Trong cuộc sống, cho dù chúng ta chẳng làm gì cả, không nghĩ xấu, nói xấu hay làm gì sai với ai, nhưng vẫn có thể bị người khác hiểu lầm. Và mọi chuyện sẽ càng tệ hơn khi người hiểm lầm mình lại là bạn bè, những người đã chơi chung với mình khá lâu, vậy mà tự dưng lại xích mích, mâu thuẫn vì những chuyện không đáng. Vậy bị bạn bè hiểu lầm, nghỉ chơi, thì phải làm sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Như thế nào là bạn tốt, chơi được lâu dài?
Vì sao bạn bè hiểu lầm nhau?
Bạn bè cho dù đã chơi thân với nhau từ khá lâu, trải qua nhiều chuyện để hiểu tính nhau hơn, thì cũng sẽ có những lúc hiểu lầm, hiểu sai, nghi oan cho đối phương, đó thường sẽ vì các lý do sau:
- Không rõ ràng trong chuyện tiền bạc, nhiều khi đi chơi chung, có người đại diện trả tiền trước, nhưng sau đó share lại không đồng đều, hoặc có một số người quên luôn, không trả tiền (vì quên), lần đầu có thể bỏ qua, nhưng sang lần thứ 2 vẫn quên thì sẽ bị bạn bè đặt dấu chấm hỏi, sao lại có thể quên tới 2 lần, dù có quên thật thì cũng khó mà biện minh.
- Sinh viên hiểu lầm bạn bè vì giảng bài sai cho nhau, đối với sinh viên, có những lúc học nhóm, khi có chỗ nào chưa rõ thì sinh viên thường nhờ bạn bè giảng lại, nhưng kiến thức có hạn, vẫn có khả năng bạn bè của mình hiểu sai, rồi vô tình giảng lại sai, khiến mình hiểu sai theo, tới khi làm bài kiểm tra, bài thi, bị sai đúng chỗ đó thì tự dưng lại hiểu lầm, giận dỗi nhau.
- Bạn bè hiểu lầm nhau vì những tin đồn ác ý, mặc dù không quá phổ biến, nhưng trong môi trường học đường vẫn có tình trạng chia bè kết phái, người này ghét người kia, nên đã tung những tin đồn, thông tin sai sự thật, khiến bạn bè hiểu lầm nhau, nghi ngờ bạn mình, cho rằng bạn nói xấu hay làm gì đó sai với mình.
- Hiểu lầm bạn bè vì những hành động vô ý, tức là có những lời nói, hành động mình vô tình nói ra, không có ý gì, nhưng đối phương có thể hiểu sang thành những ý khác, và vô tình điều đó lại khiến bạn bè cảm thấy bị xem thường, bị xúc phạm, tổn thương, hoặc bị lôi vào những câu đùa giỡn quá trớn, dù mình không cố ý, nhưng đó lại là những điều dễ gây hiểu lầm.
Cảm giác bị bạn bè hiểu lầm sẽ ra sao?
Cho dù vì lý do nào đi chăng nữa, thì bạn bè hiểu lầm nhau là điều mà chẳng ai mong muốn, đang yên đang lành tự nhiên lại có chuyện, khiến mình mệt mỏi, đau đầu, rồi lại phải mất công tìm cách giải thích, hoá giải hiểu lầm. Cảm giác bị bạn bè hiểu lầm sẽ không hề dễ chịu một chút nào, nó là cảm giác cộng gộp giữa chuyện hiểu lầm + mâu thuẫn, xích mích với bạn bè, tức là phải đau đầu giải quyết cả 2 chuyện cùng lúc, thì sự mệt mỏi, nhức đầu lại càng nhân lên gấp bội.
Lúc đó, sinh viên sẽ cảm thấy vừa buồn, vừa tủi thân, vừa thấy ủa sao tự nhiên kỳ vậy, sao tự dưng xảy ra chuyện xui rủi này? Ngoài ra, khi bạn bè hiểu lầm nhau, mặc dù các em là bên hiểu lầm, hay bị hiểu lầm, thì cũng sẽ đều cảm thấy bực bội, bức xúc, giận ngược lại bạn mình, rằng vì sao lại làm như thế (hoặc vì sao có thể hiểu lầm điều này, chơi chung với nhau bao lâu rồi mà còn chưa hiểu tính nhau)… nói chung là sẽ lộn xộn, rối bời trong nhiều luồng cảm xúc khác nhau, một khi chúng còn tồn tại thì các em sẽ còn bị phân tâm, khó lòng tập trung học, càng kéo dài càng ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập. Vậy bị bạn bè hiểu lầm, nghỉ chơi, thì phải làm sao để hoá giải, để gỡ rối sự việc?
