Bộ Phận QC Làm Công Việc Gì, Có Phải Suốt Ngày Đi Soi Mói?

Bạn đang đi làm yên ổn, hoàn thành công việc như bình thường, nhưng tự dưng công ty lại lập ra bộ phận QC, suốt ngày đi kiểm tra rồi bắt lỗi, khiến bạn thấy phiền phức, mệt mỏi, cảm thấy như mình đang bị kiểm soát quá mức, không thoải mái làm việc, chẳng hiểu tuyển QC vào để làm gì? Hoặc cũng có thể bạn đang định ứng tuyển bộ phận QC, nhưng chưa hiểu rõ về vai trò của QC trong doanh nghiệp. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem bộ phận QC là gì, làm công việc gì, có phải suốt ngày đi soi mói không?

>> Trầm tính, ít nói có phải là điểm yếu khi đi làm không?

Bộ phận QC là gì?

Bộ phận QC có tên đầy đủ là Quality Control, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng toàn diện cho doanh nghiệp, từ quy trình làm việc, chất lượng công việc, kết quả đầu ra của các phòng ban đều được bộ phận QC kiểm tra kỹ lưỡng với các tiêu chí đánh giá cụ thể. Ngoài ra, bộ phận QC cũng giúp doanh nghiệp có thể hoạt động một cách trơn tru, mang về hiệu quả công việc tốt nhất và hạn chế tối đa những rủi ro, sai sót có thể xảy ra trong quá trình vận hành. Với các doanh nghiệp lớn, bộ máy cồng kềnh, nhiều quy trình, đông nhân viên, thì hầu như sẽ luôn có bộ phận Quality Control, và khi đó vai trò của bộ phận này sẽ càng quan trọng hơn, càng cần thiết hơn.

Bộ phận QC làm công việc gì?

Sau khi tìm hiểu bộ phận QC là gì, thì chúng ta cũng hiểu được một cách cơ bản rằng đó là bộ phận kiểm soát chất lượng trong doanh nghiệp, nhưng cụ thể sẽ kiểm soát như thế nào, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn rằng bộ phận Quality Control thường làm những công việc gì? Mô tả công việc của QC có thể sẽ khác nhau tuỳ theo quy mô, lĩnh vực hoạt động và các tiêu chí đánh giá mà doanh nghiệp cho rằng quan trọng với mình, tức là sẽ không có một danh sách công việc chung, giống nhau ở mọi công ty, mà sẽ linh hoạt có sự điều chỉnh theo từng doanh nghiệp. Còn nếu bạn muốn tham khảo một cách tương đối, thì bộ phận Quality Control thường sẽ đảm nhiệm một số công việc sau:

  • Đảm bảo các phòng ban làm việc theo đúng các quy trình, tiêu chuẩn đã đặt ra từ trước;
  • Kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi gian lận, sai trái để trục lợi cá nhân khi đi làm;
  • Kiểm soát doanh thu, dòng tiền, đảm bảo các hoạt động thu chi đều có giấy tờ, chứng từ đúng quy định;
  • Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm tốt cho khách hàng;
  • Giúp cấp lãnh đạo quản lý nhân viên bên dưới một cách sâu sát, chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng hơn;
  • Kiểm soát mức độ nghiêm túc của nhân viên, chấp hành đúng giờ giấc, tác phong làm việc, nội quy công ty;
  • Giữ môi trường làm việc lành mạnh, không chia bè kết phái hay có những hành vi trái đạo đức, thiên vị, chèn ép, ma cũ bắt nạt ma mới,…

>> Mới ra trường đi làm bị ma cũ bắt nạt ma mới thì phải làm sao?

Công ty lập ra bộ phận Quality Control để làm gì?

Sau khi tìm hiểu bộ phận QC là gì, thường làm những công việc gì, thì chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về tính chất của bộ phận này trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, tự dưng đang làm việc bình thường, thoải mái, mà giờ lại bị QC kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, lỡ xảy ra sai sót gì thì cũng bị nêu tên, điểm mặt, thì bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu, bực bội, ảnh hưởng không tốt tới tinh thần và hiệu suất làm việc. Vậy liệu doanh nghiệp lập ra bộ phận QC có lường trước được tình trạng này chưa, đây có thật sự là điều cần làm không, công ty lập ra bộ phận Quality Control để làm gì?

Công ty không dư tiền để trả lương cho một bộ phận không cần thiết, ban giám đốc cũng không rỗi hơi để bày vẽ thêm quy trình, quy định, lập ra bộ phận QC một cách vô cớ, để đày đoạ nhân viên, khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi, gò bó. Thật sự, có thể bộ phận Quality Control không quá phổ biến ở Việt Nam, và hầu như cũng ít khi có trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên mọi người vẫn còn lạ lẫm, chưa quen với chuyện mình làm việc mà lại có QC đi check, kiểm tra này kia. Nhưng bạn nên hiểu rằng khi cần thiết thì công ty mới phải lập ra bộ phận QC, chẳng hạn như muốn nâng cao hiệu suất công việc của các phòng ban, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, và hạn chế các rủi ro sai sót trong quá trình làm việc, đảm bảo mọi người làm đúng quy trình,… nói chung là có rất nhiều lý do khác nhau, mỗi công ty sẽ có những mục đích riêng, chứ không tự dưng lập ra bộ phận QC một cách vô cớ đâu.

