Lần Đầu Xin Việc, Phải Trả Lời Thế Nào Khi Được Hỏi Về Điểm Yếu?

Lần đầu xin việc chắc chắn các em sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, có khi run đến nỗi chưa kịp suy nghĩ mà đã đưa ra câu trả lời. Điều đó sẽ làm các em mất điểm và nhiều khả năng sẽ không được công ty lựa chọn vào làm việc. Vì từng câu hỏi của nhà tuyển dụng đều có thang điểm riêng, chứ không phải họ đặt ra một cách bất chợt và quyết định lựa chọn nhân viên dựa trên cảm tính đâu.

>> Gợi ý trả lời 3 câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh phổ biến nhất

1. Không được né tránh, càng không được nói rằng “Em không có điểm yếu”

Một trong những câu hỏi khiến nhiều sinh viên “đứng hình” nhất chính là câu hỏi về điểm yếu của mình. Ôi phải làm thế nào nhỉ? Lỡ mình nói ra một điểm yếu mà nhà tuyển dụng cực kỳ không thích thì toang mất!

Chính suy nghĩ đó đã khiến không ít sinh viên mới ra trường, khi lần đầu xin việc và được hỏi về điểm yếu đã vội trả lời rằng “Dạ em chưa nghĩ ra ạ”, “Dạ các điểm yếu hồi lúc trước em cũng có nhưng giờ em cũng khắc phục hết rồi ạ”. Như thế là xem như các em không trả lời câu hỏi và nhận được điểm 0 tròn trĩnh cho câu hỏi ấy. Việc tránh né khi được hỏi về điểm yếu là một cách thể hiện không tốt trong buổi phỏng vấn.

Hơn nữa, khi các em không trả lời, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy hụt hẫng, nhiều khi còn cảm thấy không được tôn trọng. Họ rất muốn khai thác ứng viên thông qua câu hỏi ấy. Có cả bộ 100 câu hỏi tuyển dụng, một buổi phỏng vấn chỉ hỏi từ 20-30 câu thôi, nên một khi họ đã lựa chọn câu đó để hỏi thì chắc chắn điều đó quan trọng đối với họ hoặc đối với vị trí mà các em ứng tuyển. Không thể nào để “Nhà tuyển dụng hỏi điểm yếu nhưng ứng viên không muốn trả lời” được. Ngoài ra, họ cũng sẽ mất niềm tin vào các em. Vì sao? Vì họ không tin các em không có điểm yếu!

>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn

2. Lần đầu xin việc, phải trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?

Vậy điều đầu tiên các em cần nhớ là hãy mạnh dạn trả lời điểm yếu của mình, kèm theo cách mà các em đang thực hiện để dần khắc phục nó. Đồng thời, câu trả lời càng cụ thể, càng có nhiều số liệu hoặc ví dụ, dẫn chứng thì càng thuyết phục. Chẳng hạn như:

1. Điểm yếu của em là hay quên, nhiều khi phải làm 10 việc mà em quên mất 3-4 việc luôn. Em nhận ra điều ấy nên khắc phục bằng cách liệt kê những điều cần làm vào sổ, và luôn check cẩn thận xem còn việc nào mình chưa hoàn thành hay không.

2. Điểm yếu của em là hay muộn giờ, lúc trước đi học trên trường, đi học nhóm hoặc hẹn đi chơi với bạn bè thì em đi muộn lắm. Em cảm thấy đó là điều không tốt, sau này đi làm mình phải chuyên nghiệp hơn nên trong vòng 1 tuần qua em đã học cách dậy sớm, đặt báo thức mỗi ngày lúc 6h30 để khi được nhận vào làm việc thì em sẽ không đi muộn.

3. Điểm yếu của em là ngại đưa ra ý kiến, em sợ bị mất lòng người khác nên không dám nói ra quan điểm của mình. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc nhóm với các bạn trong lớp thì em nhận ra rằng mình nên thẳng thắn góp ý cho nhau thì mới giúp nhóm đạt được kết quả tốt trong bài thuyết trình. Bây giờ sang môi trường công sở thì thời gian đầu em chưa quen với mọi người thì sẽ có đôi chút ngại ngùng. Tuy nhiên, sau khi mọi người hiểu nhau hơn thì em sẽ mạnh dạn đưa ra ý kiến trong các cuộc họp để giúp kết quả của cả team được tốt nhất.

4. Điểm yếu của em là tiếng Anh ạ, em còn yếu về khả năng nói và viết tiếng Anh, lúc trước em rất ngại đọc sách hoặc các tài liệu học tập bằng tiếng Anh. Em biết tiếng Anh rất quan trọng nên trong 2 tháng qua em đã dành mỗi ngày một tiếng để ôn luyện bằng cách đọc các bản tin nước ngoài và xem các video dạy speaking trên youtube ạ. Đồng thời, khi nào gặp từ vựng mới em cũng note lại và học luôn ạ. Khi đi làm, nếu có cơ hội tiếp xúc với các tài liệu tiếng Anh thì em sẽ cố gắng tìm hiểu chứ không ngại như hồi xưa nữa. Em tin rằng sau 1 năm nữa em sẽ thật sự tự tin về khả năng ngoại ngữ của mình.

5. Còn một cách nữa là các em trả lời một ý mà vừa là điểm yếu nhưng cũng là điểm mạnh trong công việc, ví dụ như sự cầu toàn, thấy sai sót hoặc chưa hoàn hảo thì rất khó chịu và phải làm sao cho hoàn hảo mới chấp nhận được. Hoặc điểm yếu là quá tham việc, ai nhờ làm gì cũng làm, nhiều khi quên mất bản thân cần được nghỉ ngơi. Nhưng khi trả lời theo cách này thì cần phải có sự chân thật, phải đúng với bản chất thật của mình, nếu không sẽ rất là “giả trân” nhe.

Tổng kết

Còn rất nhiều điểm yếu khác, phụ thuộc vào bản thân từng người vì không ai giống ai cả. Các em lưu ý đừng sử dụng các ví dụ ở trên nếu nó không đúng với bản thân mình nha. Đồng thời, khi đưa ra điểm yếu thì các em cần chọn các điểm yếu liên quan đến công việc (nhưng không phải là một điểm yếu không thể chấp nhận trong vị trí mà em đang ứng tuyển).

Ví dụ như các em nói điểm yếu của em là không ăn cay được, không chịu nóng được,… thì đó là không liên quan đến công việc. Còn dưới đây là một số điểm yếu không thể chấp nhận được cho một số công việc:
 Kế toán: Không cẩn thận
 Content Marketing: Sai chính tả
 Chuyên viên tư vấn: Giao tiếp chưa tốt
 Các công việc phải di chuyển ngoài đường nhiều: Không biết lái xe
Nhân viên chăm sóc khách hàng/dịch vụ khách hàng: Nóng tính

>> Những đều nên – không nên khi phỏng vấn

Hy vọng các chia sẻ trên sẽ hữu ích cho các em khi lần đầu xin việc. Đừng run, đừng ngại khi được nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu nhé.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe https://bit.ly/TTVD-HoiDap


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý