Bạn cố gắng làm việc, tập trung, nỗ lực để mang lại kết quả làm việc tốt. Điều này giúp bạn có được chỗ đứng trong công ty và được nhiều đồng nghiệp công nhận năng lực. Nhưng bạn vẫn cảm thấy có gì đó sai sai, thấy sếp thiên vị nhân viên thân cận, tạo nhiều điều kiện cho họ phát triển hơn mình. Dù bạn chẳng bị chèn ép, công việc của bạn vẫn ổn, nhưng người kia dường như lại được thiên vị quá nhiều. Vậy bạn phải làm sao trong trường hợp này?
>> Phải làm sao khi có sự bất công, thiên vị khi đi làm?
Thiên vị nhân viên thân cận từ những việc nhỏ
Ban đầu, sếp chỉ thiên vị nhân viên thân cận từ những việc nhỏ, điều này khiến mọi người cảm thấy bình thường, thậm chí chẳng ai nhận ra sự khác biệt. Vì vốn dĩ đó là nhân viên thân cận, là người hiểu sếp và làm việc ăn ý với sếp mà, thì họ tương tác nhiều hơn, phối hợp nhiều hơn với nhau trong công việc cũng là điều bình thường thôi. Nhiều khi công việc đó khá đơn giản, bạn hoặc những đồng nghiệp khác trong phòng ban cũng hoàn toàn có thể làm được, nhưng cấp trên nghĩ rằng giao nó cho nhân viên thân cận thì sẽ xử lý nhanh hơn, an tâm hơn. Nhưng 2-3 lần thì có thể được xem là bình thường, còn nếu thiên vị nhân viên thân cận quá nhiều lần, thì cho dù đó là những việc nhỏ, cũng sẽ sớm khiến mọi người lưu tâm và cảm thấy có gì đó không ổn, hình như cấp trên đang cố tình ưu ái người đó hơn mức bình thường.
Càng lúc càng thấy sếp thiên vị rõ hơn
Thật ra, khi sếp thiên vị với những hành động nhỏ, thì mọi người sẽ chẳng ai dám nói gì, vì mắc công lại bị nói là “chuyện bé xé ra to”, không lo tập trung làm việc mà suốt ngày đi soi mói, rồi tự dưng mình lại bị trách ngược lại. Chính điều này đã khiến cho cấp trên càng đắc chí hơn và tiếp tục những hành động ưu ái của mình với nhân viên thân cận, càng lúc càng thấy sếp thiên vị rõ hơn… Đồng ý rằng khi đi làm thì nên tập trung làm việc của mình, phải ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ của mình thật tốt, chứ không nên quá soi xét những điều xung quanh. Nhưng thật ra để bạn có thể thoải mái làm việc, gắn bó lâu dài và sẵn sàng cống hiến hết mình cho công ty thì bạn cần được đối xử một cách công bằng. Chính vì thế, không ít người đã bạo dạn “hỏi nhỏ”, “hỏi khéo”, để xem cấp trên trả lời như thế nào về những hành động ưu ái đó.
>> Phải làm sao khi bị cấp trên chèn ép, đối xử không công bằng?
Sếp luôn biết cách giải thích cho hành động thiên vị
Nhưng tiếc là sếp sẽ luôn biết cách giải thích cho hành động thiên vị của mình, họ sẽ có sẵn câu trả lời trong đầu trước khi làm bất kỳ hành động nào, khi an tâm rằng mình có câu trả lời hợp tình hợp lý, thì họ mới hành động. Đâu phải tự dưng mà họ được ngồi ở vị trí quản lý, manager,… cái đầu của họ không hề tầm thường đâu. Nhưng thật sự một môi trường làm việc thiếu sự công bằng như thế, thì sẽ dễ khiến nhân viên bị ức chế. Nếu một mình bạn cảm thấy sự thiên vị, thì có thể cho là bạn cảm tính, nhưng nếu những đồng nghiệp xung quanh cũng cảm nhận được điều đó, thì đó là sự thật. Vậy nếu đi làm mà thấy sếp thiên vị nhân viên thân cận một cách quá mức thì phải làm sao?
Thấy sếp thiên vị nhân viên thân cận thì phải làm sao?
Im lặng sẽ không phải là giải pháp hay, vì nó chỉ khiến bạn tạm quên đi điều đó một vài ngày, rồi sau này, khi tiếp tục chứng kiến những hành động ưu ái khác trong tương lai, thì bạn cũng sẽ tiếp tục bất mãn và khó lòng tập trung hoàn thành tốt công việc. Giải pháp phù hợp nhất chính là bạn nên note lại những lần mình thấy sếp có hành động thiên vị nhân viên thân cận, kèm theo giải thích và chứng cứ rõ ràng, thuyết phục. Sau đó, trao đổi với một số đồng nghiệp xung quanh để xác nhận rằng mình có nhận định đúng, khách quan, chứ không phải cảm tính, không có bất kỳ sự hiểu lầm nào.
Sau đó, bạn cần hẹn cấp trên một buổi trao đổi riêng, nhằm chia sẻ về quan điểm làm việc, rằng bạn không mong muốn gì quá nhiều, chỉ mong được làm việc trong một môi trường lành mạnh, công bằng, mọi nhân viên đều được tạo điều kiện để phát triển như nhau, chứ không muốn những cố gắng của mình chỉ mãi nằm trong bóng tối, còn người kia lại luôn được tạo điều kiện, luôn được tôn vinh từ những thành tựu nhỏ nhất. Hãy chia sẻ một cách cởi mở, mang tính xây dựng, chứ không nhằm mục đích chỉ trích cấp trên, phê phán môi trường làm việc của công ty.
Đây có thể là một cuộc trao đổi khá liều lĩnh, nhưng bạn nên thực hiện, vì nó sẽ giúp bạn tháo gỡ những khúc mắc trong lòng, cấp trên cũng sẽ hiểu rõ hơn về cảm xúc, mong muốn, nguyện vọng của bạn, nhiều khả năng họ sẽ có những điều chỉnh về cách làm việc sao cho phù hợp và công bằng hơn. Còn nếu sau khi trao đổi mà bạn bị ghét, bj cấp trên gây khó dễ, thì đây thật sự là một môi trường làm việc toxic, bạn nên sớm tìm một công việc mới tốt hơn, nơi mà mình được đối xử công bằng hơn, tạo điều kiện tốt hơn để phát triển bản thân và đóng góp nhiều giá trị hơn cho công ty.
>> 8 áp lực công việc bạn phải đối mặt khi đi làm kiếm tiền
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.