Đâu Là Thử Thách Khó Khăn Nhất Của Sinh Viên Đại Học?

Rất nhiều áp lực vô hình đang đè nặng trên vai sinh viên đại học, mỗi người sẽ có hoàn cảnh riêng, góc nhìn riêng, và phải đối mặt với những thử thách riêng trong chặng đường tích luỹ kiến thức trên ghế nhà trường. Chính vì thế, khi đứng trước câu hỏi “Đâu là thử thách khó khăn nhất của sinh viên đại học?”, thì mỗi bạn sẽ tự có câu trả lời của riêng mình, dựa trên quan điểm và những lập luận của riêng mỗi người, nhưng thường sẽ xoay quanh một số điều sau:

>> Sinh viên bị rớt chuyên ngành, trượt nguyện vọng thì phải làm sao?

Xét chuyên ngành là thử thách khó khăn đầu tiên

Khi bước chân vào môi trường đại học, bỏ qua chuyện phải cố gắng thích nghi, làm quen với nhiều khái niệm mới, nhiều điều bỡ ngỡ, khác biệt giữa đại học so với cấp 3, thì thử thách khó khăn đầu tiên mà sinh viên phải đối mặt chính là xét chuyên ngành. Việc này bao gồm 2 bước: Chọn chuyên ngành và xét chuyên ngành.

Đầu tiên, đứng trước nhiều ngành học khác nhau, sinh viên phải có sự tìm hiểu, cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng trên nhiều phương diện để có thể chọn ra chuyên ngành phù hợp nhất với mình, ngành mà mình có thể theo đuổi và gắn bó lâu dài khi ra trường đi làm, chứ không nên chọn theo sở thích nhất thời rồi sau một thời gian lại đổi ý. Tiếp theo, khi đã chọn được chuyên ngành phù hợp, sinh viên phải đối mặt thêm với thử thách khó khăn là xét chuyên ngành, dựa trên mức điểm của mình, tức là nếu muốn tăng cơ hội đậu vào chuyên ngành mong muốn, thì sinh viên phải cố gắng sao cho điểm xét chuyên ngành của mình ở mức khá – ổn, chứ điểm thấp quá sẽ gặp nhiều bất lợi, có thể bị trượt chuyên ngành.

Khó khăn khi lần đầu đứng thuyết trình trước lớp

Khi lần đầu đứng thuyết trình trước lớp, sinh viên đại học cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, và đây thật sự là một thử thách không hề dễ dàng, nhất là với những bạn chưa tự tin vào khả năng giao tiếp của bản thân, dễ bị run khi đứng trước đám đông, khi có rất nhiều người đang chăm chú nhìn mình. Thậm chí, không ít sinh viên cực kỳ lo sợ đến nỗi có xu hướng né tránh, không dám xung phong làm người thuyết trình, mà chỉ phụ trách làm nội dung, làm slide,…

Tuy nhiên, các em không thể trốn tránh mãi được, thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm quan trọng, cần thiết cho công việc sau này. Những buổi thuyết trình nhóm trước lớp chính là cơ hội để các em được thử thách bản thân, vượt ra khỏi vùng an toàn, để biết được mình còn những thiếu sót gì, rồi dần tìm cách khắc phục, chứ không nên thấy khó khăn thì né tránh, vì như thế thì đến bao giờ mình mới tiến bộ được? Sau này ra trường đi làm, bạn bè xung quanh người ta mạnh dạn thuyết trình, trong khi mình cứ luôn im lặng, mờ nhạt thì sẽ khó lòng thăng tiến.

>> Quá mệt mỏi chuyện học hành, thi cử thì phải làm sao?

Áp lực thi cuối kỳ với nhiều kiến thức phải ôn tập

Thi cuối kỳ là điều không quá lạ lẫm đối với sinh viên, vì các em đã phải liên tục đối mặt với chuyện thi cử từ khi còn học cấp 1, 2, 3, chứ không phải tới khi lên đại học mới phải thi cuối kỳ. Tuy nhiên, độ khó, độ phức tạp và áp lực thi cuối kỳ ở đại học sẽ ở một mức độ cao hơn nhiều, là thử thách khó khăn hơn nhiều so với hồi cấp 3. Đầu tiên, sinh viên đại học sẽ phải đối mặt với rất nhiều môn học khó, kiến thức phức tạp, thậm chí đa số sẽ là những môn mà mình chưa từng được học, chưa từng tiếp xúc trước đây. Các em phải thật sự tập trung cao độ, nỗ lực rất nhiều thì mới có thể hiểu bài, nắm vững kiến thức, mà khi đó cũng chưa chắc sẽ đạt điểm cao trong bài thi, vì đề thi ở đại học luôn ở một cấp độ cao hơn so với khi sinh viên học trên lớp, và thường sẽ có thêm những câu nâng cao, cần những ví dụ thực tiễn bên ngoài sách vở.

Sinh viên đối mặt với nhiều thử thách khi đi thực tập

Vào cuối năm 3, đầu năm 4, sinh viên đại học sẽ phải tiếp tục đối mặt với một thử thách khó khăn, đó chính là đi thực tập tại doanh nghiệp. Điều này khiến không ít sinh viên cảm thấy hoang mang, lo lắng, không biết khi đi thực tập mình sẽ được giao cho đảm nhiệm những công việc nào, lo rằng mình có làm tốt không, có ổn không, hoặc khi được training, hướng dẫn thì có tiếp thu nhanh không? Thậm chí, có nhiều sinh viên tự hỏi rằng có nhất thiết phải đi thực tập không, vì cứ nghĩ tới là thấy mệt, thấy áp lực. Tuy nhiên, các em hãy thay đổi góc nhìn theo hướng tích cực hơn, hãy xem chuyện đi thực tập chính là cơ hội quý giá để mình được cọ xát với công việc thực tế, được ứng dụng các kiến thức đã học vào trong các nghiệp vụ công việc thực tiễn, nhằm đánh giá khách quan xem bản thân mình đang có những ưu nhược điểm nào, đã đủ khả năng để ra trường đi làm, thích nghi với công việc chưa? Từ đó, sinh viên sẽ kịp thời có những giải pháp để điều chỉnh, khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, hoàn thiện năng lực bản thân trước khi ra trường.

>> Thực tập kéo dài mấy tháng, sau bao lâu xin được dấu mộc?

Khoá luận tốt nghiệp là thử thách khó khăn trước khi ra trường

Chưa dừng lại ở đó, sau khi vất vả vượt qua kỳ thực tập, sinh viên đại học lại phải tiếp tục đối mặt với một thử thách khó khăn khác trước khi ra trường, đó chính là khóa luận tốt nghiệp. Thậm chí, nhiều sinh viên còn không ngần ngại khẳng định rằng khóa luận tốt nghiệp chính là thử thách khó khăn nhất ở đại học, khiến các em cực kỳ áp lực, nặng đầu, phải dồn rất nhiều thời gian, tâm huyết, thì mới có thể hoàn thành bài làm của mình, mà cũng chưa chắc sẽ được điểm cao, vì giảng viên sẽ chấm điểm khoá luận rất gắt gao, đòi hỏi phải dung hoà được giữa cơ sở lý thuyết, tình huống thực tiễn để đưa ra được những giải pháp, phương án tối ưu nhất cho bài làm, và tất nhiên phải đúng nội dung, không được lạc đề, dài dòng, lan man. Dẫu biết khóa luận tốt nghiệp là một thử thách khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với các bài tiểu luận mà mình từng làm trước đây, nhưng sinh viên cũng đừng quá lo lắng, vì các anh chị khoá trên đều vượt qua được, chứ nó không khó tới nỗi khiến các em chùn bước đâu, hãy tự tin và cố gắng hết mình nhé!

Bài viết này đã điểm qua một số thử thách khó khăn mà sinh viên đại học phải đối mặt, tuỳ bản thân mỗi người sẽ tự có sự so sánh, đánh giá để chọn ra đâu là thử thách khó nhất, áp lực nhất, khiến mình toát mồ hôi nhiều nhất. Tuy nhiên, các em đừng vì thế mà lo lắng quá mức, mà hãy mạnh dạn đối mặt, tập trung và nỗ lực hết mình để vượt qua, để chinh phục các thử thách này nhé. Chúc các em thành công!

>> 5 lý do khiến khoá luận tốt nghiệp bị trừ điểm

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Tân Sinh Viên Thấy Mình Học Kém Thì Phải Làm Sao?

Học Song Ngành & Văn Bằng 2 Khác Nhau Thế Nào?

Sinh Viên Thuê Trọ Ở Ghép & Cách Chọn Bạn Cùng Phòng