Có nhiều lúc chúng ta rơi vào cảm giác lăn tăn, mông lung giữa 2 hướng đi, 2 phương án, mà không biết nên nghiêng hẳn về bên nào, tự dưng phải lựa chọn 1 trong 2. Có một tình huống lựa chọn khó nhằn, mà cũng khá phổ biến khi đi làm, với nhiều luồng quan điểm trái chiều, đó là đi làm để kiếm tiền hay để học hỏi, lấy kinh nghiệm? Hầu như quan điểm nào cũng có những lý lẽ, lập luận riêng, hãy cùng phân tích trên nhiều khía cạnh để giải đáp băn khoăn này nhé!
>> Cách ước lượng mức lương theo số năm kinh nghiệm làm việc
Đi làm để kiếm tiền có đúng không?
Đi làm để kiếm tiền, đây là quan điểm chung của rất nhiều người, và chúng ta khó lòng phủ nhận được điều này, tức là chẳng ai có thể khẳng định rằng tiền bạc không quan trọng, tôi đi làm công ty trả lương sao cũng được, đi làm không quan trọng tiền lương,… hoặc nếu có nói ra, thì đó cũng chỉ là lời nói gió bay để lấy lòng nhà tuyển dụng, chứ trong đầu bạn không cùng quan điểm ấy, thực tế bạn vẫn quan trọng tiền lương, vẫn đi làm để kiếm tiền. Thậm chí, cho dù nhà có điều kiện, không đi làm hoặc đi làm không lương cũng đủ sống, nhưng bạn vẫn đi làm để kiếm tiền, để có thu nhập hàng tháng, tự trang trải chi tiêu cá nhân, chứ cũng không muốn lớn rồi mà lại phụ thuộc vào tiền bạc của gia đình.
Ở một góc nhìn khác, đối với sinh viên đi thực tập, mặc dù các em chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng chỉ đảm nhiệm được các đầu việc đơn giản, và đề cao tinh thần thực tập để học hỏi, tuy nhiên, các em vẫn muốn chọn công việc thực tập có lương, vì mình cũng bỏ công sức ra làm việc, cũng tạo ra được giá trị, dù ít ỏi, nhưng khi có lương thì cũng là một cách để công nhận những gì mình đã làm được, chứ đi thực tập không lương thì cũng nản lắm.
Vì sao nhiều người muốn đi làm để lấy kinh nghiệm?
Đa số chúng ta đều muốn đi làm để kiếm tiền, tuy nhiên, nhiều người cũng quan trọng chuyện đi làm để lấy kinh nghiệm. Đây cũng là điều hoàn toàn bình thường, vì khi bạn tập trung hoàn thành tốt công việc, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm việc, thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ gia tăng năng lực bản thân, trở thành nhân viên xuất sắc và mở rộng cơ hội được tăng lương, thăng tiến trong tương lai. Chính vì thế, dù là sinh viên mới ra trường, hay người đã đi làm lâu năm, thì ít nhiều gì cũng đều sẽ nỗ lực làm việc để tích luỹ kinh nghiệm, nhất là ở những nghiệp vụ chuyên môn mà mình chưa nắm, chưa thành thạo. Đây vừa là cách để mình học hỏi, nâng cao năng lực, vừa để khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân, bứt phá ra khỏi vùng an toàn, và giúp chuyện đi làm trở nên ý nghĩa hơn, tránh việc cứ lặp đi lặp lại công việc cũ một cách nhàm chán, đi làm lâu năm mà chẳng tiến bộ, vẫn giậm chân tại chỗ.
>> Công ty đãi ngộ tệ, không như kỳ vọng thì phải làm sao?
Đi làm để kiếm tiền hay để học hỏi, lấy kinh nghiệm?
Đi làm để kiếm tiền là một quan điểm chính xác, nhưng đi làm để học hỏi, lấy kinh nghiệm cũng không sai. Giữa việc phải lựa chọn một trong hai, thì tại sao bạn không cố gắng dung hoà cả 2 yếu tố, vừa cố gắng làm việc, hoàn thành thật tốt công việc để kiếm được nhiều tiền, có cơ hội tăng lương, vừa toàn tâm toàn ý làm việc, vừa làm vừa học hỏi, lấy kinh nghiệm để trau dồi bản thân, nâng cao năng lực làm việc? Bạn có quyền lựa chọn cả 2, nhưng điều quan trọng rằng sau khi chọn xong, bạn cần phải làm gì, nỗ lực ra sao để có thể dung hoà cả 2 yếu tố ấy, tức là nói được thì phải làm được, lời nói cần phải đi đôi với hành động, chứ không đơn thuần chỉ nói suông cho vui, cho oai. Vậy làm thế nào để bạn vừa hoàn thành tốt công việc để kiếm được nhiều tiền, vừa học hỏi, lấy kinh nghiệm để nâng cao năng lực bản thân?
Vừa làm tốt công việc, vừa nâng cao năng lực
Thật ra, nếu để ý và phân tích kỹ, thì bạn sẽ thấy rằng chuyện kiếm tiền và học hỏi, lấy kinh nghiệm nó sẽ có sự liên quan tới nhau. Một khi bạn tập trung cho công việc, làm việc bằng cái tâm, luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành những việc được giao, thì tất nhiên bạn sẽ mang lại kết quả công việc tốt, đạt KPI, đúng deadline, và kiếm được nhiều tiền.
Song song đó, bạn tự dưng cũng sẽ học hỏi, tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong từng việc mình làm, càng làm thêm những nhiệm vụ mới, bạn sẽ càng học hỏi, gia tăng năng lực bản thân, càng am hiểu hơn về lĩnh vực mình đang làm việc, thì bạn sẽ càng được công ty trọng dụng, với cơ hội tăng lương và thăng tiến rộng mở, và chính điều này cũng sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Tóm lại, chuyện học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và kiếm tiền là những điều tương quan với nhau, bổ trợ lẫn nhau, bạn hoàn toàn có thể đạt được cả 2 mục tiêu ấy, chứ không nhất thiết phải chọn 1 trong 2. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Thấy đồng nghiệp làm sai thì nhắc nhở hay bỏ qua?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.