Chúng ta thường cho rằng có càng nhiều bạn bè càng tốt, khi có việc cần thì những người bạn ấy sẽ giúp đỡ, càng nhiều bạn thì càng được nhiều người giúp đỡ, chia sẻ, động viên trong những lúc khó khăn. Nhưng thực tế lại không như vậy, khi vui thì có rất nhiều bạn bè xung quanh, nhưng đến khi buồn, thì số lượng bạn bè ở cạnh thường sẽ ít hơn. Vậy thay vì chơi với càng nhiều bạn, thì chúng ta cần phải biết chọn bạn mà chơi sao cho đúng, đồng thời, hãy chọn cho mình những người bạn chất lượng, chân thành, có nhiều tính tốt, vì gần mực thì đen, gần đèn thì sáng!
>> Vui thôi đừng vui quá – Bạn bè đùa giỡn quá trớn thì phải làm sao?
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng có ý nghĩa gì?
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là một câu thành ngữ quen thuộc nhằm khuyên nhủ chúng ta trong cách chọn bạn mà chơi. Khi ở gần những người bạn không tốt, chúng ta sẽ dễ bị lây những thói hư tật xấu, khiến bản thân mình trở nên tệ hơn. Ngược lại, khi chọn chơi với những người bạn có nhiều điểm tốt, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải, giúp mình trở thành một người tốt hơn, hoàn thiện bản thân hơn và tăng cơ hội gặt hái được nhiều thành công hơn, có tương lai tươi sáng hơn. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là một lời khuyên được lưu truyền từ lâu, nhưng đến hiện tại nó vẫn cực kỳ chính xác, chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này, tránh xa những người bạn xấu, lựa chọn bạn bè một cách kỹ lưỡng, để vừa học hỏi được nhiều điều tốt, vừa tránh bị bạn bè phản bội, chơi không đẹp trong tương lai.
>> Làm thế nào để sinh viên hoà nhập với bạn bè ở đại học?
Làm sao để biết ai là mực, ai là đèn, ai đen, ai sáng?
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng – Nói lý thuyết thì dễ, chứ vào thực tế thì sẽ không đơn giản như thế, bạn cần phải nhạy bén, tỉnh táo thì mới xác định được ai là mực, ai là đèn, ai đen, ai sáng, để mình còn biết đường mà tính. Vậy phải làm sao để xác định được những điều này? Nhìn thấu bản tính của người khác là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi bạn phải có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau, thì mới có thể nhạy bén trong việc nhìn người.
Nhưng thật ra, cũng có một số cách để giúp bạn dễ dàng nhận ra những người bạn không tốt, đơn cử là việc bạn chú ý quan sát xem họ đang có nhiều thói hư tật xấu không, chẳng hạn như thói lười biếng, thiếu trung thực, giờ dây thun, thiếu chí cầu tiến, soi mói, bịa đặt,… hoặc bạn cũng có thể quan sát kết quả học tập/làm việc của họ xem thế nào, có quá tệ không? Khi bạn thấy một người có quá nhiều thói quen xấu khó bỏ, rồi cũng chểnh mảng trong kết quả học tập và làm việc, thì đó chính là “mực”, nếu gần họ thì lâu dần bạn cũng sẽ quen với những tật xấu, xem những thói quen xấu ấy là điều bình thường, khiến bản thân mình tệ hơn, làm việc gì cũng đạt kết quả không tốt.
Ngược lại, nếu bạn ở gần “đèn”, chơi với những người bạn có nhiều thói quen tốt, những người giỏi, ham học hỏi, có chí cầu tiến, thì bạn cũng sẽ dần học được nhiều điều hay, điều tốt từ họ, và trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình trong tương lai. Tất nhiên, có một điều bạn cần lưu ý rằng, để những người giỏi ấy chịu chơi với mình thì chính bạn cũng phải toả ra năng lượng tích cực, tương xứng, thì họ mới chọn chơi với bạn, còn nếu bạn đang có nhiều thói quen xấu giống như “mực”, thì họ sẽ hạn chế tiếp xúc. Vậy nên chính bản thân bạn phải là người thay đổi trước tiên, khắc phục những thói xấu, phát huy những điểm mạnh, để mình trở nên tốt đẹp hơn, tích cực hơn.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về câu thành ngữ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, đồng thời, gợi ý cho bạn cách chọn bạn mà chơi sao cho đúng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Sinh viên xử lý làm sao khi bị bạn bè nói xấu sau lưng?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.