Sợ sếp là một tâm lý khá phổ biến khi đi làm, nhất là khi bạn là nhân viên mới, chưa có nhiều “thâm niên” tại công ty, và cũng chưa biết tính, chưa hiểu rõ được phong cách làm việc của sếp. Sợ sếp là điều bình thường nếu như bạn biết kiểm soát nỗi sợ trong chừng mực nhất định, tuy nhiên, nếu bạn yếu tâm lý, rén cấp trên một cách quá mức, thì có thể sẽ tác động không tốt tới kết quả làm việc. Vậy làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?
>> Sếp khó tính quá thì nhân viên phải làm sao?
Vì sao nhân viên thường sợ cấp trên?
Không phải tự dưng mà khi đi làm công ty lại phân biệt cấp trên – cấp dưới đâu, thậm chí có một số công ty thoải mái, không quá tách biệt rõ ràng, mà cho mọi người có quyền bình đẳng, ai cũng có quyền nêu quan điểm, đóng góp ý kiến, phản biện, nhưng thật ra vẫn phải có tôn ti trật tự, cấp trên vẫn nắm quyền ra quyết định, và cấp dưới nếu không phản biện lại được một cách hợp lý, thì bắt buộc phải tuân theo quyết định của sếp, của cấp trên. Tâm lý sợ sếp, rén cấp trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số lý do phổ biến:
- Cấp trên kỹ tính, khó tính, đòi hỏi cao, yêu cầu khắt khe, soi xét từng chi tiết nhỏ;
- Cấp trên đưa ra nhiều quy định, quy trình phức tạp, nếu làm sai sẽ bị phạt, xử lý kỷ luật;
- Cấp trên nóng tính, dễ phát hoả, lớn tiếng quát tháo khiến nhân viên sợ, rén khi thấy sếp;
- Nhân viên chưa tự tin vào năng lực bản thân, sợ lỡ nói hoặc làm gì sai thì bị sếp trách mắng;
- Nhân viên đã lỡ làm gì sai, sợ bị sếp phát hiện nên rén, cố gắng tìm cách né tránh cấp trên;
- Nhân viên cảm thấy sếp lãnh đạo quá khắt khe, cứng rắn, nên lúc nào cũng sợ, rén…
Tâm lý sợ sếp gây ra những tác hại gì cho bạn?
Sau khi điểm qua một số nguyên nhân vì sao nhân viên thường sợ cấp trên, chắc hẳn bạn đang thấy cực kỳ quen thuộc, nếu không phải mình, thì những đồng nghiệp xung quanh chắc cũng có vài ba người đang trong tình trạng như thế, đôi lúc cũng nghĩ tới chuyện phải khắc phục, nhưng lại chẳng dám, vẫn giữ nguyên tâm lý sợ sếp, ngại giao tiếp với cấp trên. Tuy nhiên, bạn không nên để tình trạng này kéo dài, hãy cùng tìm hiểu xem tâm lý sợ sếp gây ra những tác hại gì cho bạn?
Đầu tiên, khi bị ám ảnh bởi tâm lý sợ sếp, thì bạn sẽ luôn trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng đầu óc quá mức khi đi làm. Đồng ý rằng khi làm việc thì bạn có thể bị stress bởi áp lực công việc, nhưng đó là khi công việc quá khó, quá phức tạp hoặc deadline gấp rút, còn nếu nguyên nhân đến từ phía bạn, do bạn tự mang tâm lý sợ sếp để khiến mình thấy mệt, thấy stress, thì đó là điều cần phải khắc phục, tránh để kéo dài sẽ khiến bạn bị suy kiệt, dễ có tâm lý nghỉ việc, bỏ việc. Tiếp theo, khi sợ sếp thì bạn cũng thường có xu hướng né tránh, ngại giao tiếp với cấp trên.
Khi đi làm, nếu ngại giao tiếp với cấp trên, thì chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ quả khôn lường, chẳng hạn như hiểu lầm, hiểu sai ý sếp, cắm đầu làm theo hướng không đúng, ra kết quả không như kỳ vọng của sếp, hoặc khi gặp khó khăn, có vấn đề phát sinh khi làm việc, mà ngại không báo cáo nhanh cho cấp trên, tới khi mọi chuyện trầm trọng hơn thì sao mà xử lý. Ngoài ra, khi sợ sếp, ngại giao tiếp với cấp trên, thì bạn cũng sẽ khó lòng thể hiện quan điểm, tư duy của bản thân, không có cơ hội bộc lộ điểm mạnh của mình để cấp trên chú ý, thì xem như tự thu hẹp cơ hội thăng tiến của mình.
>> Cùng đồng nghiệp nói xấu sếp nếu bị phát hiện thì xử lý thế nào?
Làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?
Bên trên chỉ là một số tác hại thường gặp khi bạn mang tâm lý sợ sếp một cách quá mức, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều tác hại khác mà chúng ta khó lòng lường trước được. Nếu không muốn phải đối mặt với những hậu quả tồi tệ ấy, thì bạn cần phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục. Vậy phải làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?
Đầu tiên, bạn cần phải tự tin hơn vào năng lực làm việc của mình, khi bạn tin rằng mình đủ khả năng hoàn thành tốt công việc, đạt chất lượng, đúng deadline, thì bạn sẽ chẳng sợ bị cấp trên la mắng, trách phạt gì nữa, mà sẽ đi làm với tâm lý thoải mái hơn, gặp sếp thì tự tin chào hỏi, nói chuyện, trao đổi công việc như bình thường. Để làm được điều này, thì bạn cần phải nhìn lại xem mình đang có những khuyết điểm nào ảnh hưởng xấu tới kết quả làm việc, rồi nhanh chóng dành thời gian để nỗ lực rèn luyện, khắc phục. Khi năng lực làm việc của bạn tốt hơn, mang về kết quả tốt, giữ vững phong độ, thì tự dưng cấp trên sẽ có góc nhìn thiện chí hơn về bạn, tin tưởng giao việc và xem trọng bạn hơn, từ đó, tâm lý sợ cấp trên cũng vơi bớt. Tiếp theo, bạn nên rèn luyện kỹ năng giao tiếp sao cho tự tin và khéo léo hơn, khi bạn đã dạn dĩ hơn trong giao tiếp, thì cũng sẽ thoải mái hơn, không còn tâm lý quá lo sợ khi nói chuyện với sếp nữa. Ngoài ra, bạn cũng cần phải biết cách tạo mối quan hệ tốt đẹp và thân thiết với cấp trên, xoá bỏ khoảng cách để nói chuyện một cách thoải mái hơn, nhưng vẫn trong tinh thần tôn trọng cấp trên, không thoải mái một cách thái quá.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Đi làm bị sếp chửi nhiều quá thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.