Tân sinh viên mới lên đại học thường sẽ có nhiều bỡ ngỡ, lăn tăn xoay quanh chuyện điểm số, đánh giá kết quả học tập. Nhiều bạn sinh viên năm nhất khá bất ngờ khi thấy điểm trung bình môn học của mình được tự động quy đổi sang dạng chữ A, B, C, D, F. Nghe đồn rằng F là rớt môn phải học lại, còn các điểm chữ khác là qua môn. Còn điểm D thì mấp mé ở mức nguy hiểm, rớt xuống một tí là toang rồi. Ngoài ra, một số trường còn có cả điểm D+ nữa, điều này khiến các bạn tân sinh viên dễ bị rối, các em thắc mắc rằng điểm D và D+ khác nhau như thế nào, làm sao để phân biệt, quy đổi thành bao nhiêu điểm? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Sinh viên bị điểm D thì phải làm sao, có học lại không?
Chuyện quy đổi thang điểm 10 sang điểm chữ, điểm 4
Thông thường, điểm trung bình môn học sẽ được tính trên thang điểm 10, sau đó, sẽ được tự động quy đổi sang thang điểm chữ A, B, C, D, F theo quy ước chung và thể hiện trong bảng điểm, trong học bạ của sinh viên đại học. Riêng các môn điểm F được đánh giá là rớt môn, nợ môn, sinh viên cần phải học lại để qua môn thì mới đủ điều kiện để xét tốt nghiệp, trên bảng điểm sau này sẽ thể hiện điểm của lần mà sinh viên đã học lại và qua môn, chứ không ghi rằng môn đó đã từng bị điểm F, từng bị rớt môn.
Tiếp đến, để tính điểm trung bình học kỳ và điểm trung bình tích luỹ của sinh viên, thì điểm trung bình môn học sẽ được quy đổi từ dạng chữ sang thang điểm 4. Nếu kết quả điểm từ 3.60 trở lên, thì sinh viên sẽ được xếp loại học lực xuất sắc, từ 3.20 tới 3.59 sẽ đạt loại giỏi, từ 2.50 tới 3.19 là loại khá, từ 2.00 tới 2.49 sẽ xếp loại trung bình.
Cách quy đổi điểm khi trường chỉ có điểm D
Nếu trường mà sinh viên đang theo học không có điểm D+, mà chỉ có điểm D thôi, thì khi điểm trung bình môn học trên thang điểm 10 nằm trong khoảng 4.0 tới 5.4, thì sẽ được quy đổi thành điểm D. Và điểm chữ loại D khi quy đổi sang thang điểm 4 sẽ chỉ được 1.0 mà thôi, đây là mức điểm cực kỳ thấp, suýt nữa là bị rớt môn luôn rồi, và sẽ tác động xấu tới điểm trung bình học kỳ và điểm trung bình tích luỹ của sinh viên, kéo kết quả học tập của các em xuống mức nguy hiểm.
>> Học cải thiện xong điểm trung bình học kỳ cũ có thay đổi không?
Cách quy đổi điểm khi trường có cả điểm D và D+
Nếu trường mà sinh viên theo học có thêm các mức điểm chữ A+, B+, C+, D+, thì cách quy đổi điểm D và D+ sẽ có một chút khác nhau như sau. Điểm trung bình môn học trên thang điểm 10 từ 5.0 tới 5.4 sẽ quy đổi thành D+, từ 4.0 tới 4.9 sẽ quy đổi thành D, vậy là điểm chữ loại D+ sẽ cao hơn D 1 bậc. Tiếp đến, khi chuyển sang thang điểm 4, thì D+ được quy đổi thành 1.5, còn D sẽ quy đổi thành 1.0 – Sau khi nắm được cách quy đổi điểm trong cả 2 trường hợp, thì sinh viên cũng hình dung tương đối rõ hơn về điểm D và D+, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ làm rõ cách phân biệt xem điểm D và D+ khác nhau như thế nào?
Cách phân biệt điểm D và D+ khác nhau như thế nào?
Điểm khác nhau đầu tiên giữa điểm D và D+ chính là điểm D lúc nào cũng có, còn điểm D+ có hay không sẽ tuỳ thuộc vào quy chế riêng của từng trường đại học. Tiếp theo, phân biệt về mức điểm đánh giá thì D+ sẽ cao hơn D 1 bậc, với các trường có song song cả điểm D và D+, khi quy đổi từ thang điểm 10 sang điểm chữ, thì D sẽ từ 4.0 tới 4.9 là mức điểm dưới trung bình, còn D+ sẽ từ 5.0 tới 5.4 mặc dù cũng không cao lắm, nhưng đây là khoảng điểm trên trung bình. Đồng thời, khi quy đổi sang thang điểm 4 thì D+ cũng sẽ có lợi thế hơn, được quy đổi thành 1.5, còn D chỉ quy đổi thành 1.0, chênh lệch nhau gấp rưỡi.
Để hình dung rõ hơn sự khác nhau về chuyện đánh giá học lực, sự tác động của D và D+ tới kết quả điểm trung bình học kỳ của sinh viên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ví dụ sau đây. Giả sử trong học kỳ đó, sinh viên theo học 4 môn, với kết quả lần lượt như sau:
- Môn thứ 1: Đạt điểm C+ có 2 tín chỉ -> quy đổi thành 2.5 trên thang điểm 4;
- Môn thứ 2: Đạt điểm C+ có 2 tín chỉ -> quy đổi thành 2.5 trên thang điểm 4;
- Môn thứ 3: Đạt điểm C có 2 tín chỉ -> quy đổi thành 2 trên thang điểm 4;
- Môn thứ 4: Có 3 tín chỉ.
Giả sử môn thứ 4 đạt điểm D, sẽ quy đổi thành 1 trên thang điểm 4.
Khi đó, điểm trung bình học kỳ = (2.5*2 + 2.5*2 + 2*2 + 1*3) / (2+2+2+3) = 1.89 -> Xếp loại Yếu
Giả sử môn thứ 4 đạt điểm D+, sẽ quy đổi thành 1.5 trên thang điểm 4.
Khi đó, điểm trung bình học kỳ = (2.5*2 + 2.5*2 + 2*2 + 1.5*3) / (2+2+2+3) = 2.06 -> Xếp loại Trung bình
Vậy là chỉ cần một chút khác biệt, ráng nâng điểm môn học lên D+ thay vì điểm D thôi, thì điểm trung bình học kỳ của sinh viên trong ví dụ trên đã tăng lên đáng kể, kéo học lực từ loại Yếu (không đủ điều kiện tốt nghiệp) lên loại Trung bình. Điều này giúp sinh viên hình dung rõ hơn về sự khác biệt giữa điểm D và D+ khi đánh giá kết quả học tập, tất nhiên, tốt nhất thì các em nên ráng đạt điểm ở mức khá giỏi, nhưng nếu nhận thấy mình chưa đủ khả năng hoặc môn học đó khó quá, thì cũng ráng nhích lên mức D+, tránh để mình có quá nhiều điểm D vì nó sẽ kéo kết quả học tập của mình xuống khá nhiều.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách phân biệt điểm D và D+ khác nhau như thế nào và chúng được quy đổi thành bao nhiêu điểm? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em.
>> 5 lầm tưởng của sinh viên về việc học cải thiện
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.