Làm QC có phải suốt ngày đi soi mói, bắt lỗi đồng nghiệp?

Vì QC là một bộ phận chưa quá phổ biến ở Việt Nam, thậm chí có nhiều công ty mới bắt đầu thử nghiệm tuyển dụng bộ phận này, nên dễ có những quy định hoặc trao quyền cho QC một cách chưa chính xác, khiến nhân viên trong công ty có góc nhìn không mấy tích cực về bộ phận Quality Control. Cụ thể hơn, không ít người cho rằng làm QC thì suốt ngày sẽ đi soi mói, bắt lỗi đồng nghiệp, rồi note lại tổng số lỗi để cắt thưởng, trừ bonus, hoặc thậm chí có những hình thức kỷ luật khác nặng hơn, khiến mọi người cảm thấy không khí làm việc tự dưng lại nặng nề, căng thẳng quá mức, làm việc mà cứ nơm nớp lo sợ bị QC bắt lỗi, phạt này phạt kia. Thậm chí, một số nhân viên đã mạnh dạn kiến nghị lên cấp trên rằng nên bỏ bộ phận QC, mình tự có trách nhiệm, tự làm tốt được công việc của mình, còn nếu công ty không đồng tình thì họ sẵn sàng nghỉ việc, tìm một công ty khác không có QC để làm việc thoải mái hơn, đơn giản vì không thích bị người không có chuyên môn, không nắm vững về lĩnh vực công việc của mình lại đi kiểm soát mình.

Thật ra, đây là một góc nhìn chủ quan, QC có vai trò kiểm soát chất lượng, đảm bảo doanh nghiệp vận hành trơn tru, đúng quy trình, nâng cao hiệu quả công việc, chứ không phải suốt ngày lo đi soi mói, bắt lỗi vô tội vạ. Mọi người ai cũng đi làm công ăn lương như nhau, QC cũng đơn giản chỉ là một nhân viên trong công ty, có chăng là tính chất công việc của họ liên quan tới chuyện phát hiện, tìm ra lỗi sai để mọi người cùng khắc phục, cùng vì lợi ích chung của công ty, chứ không ai cố tình soi mói để bắt lỗi bạn cả. Tất nhiên, để tránh việc nhân viên công ty cảm thấy bất mãn với bộ phận Quality Control, thì chính mỗi doanh nghiệp và bản thân những ai làm QC cũng phải có những biện pháp, những đề xuất để hoàn thiện quy trình làm việc và tiêu chí đánh giá công việc của QC sao cho hợp tình hợp lý hơn. Vậy QC phải làm sao để không bị các phòng ban khác ghét, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ?

>> Phải làm sao khi bị đồng nghiệp kiếm chuyện, gây xích mích?

QC phải làm sao để không bị các phòng ban khác ghét?

Mâu thuẫn giữa các phòng ban trong công ty là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi quyền lợi của các phòng ban có liên kết chặt chẽ với nhau, hoặc công việc của phòng ban này có thể ảnh hưởng tới lợi ích, tới tiền lương của bộ phận khác. Chẳng hạn như mâu thuẫn giữa phòng marketing và phòng kinh doanh trong công ty thường xảy ra như cơm bữa. Với tính chất công việc hầu như dính líu tới tất cả phòng ban trong công ty, từ marketing, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, cho tới kế toán, nhân sự, IT,… nên khả năng QC xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với các phòng ban khác là rất cao.

Tất nhiên, ở vai trò một người làm Quality Control, bạn cũng có thể có những động thái để thay đổi góc nhìn của đồng nghiệp về tính chất công việc của mình, rằng bạn đang là người cùng một team, muốn giúp đỡ mọi người cùng hoàn thành tốt công việc, đảm bảo lợi ích chung của công ty, chứ không phải bạn là một người luôn đối nghịch, suốt ngày đi soi mói, bắt lỗi người khác. QC được trao quyền thì phải sử dụng quyền sao cho hợp lý, công tâm, không soi mói, bắt lỗi vì những mâu thuẫn cá nhân, hãy luôn ghi nhớ điều đó khi mình đang đảm nhiệm vai trò Quality Control trong doanh nghiệp, mình là người quản lý chất lượng, giúp tăng hiệu suất công việc, chứ không phải là người tạo ra mâu thuẫn, xích mích, khiến đồng nghiệp khó lòng tập trung vào hiệu quả công việc của họ.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ QC là gì, thường làm những công việc gì, có phải suốt ngày đi soi mói, bắt lỗi đồng nghiệp không, đồng thời, giải đáp băn khoăn rằng bộ phận Quality Control phải làm sao để không bị các phòng ban khác ghét? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Làm Sao Để Tạo Được Nhiều Giá Trị Trong Công Việc?

Chuyển Sang Làm 1 Công Việc Hoàn Toàn Mới, Nên Hay Không?

Vì Sao Thử Việc Bằng 85% Lương Chính Thức, Có Thấp Quá Không?