>> Phải làm sao khi bị người khác hiểu lầm?
Bị bạn bè hiểu lầm, nghỉ chơi, thì phải làm sao?
Khi bị bạn bè hiểu lầm sương sương, ở mức độ bình thường, không quá nghiêm trọng, thì các bạn ấy sẽ luôn cho mình thời gian và sắp xếp để nói chuyện, trao đổi rõ ràng với nhau để làm rõ trắng đen, nhiều khi hiểu lầm sẽ được hoá giải ngay trong ngày, không dây dưa tới hôm sau. Tuy nhiên, khi mức độ hiểu lầm ở level nghiêm trọng hơn, vì những lý do, những sự việc khó lòng chấp nhận, thậm chí dẫn tới chuyện nghỉ chơi, không nhìn mặt nhau, gọi điện không nghe máy, nhắn tin không trả lời, block hết các trang mạng xã hội, xem như nhau không tồn tại,… thì phải làm sao, nhiều bạn đau đầu nghĩ mãi vẫn chẳng ra giải pháp nào tối ưu.
Nếu bị bạn bè hiểu lầm tới mức nghỉ chơi, chặn liên lạc, không muốn trao đổi gì, thì sinh viên nên tạm thời yên lặng 2-3 ngày để bạn đỡ nóng, bình tĩnh hơn, chứ có ráng tìm cách này kia để tiếp cận, nói chuyện ngay thì cũng sẽ không giải quyết được gì. Trong thời gian đó, hãy liệt kê rõ xem bạn bè đang hiểu lầm mình vì chuyện gì, vì các vấn đề nào, càng cụ thể chi tiết càng tốt, rồi tự đưa ra những lời giải thích, dẫn chứng sao cho thuyết phục, nghe tới đâu làm rõ vấn đề tới đó, một cách thuyết phục, dễ hiểu, để khi mình nói thì bạn bè sẽ dễ hiểu ra được vấn đề, và xác nhận rằng đó chỉ là hiểu lầm.
Còn về cách để gặp mặt nói chuyện sau 2-3 ngày thì cũng không quá khó, các em đang học cùng trường, có thể cùng lớp luôn, nên nếu nhắn tin không được, thì cứ gặp mặt nói với bạn là bây giờ chỉ cần 15-20ph trao đổi thôi, dù sao cũng là bạn chơi chung lâu rồi, không nên để chuyện hiểu lầm này làm rạn nứt tình bạn, tự dưng nghỉ chơi nhau vì những điều vô lý thì kỳ lắm. Hoặc nếu bạn ấy tránh mặt, thì sinh viên có thể nhờ những người bạn chung lâu lâu nói vô 1 câu, dần dần thì bạn ấy cũng sẽ lung lay và sẽ gặp nói chuyện được, mình đâu làm gì sai nên đâu có gì phải lo lắng quá, người ngay thẳng thì sẽ nhận được những kết quả tốt thôi.
Làm sao để tránh bị hiểu lầm trong tương lai?
Khi đã từng bị bạn bè hiểu lầm rồi, thì sinh viên sẽ hiểu được rằng cảm giác ấy sẽ bực bội, khó chịu thế nào, và phải toát mồ hôi để giải quyết ra sao, nói chung sẽ phức tạp, rắc rối và khá mệt mỏi. Vì thế, thay vì để sự việc xảy ra, tự dưng bị bạn bè hiểu lầm rồi lại phải mất công đi giải thích, hoá giải, thì ngay từ đầu, hãy tìm cách phòng tránh, không để có những điều không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm xuất hiện, nhất là trong những lời nói, hành vi có liên quan tới bạn mình, thì hãy đặt mình vào góc nhìn của họ để cân nhắc xem nếu sau khi nghe hoặc chứng kiến những điều đó thì có dễ bị hiểu sai, hiểu lầm không?
Còn với trường hợp bị người khác chơi xấu, dựng chuyện, tung tin đồn để bạn bè hiểu lầm rồi nghỉ chơi nhau, thì các em chỉ cần thống nhất rõ với nhau ngay từ đầu rằng không được ngay lập tức tin vào những tin đồn, lời nói của người khác về bạn mình khi chưa kiểm chứng, hoặc nghe xong thì để đó, gặp mặt nói chuyện rõ với nhau để xem liệu những lời đồn đó có đúng không, chứ đừng im im rồi tự đi hiểu lầm nhau.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng bị bạn bè hiểu lầm, nghỉ chơi thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> 4 hiểu lầm tai hại khiến sinh viên ngày càng học hành sa sút
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.