Điều Gì Quan Trọng Nhất Khi Sinh Viên Sắp Ra Trường?

Sinh viên năm cuối sắp ra trường tự dưng sẽ có nhiều lo lắng khiến mình đau đầu, vì đây là giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ quan trọng, vừa phải tập trung nỗ lực để hoàn thành tốt các môn học cuối cùng, vừa phải chuẩn bị đầy đủ hành trang để mình tự tin ứng tuyển việc làm khi ra trường sau này. Khi đó, các em sẽ có nhiều băn khoăn cần tìm lời giải đáp, một trong số đó chính là điều gì quan trọng nhất khi sinh viên sắp ra trường?

>> Ra trường thất nghiệp vì không đáp ứng các nhu cầu nào của nhà tuyển dụng?

Những nỗi lo của sinh viên sắp ra trường

Khi sắp tốt nghiệp ra trường, sinh viên năm cuối sẽ thường trong trạng thái căng thẳng đầu óc, ngập chìm trong những nỗi lo về nhiều vấn đề khác nhau. Về chuyện học tập, các kiến thức chuyên ngành năm cuối sẽ cực kỳ quan trọng, và cũng không kém phần phức tạp, với khối lượng lớn, đòi hỏi sinh viên phải cực kỳ tập trung, nghiêm túc học tập thì mới có thể hiểu bài, và nắm vững kiến thức. Hoặc khi sắp tốt nghiệp ra trường, nếu đặt mục tiêu sẽ tốt nghiệp với tấm bằng đại học loại giỏi, nhưng thực tế điểm trung bình tích luỹ của mình lại chỉ đang ở mức khá, thì sinh viên năm cuối sẽ càng hoang mang, áp lực nhiều hơn, rằng mình nhất định phải đạt điểm cao trong các môn học cuối, sao cho đủ để kéo điểm trung bình lên mức giỏi, và tất nhiên hành trình đưa học lực từ khá lên giỏi trong giai đoạn nước rút là điều không hề đơn giản.

Tiếp theo, sinh viên mới ra trường cũng sẽ lo lắng về chuyện ra trường đi làm sau này. Có thể các em từng đi làm thêm part time khi còn là sinh viên, nhưng khi ra trường đi làm ở công ty thì sẽ có nhiều khác biệt, công việc phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn cao, tiêu chuẩn cao, rồi phải áp lực KPI, deadline, sẽ khiến các em càng nghĩ càng lo lắng hơn. Thậm chí nhiều sinh viên còn trầm trọng hoá vấn đề, lo sợ rằng mình sẽ loay hoay mãi mà không tìm được việc làm, phải đối mặt với rủi ro bị thất nghiệp, hoặc phải chịu làm những công việc không đúng chuyên ngành. Song song đó, cũng có một số sinh viên lo ngại rằng mình sẽ thể hiện chưa tốt trong các vòng ứng tuyển, vì chưa có nhiều kinh nghiệm viết CV, phỏng vấn, sợ lỡ mình mắc phải một số lỗi sai khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt.

Điều gì quan trọng nhất khi sinh viên sắp ra trường?

Thật ra, các em lo lắng những điều này là chuyện bình thường, càng lo lắng thì mình sẽ càng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chứ nếu vô tư vô lo quá thì cũng không tốt. Chính từ những nỗi lo ấy, sinh viên sắp ra trường sẽ tự suy ra được rằng bản thân mình đang còn thiếu sót những gì, cần trau dồi, rèn luyện thêm những gì để hoàn thiện bản thân hơn, và từ đó cũng có thể xác định được rằng điều gì mình cần chú tâm, điều gì quan trọng nhất khi sinh viên sắp ra trường?

Mỗi người mỗi góc nhìn khác nhau, định hướng và mục tiêu phát triển cũng khác nhau, nên khi xác định điều gì quan trọng nhất, thì sinh viên mới ra trường mỗi bạn cũng sẽ có những câu trả lời riêng, dưới đây là một số điều thường gặp:

