Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trong học tập, công việc và đời sống. Chính vì thế, khi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt ra một số câu hỏi về kỹ năng giao tiếp, để đánh giá xem kỹ năng giao tiếp của ứng viên có tốt chưa, có đáp ứng được các tiêu chuẩn mà công ty đặt ra chưa. Để tăng cơ hội trúng tuyển, bạn nên tham khảo trước 10 câu hỏi về kỹ năng giao tiếp phổ biến nhất khi phỏng vấn, từ đó, bạn cũng có thể tự chuẩn bị trước cho mình những câu trả lời khéo léo và thuyết phục nhất với nhà tuyển dụng.
>> 5 bước giao tiếp cơ bản giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp?
1. Kỹ năng giao tiếp quan trọng như thế nào trong công việc?
Đây là câu hỏi tưởng chừng như là lý thuyết, chỉ cần học thuộc rồi trả lời, nhưng thực tế lại không phải vậy. Đa số các câu hỏi phỏng vấn đều cần được trả lời dựa trên thực tế và trên quan điểm riêng của mỗi ứng viên, chứ không phải là mọi người sẽ đều trả lời giống nhau, chung một kiểu. Chính bản thân bạn nhận định rằng kỹ năng giao tiếp quan trọng như thế nào, giúp ích ra sao trong công việc, giao tiếp tốt sẽ giúp công việc thuận lợi ra sao, các phòng ban phối hợp với nhau ăn ý thế nào, giao tiếp tốt với khách hàng, với đối tác sẽ có lợi thế nào cho công việc… Hãy xác định rõ những điều này, dựa theo quan điểm và kinh nghiệm làm việc của bạn.
Khi phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này, thì bạn chỉ cần trả lời theo quan điểm của mình thôi, chứ đừng học thuộc lòng theo một câu trả lời khuôn mẫu nào nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể lồng ghép một tình huống trong quá khứ khi mình mới đi làm, giao tiếp chưa tốt, thì gặp khó khăn thế nào. Rồi sau đó, khi đã trau dồi kỹ năng giao tiếp cho bản thân, thì công việc của bạn đã thuận lợi hơn ra sao.
2. Bạn có tự tin giao tiếp trước đám đông không?
Câu hỏi này không chỉ đơn giản là trả lời có hay không, mà điều quan trọng là bạn phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho bản thân ngay từ trước khi đi phỏng vấn. Hãy đảm bảo rằng mình đã có thể giao tiếp tốt và tự tin giao tiếp trước đám đông, nhất là khi bạn ứng tuyển các vị trí phải thường xuyên giao tiếp trước đám đông, phát biểu, thuyết trình trước nhiều người. Không phải nhà tuyển dụng hỏi câu này một cách ngẫu nhiên đâu, 100% trường hợp công ty hỏi câu này là vì vị trí bạn ứng tuyển cần phải thường xuyên giao tiếp trước đám đông đấy. Chính vì thế, nếu bạn chưa tự tin giao tiếp trước đám đông và trả lời là “không”, thì khả năng cao là bạn sẽ bị loại, cho dù bạn có đệm thêm rằng “em sẽ cố gắng trau dồi trong tương lai”, vì nhà tuyển dụng đang cần tìm người vào làm việc ngay, chứ họ không có thời gian để chờ đợi bạn thay đổi.
3. Bạn thích gặp trực tiếp, gọi điện hay nhắn tin để trao đổi công việc?
Đây là câu hỏi mà bạn có thể trả lời theo quan điểm cá nhân, tức là mình thích cách giao tiếp nào nhất thì cứ chọn thôi, nhưng song song đó cần phải nêu ra những lý do để giải thích rõ hơn cho sự lựa chọn của mình, miễn sao thuyết phục là được. Hoặc bạn cũng có thể chọn câu trả lời là tuỳ tình huống, rồi đưa ra các tình huống nào nên chọn hình thức giao tiếp nào. Đồng thời, bạn cũng đừng quên chia sẻ rằng bản thân mình vẫn sẽ giao tiếp tốt trong công việc, dù là với hình thức nào chăng nữa, tất nhiên là trên thực tế bạn cần phải làm được, phải có kỹ năng giao tiếp tốt thì mới nói nhé.
4. Ngôn ngữ cơ thể quan trọng như thế nào khi giao tiếp?
Tương tự như câu 1, câu hỏi phỏng vấn về kỹ năng giao tiếp này cũng sẽ trả lời dựa theo quan điểm riêng, kinh nghiệm riêng của mỗi người, chứ không nên trả lời rập khuôn theo kiểu lý thuyết. Tức là chính bạn cảm nhận rằng ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, nét mặt, nụ cười, cử chỉ tay – chân… quan trọng thế nào khi giao tiếp thì hãy trả lời như thế ấy. Ngoài ra, bạn cũng có thể kèm theo một tình huống trong quá khứ mà khi giao tiếp kết hợp ngôn ngữ cơ thể nó đã giúp bạn giao tiếp tốt hơn với đối phương.
