Vì sao cùng đi phỏng vấn mà có người đậu, có người rớt? Vì sao cùng được nhận vào làm việc ở cùng vị trí mà có người lương cao, có người lương thấp? Vì sao có người nhận được kết quả ở ngay cuối buổi phỏng vấn, còn có người được nhà tuyển dụng hẹn trả lời sau? Tất cả đều phụ thuộc vào những gì bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng hoàn toàn sẵn lòng trả lương cao, thậm chí báo kết quả đậu ngay cuối buổi phỏng vấn mà không cần suy nghĩ thêm nếu như bạn thoả mãn các tiêu chí mà họ cần. Dưới đây là 6 tiêu chí đánh giá ứng viên khi phỏng vấn mà bạn nên biết!
>> Hướng dẫn cách trả lời 14 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất
1. Đánh giá ứng viên qua kiến thức chuyên môn
Kiến thức chuyên môn luôn là tiêu chí cực kỳ quan trọng mà nhà tuyển dụng dùng để đánh giá ứng viên. Trong mỗi buổi phỏng vấn hầu như đều có hẳn một phần riêng để hỏi về kiến thức chuyên môn của ứng viên, thậm chí nhiều công ty còn tách riêng ra thành một buổi phỏng vấn chuyên môn để đánh giá rõ hơn về kiến thức chuyên môn của ứng viên. Đặc biệt, đối với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc thì phần kiến thức chuyên ngành sẽ càng được chú trọng nhiều hơn. Chính vì thế, dù bạn ứng tuyển bất kỳ vị trí nào, bất kỳ công ty nào, dù bạn là sinh viên mới ra trường hay người đã đi làm lâu năm thì cũng đều cần phải ôn lại kiến thức chuyên ngành trước khi phỏng vấn.
2. Đánh giá ứng viên qua kinh nghiệm làm việc
Với sinh viên mới ra trường thì kinh nghiệm làm việc chỉ là điểm cộng, đó là kinh nghiệm tích luỹ từ việc đi làm part time của các em. Còn với người đã đi làm lâu năm, ứng tuyển vào các vị trí yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm, thậm chí là vị trí quản lý, thì kinh nghiệm làm việc sẽ là tiêu chí đánh giá ứng viên cực kỳ quan trọng. Kinh nghiệm làm việc không phải là số năm làm việc của bạn, mà đó là những gì bạn đã học hỏi được, tích luỹ được từ những công việc bạn đã làm trong quá khứ.
Chính vì thế, khi phỏng vấn, thay vì kể là mình từng làm ở công ty này, công ty kia, thì hãy kể lại rằng mình đã học được gì, tích luỹ được những kinh nghiệm gì trong quá trình làm việc. Đồng thời, bạn cần tạo sự liên kết rằng nhờ những kinh nghiệm đó mà mình sẽ hoàn thành tốt công việc mà mình đang ứng tuyển như thế nào.
3. Các kỹ năng mềm liên quan đến công việc
Các kỹ năng mềm liên quan đến công việc cũng là một tiêu chí đánh giá ứng viên khi phỏng vấn. Chính vì thế, bạn cần tìm hiểu kỹ xem vị trí mà mình đang ứng tuyển yêu cầu phải thành thạo các kỹ năng mềm nào, bạn đã thành thạo chúng hay chưa, nếu chưa thì hãy tự trau dồi ngay hôm nay, đừng để bị mất điểm oan uổng trong buổi phỏng vấn chỉ vì chưa vững các kỹ năng mềm liên quan đến công việc. Một số kỹ năng mềm thường gặp là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quản lý thời gian,…
4. Đánh giá cao ứng viên sẵn lòng học hỏi
Khi vào công ty làm việc, chắc chắn bạn sẽ được training, hướng dẫn rất nhiều điều. Để có thể nhanh chóng tiếp thu và làm quen với các công việc, chắc chắn bạn cần phải có khả năng học hỏi tốt. Chính vì thế, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng sẽ dựa vào sự sẵn lòng học hỏi để đánh giá ứng viên. Những ứng viên sẵn lòng học hỏi sẽ được đánh giá cao. Tức là có thể hiện tại bạn chưa biết kiến thức đó, chưa rành về nghiệp vụ chuyên môn đó, nhưng bạn cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẵn lòng học hỏi và sẽ học cực nhanh khi được hướng dẫn. Tất nhiên đó không phải là lời nói suông, bạn cần chứng minh bằng việc bạn đã học hỏi tốt trong quá khứ như thế nào.
5. Đánh giá cao ứng viên có nhiều thành tựu
Ứng viên có nhiều thành tích, thành tựu trong quá khứ cũng thường sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Đó chính là một trong những tiêu chí đánh giá ứng viên khá phổ biến. Vì nhà tuyển dụng cho rằng những ai từng thành công trong quá khứ sẽ có xu hướng thành công trong tương lai, vì ít ra họ đã biết cách đặt mục tiêu, biết cách vạch ra hướng đi và luôn nỗ lực hết mình để có thể chạm tay đến thành công. Chính vì thế, xuyên suốt quá trình trả lời phỏng vấn, bạn nên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng cách khéo léo lồng ghép những thành tựu, thành tích trong quá khứ của mình vào nhé.
6. Giỏi ngoại ngữ chính là một lợi thế
Giỏi ngoại ngữ cũng là một tiêu chí đánh giá ứng viên phổ biến khi phỏng vấn. Vì người giỏi ngoại ngữ thường sẽ có năng lực học hỏi tốt, đồng thời, họ cũng sẽ dễ dàng tự đọc các tài liệu nước ngoài để trau dồi kiến thức chuyên môn cho chính mình. Ngoài ra, có rất nhiều công việc ở các tập đoàn lớn, có mức lương hấp dẫn đang chờ đón các ứng viên giỏi ngoại ngữ. Nếu bạn apply vào các công việc đó, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra trình độ ngoại ngữ của bạn trong buổi phỏng vấn, thậm chí họ có thể tổ chức hẳn một buổi phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Anh với các sếp người nước ngoài luôn.
>> Làm thế nào để học ngoại ngữ hiệu quả?
Trên đây là 6 tiêu chí đánh giá ứng viên khi phỏng vấn mà bạn nên biết, từ đó, bạn có thể tự trau dồi để mình trở thành một ứng viên nổi trội trong buổi phỏng vấn và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho chính mình. Chúc bạn thành công!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.