  • Xếp loại tốt nghiệp quan trọng nhất với sinh viên sắp ra trường, đây cũng có vẻ là quan điểm hợp lý, vì các em chưa có kinh nghiệm làm việc, nên tốt nghiệp loại giỏi/xuất sắc sẽ giúp làm đẹp CV xin việc -> Nhiều sinh viên đặt ra cho mình mục tiêu này, và nỗ lực chạy nước rút trong giai đoạn sắp ra trường, cân đong đo đếm sao cho đủ điểm;
  • Vững kiến thức chuyên ngành quan trọng nhất với sinh viên sắp ra trường, vì các em cho rằng nhà tuyển dụng sẽ quan trọng kiến thức hơn là điểm số, ai vững kiến thức hơn sẽ thành công hơn, chứ so sánh mức điểm thì cũng không nói được gì -> Sinh viên sắp ra trường sẽ dành thời gian nhìn lại xem bản thân mình còn chưa vững ở đâu, cần trau dồi thêm các mảng kiến thức chuyên môn nào, rồi tập trung nỗ lực cho mục tiêu ấy;
  • Có định hướng nghề nghiệp rõ ràng là điều quan trọng nhất với sinh viên sắp ra trường, đây cũng là điều hợp lý vì khi có định hướng đúng đắn, thì các em mới có hứng thú để theo đuổi, gắn bó và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai -> Sinh viên dành thời gian tham gia các ngày hội hướng nghiệp, các buổi hội thảo chia sẻ định hướng nghề nghiệp cho sinh viên năm cuối sắp ra trường;
  • Thành thạo các kỹ năng mềm liên quan tới công việc cũng là điều được nhiều sinh viên sắp ra trường quan tâm, vì chúng sẽ giúp các em nhanh chóng thích nghi, làm quen và hoàn thành công việc một cách thuận lợi hơn, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống…

>> Điểm GPA cao có lợi thế nào khi sinh viên ra trường?

Mình còn nhiều thiếu sót, làm sao để nhanh chóng trau dồi?

Khi tự hình dung được điều gì quan trọng nhất với mình, thì không ít sinh viên sắp ra trường cảm thấy hoang mang, lo lắng, nhất là khi thấy bản thân mình còn nhiều thiếu sót, chưa đầy đủ hành trang cần thiết để tự tin ứng tuyển việc làm, sợ rằng năng lực mình chưa đủ để cạnh tranh với các ứng viên tiềm năng khác.

Thật ra, lo lắng là tâm trạng bình thường, là cảm xúc chung của sinh viên, vì đây là giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời, là lúc mà mình sắp bước ra khỏi giảng đường đại học, ra trường đi làm, bắt đầu một hành trình mới nhiều khó khăn, thử thách hơn, đòi hỏi mình phải mạnh mẽ và vững vàng năng lực hơn. Tuy nhiên, các em không nên để sự lo lắng lấn át quá mức, đến nỗi khiến mình suy nghĩ quá nhiều, làm trầm trọng hoá vấn đề, vì như thế sẽ khiến mình dễ bị stress, lúc nào cũng mệt mỏi, căng thẳng tinh thần, khó lòng tập trung để trau dồi, hoàn thiện bản thân.

Thay vào đó, sinh viên nên dành thời gian để liệt kê toàn bộ những thiếu sót của bản thân, đánh dấu mức độ ưu tiên, dành thời gian trau dồi lần lượt, từ những điều quan trọng nhất, liên quan nhiều nhất tới công việc, rồi sau đó sẽ mở rộng dần thêm tới những điều khác. Tức là các em không nên ôm đồm quá nhiều điều cùng lúc, mà hãy trau dồi lần lượt để tránh bị quá tải. Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ, thì các em cần tập trung cao độ, nỗ lực hết mình, tránh để bản thân mình bị xao nhãng bởi những chuyện không liên quan, thời gian càng gấp gáp, càng ít, thì mình càng phải tập trung nhiều hơn.

Ra trường rồi dần hoàn thiện bản thân sau có được không?

Khi thấy bản thân có quá nhiều thiếu sót, khó lòng trau dồi được hết toàn bộ trước khi tốt nghiệp, một số sinh viên đã nghĩ ngay tới giải pháp rằng cứ tạm gác lại một số điều, để ra trường rồi dần hoàn thiện bản thân sau, liệu điều đó có khả thi không? Chuyện này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như số lượng những điều mà các em “để dành” tới khi ra trường hoàn thiện sau có nhiều không, mức độ quyết tâm của các em ra sao, có sắp xếp được đủ thời gian để trau dồi chúng không, hay là khi đang đi làm, quá lu bu với công việc, quá nhiều việc liên tiếp kéo đến, thì liệu mình có thể hoàn thiện được chúng không? Khi trả lời được tất cả những điều này theo hướng ổn áp, thì khi ra trường rồi, mình vẫn có thể dành thời gian hoàn thiện bản thân sau, nếu bản thân các em đủ quyết tâm, bản lĩnh để theo đuổi.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, ở thời điểm hiện tại khi sắp ra trường, sinh viên hãy cố gắng hết mình, nỗ lực rèn luyện được càng nhiều càng tốt, nhiều nhất có thể, tránh việc mang tâm lý ỷ lại, để dồn tới khi ra trường rồi hoàn thiện sau, khi đó sẽ dễ bị quá tải, dẫn tới rủi ro đổ bể, chẳng làm được gì, chẳng rèn luyện được gì ra hồn.

Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng điều gì quan trọng nhất đối với sinh viên sắp ra trường, và gợi ý một số giải pháp để trau dồi những điều còn thiếu sót. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Sinh viên mới ra trường tìm việc làm có khó không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?