5. Khi giao tiếp với một người ít nói, bạn sẽ xử lý thế nào?
Câu hỏi này sẽ kiểm tra xem kỹ năng giao tiếp của bạn đang ở mức độ nào, đã tốt hay chưa. Đây là một tình huống khó, nhưng bạn hoàn toàn có thể sẽ gặp phải trong công việc. Đó có thể là khi giao tiếp với một đồng nghiệp ít nói, một khách hàng hoặc một đối tác ít nói. Khi ấy, bạn cần phải ứng dụng kỹ năng giao tiếp của mình để khéo léo làm quen, mở ra chủ đề, mở ra câu chuyện để đối phương cảm thấy thoải mái và chịu chia sẻ nhiều hơn, giúp cho việc giao tiếp đạt hiệu quả tốt hơn. Vẫn là tuỳ vào kỹ năng giao tiếp của mỗi người thôi, bạn xử lý như thế nào thì trả lời như thế ấy. Còn nếu chưa biết phải xử lý thế nào, thì ngay bây giờ, bạn thử hình dung ra tình huống đó và tự suy nghĩ xem mình nên xử lý thế nào nha, đừng để tới khi đi phỏng vấn được nhà tuyển dụng hỏi thì mới bắt đầu loay hoay suy nghĩ.
>> 3 bước gạt bỏ sự ngại ngùng để tự tin giao tiếp
6. Bạn có thoải mái giao tiếp với người lần đầu gặp không?
Nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá kỹ năng giao tiếp của bạn qua cách bắt chuyện, làm quen với những người mới gặp lần đầu. Chính vì thế, “Bạn có thoải mái giao tiếp với người lần đầu gặp không?” cũng là một trong những câu hỏi phỏng vấn mà bạn có thể được hỏi. Đối với câu hỏi này, bạn không nên chỉ trả lời là có hoặc không, mà bạn nên đưa ra một tình huống cụ thể mà mình đã từng giao tiếp thoải mái với một người mới gặp lần đầu, nếu đó là một tình huống trong công việc luôn thì càng tốt, sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác hơn về kỹ năng giao tiếp của bạn.
7. Khi giao tiếp với người khác, bạn cần tránh những lỗi nào?
Đây cũng là một trong những câu hỏi về kỹ năng giao tiếp mà bạn cần trả lời một cách cụ thể, chứ không nên trả lời theo kiểu lý thuyết suông. Tức là bên cạnh việc liệt kê ra những lỗi cần tránh khi giao tiếp, thì bạn cần diễn giải ra thêm hoặc kèm theo một dẫn chứng để làm rõ quan điểm của mình. Không cần phải liệt kê quá nhiều, bạn có thể tóm gọn câu trả lời của mình trong khoảng 3 lỗi sai cần tránh là được.
8. Việc lựa chọn từ ngữ khi giao tiếp có quan trọng không?
Đối với câu hỏi phỏng vấn này thì tất nhiên câu trả lời sẽ là có rồi, đặc biệt là khi công việc của bạn phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng, với đối tác. Việc lựa chọn từ ngữ sẽ giúp bạn truyền đạt quan điểm chính xác hơn, giúp đối phương hiểu đúng những gì mình muốn truyền tải, đồng thời, điều này cũng giúp bạn trở nên lịch sự hơn trong lúc giao tiếp. Nhất là khi bạn làm nhân viên tư vấn, việc lựa chọn từ ngữ sẽ giúp bạn làm rõ hơn những nỗi đau của khách hàng, làm rõ hơn rằng sản phẩm/dịch vụ của bạn giúp ích như thế nào cho khách hàng, giúp mình chốt khách tốt hơn.
9. Khi giao tiếp, bạn sẽ nói nhiều hơn hay lắng nghe nhiều hơn?
Đây tiếp tục là một câu hỏi về kỹ năng giao tiếp mà bạn trả lời như thế nào cũng được, tức là bạn phải vừa nói vừa lắng nghe đối phương, còn nói nhiều hơn hay lắng nghe nhiều hơn đều được. Miễn sao là bạn làm rõ được lý do vì sao mình lại chọn phương án đó và cách giao tiếp này đã được bạn ứng dụng thành công như thế nào trong quá khứ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cụ thể hoá hơn một xíu bằng cách đưa ra một tỷ lệ mà mình nghĩ là hợp lý, chẳng hạn như nói 60% và lắng nghe 40%.
>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn
10. Khi không đồng ý với quan điểm của đối phương, bạn sẽ làm gì?
Trong bất kỳ cuộc giao tiếp nào, chắc chắn sẽ có những lúc bạn không đồng ý với quan điểm của đối phương. Lúc đó, bạn sẽ làm gì, sẽ xử lý như thế nào? Đây là cơ hội để bạn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình là người có kỹ năng giao tiếp tốt đấy. Một người giao tiếp khéo léo sẽ biết cách phản biện hợp lý mỗi khi có quan điểm trái chiều với đối phương, tức là họ sẽ không im lặng, mà sẽ nói lên quan điểm của mình, kèm theo những luận điểm thuyết phục, tất nhiên, sau đó đối phương cũng có thể sẽ phản biện lại và bạn cần phải lắng nghe quan điểm của họ để cùng tiếp tục thảo luận cho đến khi đôi bên cùng thống nhất được quan điểm. Tất nhiên những điều trên cũng chỉ đang là lý thuyết thôi, bạn nên kèm theo một tình huống cụ thể mà mình đã từng trải qua trong quá khứ để tăng tính thuyết phục cho câu trả lời của mình nhé.
Trên đây là 10 câu hỏi về kỹ năng giao tiếp phổ biến nhất khi phỏng vấn, kèm theo những gợi ý trả lời. Quan trọng nhất vẫn là quan điểm của chính bạn, vì mỗi người sẽ có cách trả lời khác nhau, chứ không nên trả lời khuôn mẫu, rập khuôn. Đồng thời, để tăng tính thuyết phục trong câu trả lời của mình, bạn nên lồng ghép thêm những dẫn chứng tình huống trong quá khứ mà mình đã từng giao tiếp tốt nhé. Chúc bạn phỏng vấn thành công!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.