinh viên phải làm sao?

Cách giúp sinh viên giải toả áp lực về chuyện học phí

Sinh viên còn đang đi học, chưa đi làm kiếm tiền, hoặc đi làm thêm cũng chỉ kiếm được 2-3 triệu/tháng để sinh hoạt cá nhân, nên sẽ chưa đủ khả năng để giải được bài toán học phí, hoặc nếu có trích tiền đi làm thêm để phụ tiền học phí thì cũng chẳng được bao nhiêu. Vậy đâu là cách giúp sinh viên giải toả áp lực về chuyện học phí?

Trường hợp đầu tiên, nếu ba mẹ chỉ đang dự kiến rằng sẽ cho sinh viên học tường tư, trường quốc tế, hoặc đi du học nước ngoài, chứ chưa thực hiện điều đó, thì sinh viên hãy cùng ba mẹ cân nhắc xem liệu đó có phải phương án tối ưu không, có phù hợp với điều kiện tài chính gia đình không? Nếu mức học phí nằm trong điều kiện tài chính gia đình, thì các em nên theo phương án của phụ huynh và đừng đặt nặng tâm lý áp lực về tiền bạc, thay vào đó, hãy tập trung học thật tốt, để nắm vững kiến thức và mang về điểm số ổn áp, thì tự dưng sau này ra trường đi làm sẽ tìm được công việc tốt, sớm kiếm được nhiều tiền để gửi lại ba mẹ thôi. Tuy nhiên, nếu cân nhắc thấy rằng điều kiện gia đình không đủ, thì sinh viên hãy trao đổi với phụ huynh để lựa chọn trường khác có học phí phù hợp tài chính hơn, không nên vay mượn nhiều tiền sẽ khiến cả phụ huynh lẫn sinh viên áp lực hơn.

Trường hợp thứ 2, nếu sinh viên đang theo học rồi, mọi chuyện đã/đang xảy ra và sinh viên đang phải đối mặt với áp lực về chuyện học phí rồi, thì lúc này thay vì các em khiến điều đó là áp lực, thì hãy biến nó thành động lực để mình cố gắng học tập tốt hơn, chăm chỉ hơn, hãy nghĩ rằng bây giờ mình đang có điều kiện học tập tốt, thì phải cố gắng tận dụng để học sao cho thật giỏi, và điều này cũng giúp ích rất nhiều cho bản thân trong tương lai, không chỉ dừng lại ở việc kiếm đủ tiền để gửi lại ba mẹ, mà còn liên quan tới việc phát triển bản thân, chinh phục đỉnh cao sự nghiệp trong tương lai.

Bài viết này đã giúp sinh viên hiểu rằng học phí cao gây áp lực lên sinh viên thế nào, và làm sao để giải toả áp lực về chuyện học phí? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Lớp giao tiếp Tiếng Anh cho sinh viên học phí bao nhiêu?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích