Thực tập là cơ hội để sinh viên tiếp xúc và làm quen với công việc thực tế trước khi ra trường. Đó là lúc các em được các anh chị trong ngành tận tình hướng dẫn từng chút một, được ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng biết cách tận dụng 3 tháng thực tập quý giá này để học hỏi thêm nhiều kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Vậy nếu muốn có một kỳ thực tập nhiều trải nghiệm và ý nghĩa thì sinh viên cần lưu ý những gì?
>> Công việc của thực tập sinh có khó không?
1. Quan sát và lắng nghe
Khi học ở trên trường, dù thầy cô có đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn trong bài giảng thì các em cũng khó lòng hình dung được chi tiết rằng kiến thức đó được ứng dụng trong thực tiễn như thế nào. Kỳ thực tập chính là cơ hội quý giá để các em được “mắt thấy, tai nghe” xem những kiến thức đã học “trông như thế nào” trong thực tế.
Các nghiệp vụ chuyên môn được các anh chị trong công ty thực hiện như thế nào, bao gồm những công việc nào, trình tự ra sao, từng công việc mất bao nhiêu thời gian,… đó là những điều mà các em có thể quan sát. Các anh chị giao tiếp với khách hàng qua điện thoại thế nào, khách hàng thường hỏi những gì, cách giải đáp ra sao, các anh chị trao đổi công việc với nhau như thế nào,… đó là những điều các em có thể lắng nghe để học hỏi và tự đúc rút ra những kinh nghiệm cho bản thân.
2. Đề cao tinh thần học hỏi trong suốt kỳ thực tập
Khi so sánh giữa ngày cuối cùng và ngày đầu tiên của kỳ thực tập, các em sẽ thấy mình tiến bộ nhiều lắm, với điều kiện là các em luôn đề cao tinh thần học hỏi trong suốt kỳ thực tập. Chắc chắn công ty sẽ có những buổi training, đào tạo kỹ năng và kiến thức chuyên môn cho thực tập sinh. Trong các buổi đó, các em cần tập trung lắng nghe và hãy chắc chắn rằng mình đã hiểu toàn bộ những kiến thức đã được training.
Tất nhiên, ngoài các buổi đào tạo tập trung, thì các em vẫn cần học hỏi rất nhiều điều khi thực hiện các công việc được giao. Thông thường, các thực tập sinh sẽ được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ có một anh chị hướng dẫn trực tiếp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hay cần hướng dẫn thêm những gì trong quá trình thực tập, các em đừng ngại đặt câu hỏi cho các anh chị ấy nha. Mà nhớ là suy nghĩ trước khi hỏi, tức là khi gặp vấn đề gì thì mình thử tự nghĩ cách giải quyết trước, rồi nói với anh chị ấy là em định giải quyết theo hướng này có được không ạ, như vậy sẽ được các anh chị đánh giá cao hơn những bạn chưa suy nghĩ gì mà đã hỏi.
>> Cách viết nhật ký thực tập – Mẫu nhật ký thực tập
3. Chăm chỉ và cố gắng
Ai cũng tưởng chăm chỉ và cống gắng là điều chắc chắn thực tập sinh sẽ có. Nhưng anh đã từng chứng kiến không ít bạn thực tập sinh khá lười và không hề cố gắng trong công việc, nên các bạn ấy hầu như tiến bộ rất chậm, làm việc mà cứ liên tục xảy ra sai sót khiến anh phải mất khá nhiều thời gian để theo sát và sửa sai. Như thế sẽ ảnh hưởng đến công việc của anh, mà chính các bạn đó cũng khó lòng học hỏi được gì trong kỳ thực tập.
Chính vì thế, dù thấy các anh chị trong công ty dễ tính, không khắt khe như giảng viên trong trường, rồi cũng không bị bắt học bài và kiểm tra bài như trên trường thì các em cũng đừng để bản thân chây lười và xem kỳ thực tập như là cuộc dạo chơi nha. Hãy chăm chỉ, cố gắng hết sức để hoàn thành tốt các công việc được giao nhé.
4. Không ngại sai và biết rút kinh nghiệm
Thông thường, công ty sẽ không giao các việc quá khó và phức tạp cho thực tập sinh. Công ty cũng sẽ hướng dẫn và đào tạo kỹ lưỡng trước khi giao việc, đồng thời, luôn có một anh chị kèm cặp để quan sát các em làm việc. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những lúc các em làm sai, làm chưa đúng quy trình hoặc hiểu chưa đúng về công việc nên dẫn tới những sai sót. Lúc đó, các em đừng ngại và đừng giấu lỗi sai của mình đi. Hãy thẳng thắn chia sẻ với các anh chị để được hướng dẫn cách khắc phục. Hoặc nếu các em tự thấy sai, tự rút kinh nghiệm luôn thì quá tốt.
Chẳng hạn như các em được giao công việc gọi điện cho khách hàng để giới thiệu sản phẩm, nhưng gọi cả 5-10 cuộc mà họ đều không quan tâm, có nhiều người còn ngắt máy khi các em chưa nói xong lời chào. Vậy thì mình đã sai ở đâu? Kịch bản gọi điện của mình đã ổn chưa? Hãy thử dừng lại quan sát xem các bạn thực tập sinh khác hoặc các anh chị cùng phòng chào hỏi khách thế nào, khơi gợi nhu cầu của họ ra sao,… để rút kinh nghiệm và sửa lại kịch bản gọi điện của mình.
>> Cần chuẩn bị những gì trước khi đi thực tập?
5. Nghiêm túc và chuyên nghiệp trong kỳ thực tập
Cuối cùng, điều anh muốn nhắn gửi tới các em là hãy nghiêm túc và chuyên nghiệp trong kỳ thực tập. Nghiêm túc và chuyên nghiệp trong tác phong, lời nói, cử chỉ, thái độ. Về tác phong, hãy mặc trang phục lịch sự như áo sơ mi, quần dài tối màu, tóc tai gọn gàng. Về lời nói, cử chỉ, hãy luôn chào hỏi lễ phép và tôn trọng các anh chị trong công ty. Về thái độ, hãy nghiêm túc với các công việc được giao và cố gắng hoàn thành chúng một cách tốt nhất.
Chúc các em có một kỳ thực tập thật nhiều trải nghiệm và ý nghĩa!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.