Học Kế Toán Nhưng Muốn Đi Làm Trái Ngành Thì Phải Làm Sao?

Nếu cảm thấy không phù hợp với chuyên ngành đang học, thì nhiều sinh viên sẽ nghĩ ngay tới chuyện đi làm trái ngành, tức là sau này ra trường sẽ làm việc trong ngành khác, công việc khác, chứ không làm việc đúng chuyên ngành. Liên quan tới chủ đề này, có một bạn sinh viên đã gửi băn khoăn của mình cho Tự Tin Vào Đời rằng “Em đang học ngành kế toán, vẫn chưa đi thực tập, sau này ra trường em đang hoang mang không biết nên ứng tuyển vào vị trí nào, tại ra trường em không muốn apply vào vị trí kế toán” – Vậy học kế toán nhưng muốn đi làm trái ngành thì phải làm sao?

>> Đi làm trái ngành thì điểm số và bằng đại học có quan trọng không?

Vì sao học kế toán nhưng muốn làm trái ngành?

Trước khi giải đáp băn khoăn của em, thì chính em phải tự xác định được rằng vì sao mình học kế toán nhưng lại muốn làm trái ngành? Đó là vì em không có hứng thú với chuyên ngành, cảm thấy các môn học quá khô khan, không tiếp thu được, không có một chút niềm yêu thích nào với những môn học, con số kế toán, là vì em đã tìm được một định hướng mới, một chuyên ngành khác mà mình có nhiều sự thích thú, hào hứng hơn, hay là vì sau một thời gian học thì em thấy mình chưa đủ kỹ lưỡng, bản thân đang thiếu cẩn thận, không thể nào làm công việc liên quan tới kế toán, giấy tờ, sổ sách, tiền bạc, vì sợ lỡ để xảy ra sai sót thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả trầm trọng?

Khi em đưa ra được càng nhiều nguyên nhân, thì càng chứng tỏ ràng ngành kế toán đang không hợp với mình, và đúng là em nên tìm một hướng đi mới, còn nếu em chỉ liệt kê được 1-2 nguyên nhân, nhưng không xác đáng lắm, qua ngành khác học thì lịch sử cũng lặp lại, cũng tiếp tục chán thôi, thì lúc đó em cần phải nghiêm túc hơn với việc học, tập trung, nỗ lực và chăm chỉ hơn, chứ đừng vội nghĩ tới chuyện đi làm trái ngành.

Làm trái ngành hoàn toàn, hay làm một ngành có sự liên quan?

Khi đã xác định thật sự mình muốn đi làm trái ngành, đã tìm được một chuyên ngành cụ thể mà mình muốn theo đuổi, thì em cần đánh giá xem đó là một ngành trái ngược hoàn toàn, hay là một ngành có sự liên quan tới kế toán? Chẳng hạn như em học kế toán, nhưng muốn làm trái ngành bên marketing, hoặc IT, thì thật sự là trái rất nhiều, hầu như các môn học và kiến thức sẽ không có điểm chung, và khi đó thì mình phải nỗ lực hơn rất nhiều để kịp tiếp thu những kiến thức nền tảng của ngành ấy trước khi bắt đầu hành trình đi làm trái ngành. Còn nếu em học kế toán, và muốn làm trái ngành bên tài chính, ngân hàng, kiểm toán,… những ngành liên quan tới con số, tính toán, thì sẽ có nhiều chủ điểm kiến thức tương đồng, em có thể vận dụng một số môn học của ngành kế toán cho ngành kia, đỡ phải học lại từ đầu, đó cũng là nền tảng tốt giúp em dễ dàng học thêm, mở rộng kiến thức ở ngành mới.

Trong trường hợp của em, có lẽ em cũng chưa xác định được rằng mình thật sự muốn theo đuổi chuyên ngành nào, chỉ biết rằng mình không muốn làm kế toán. Khúc mắc này chỉ có em mới tự cân nhắc và giải quyết được. Đầu tiên, hãy xác định xem mình có thật sự muốn làm trái ngành không, sau đó, hãy dành thời gian tìm hiểu, cân nhắc xem mình muốn đi làm trái ngành với ngành nào, công việc nào, rồi tiếp tục làm theo các hướng dẫn trong phần tiếp theo.

>> Làm thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển khi xin việc trái ngành?

Học kế toán nhưng muốn đi làm trái ngành thì phải làm sao?

Khi học kế toán nhưng muốn đi làm trái ngành, thì đầu tiên, em cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức nền tảng của ngành mà em muốn đi làm sau này. Như phần trước đã trình bày, nếu em làm trái ngành hoàn toàn, thì sẽ khá vất vả trong việc trau dồi, tiếp thu những kiến thức mới, còn nếu làm trái ngành trong một ngành có sự liên quan tới kế toán, thì sẽ đỡ vất vả đôi chút. Sau khi đã có kiến thức nền tảng rồi, thì em cần phải tự rèn luyện thêm một số kỹ năng mềm liên quan tới công việc, mà khi đi làm sẽ giúp mình nhanh chóng thích nghi, tăng khả năng hoàn thành tốt công việc.

Tiếp theo, em có thể xin đi thực tập trái ngành, ở chuyên ngành mà mình dự định sẽ làm việc sau này, khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng, thì em chỉ cần thể hiện rõ rằng em đã cân nhắc kỹ lưỡng, xác định đây là chuyên ngành mà mình muốn gắn bó, đã chuẩn bị trước một số kiến thức nền tảng của chuyên ngành, thì khả năng cao sẽ được nhận vào thực tập. Rồi trong quá trình đi thực tập thì hãy chịu khó quan sát, tập trung, học hỏi, để tích luỹ được càng nhiều kinh nghiệm càng tốt, đó sẽ là hành trang hữu ích để em đi tìm việc làm trái ngành sau này, hoặc nếu làm tốt thì có thể được công ty giữ lại làm nhân viên chính thức luôn. Đó sẽ là viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai, nhưng để làm được thì không hề đơn giản.

Đi làm trái ngành là thử thách không hề đơn giản

Đi làm trái ngành không phải là trend, và cũng không phải là điều cứ muốn là được, trải nghiệm thử xem sao,… mà thực chất nó là thử thách cực kỳ khó khăn, mà chỉ ai thật sự xác định được rằng mình sẵn sàng đương đầu, cố gắng hết sức để vượt qua, thì mới có khả năng hoàn thành được. Trong thực tế, có những người quyết tâm, cố gắng rất nhiều và đã đi làm trái ngành thành công, nhưng cũng có nhiều người chưa đủ tập trung, thiếu nỗ lực, rồi bỏ cuộc giữa chừng, không đủ khả năng để tiếp tục chuyện đi làm trái ngành.

Bên cạnh những khó khăn trong chuyện tiếp thu kiến thức, phải học lại từ đầu những kiến thức mới, thì người đi làm trái ngành cũng phải chấp nhận một điều rằng mình sẽ có xuất phát điểm chậm hơn so với những bạn đồng trang lứa, trong khi người ta đã đi làm rồi thì mình lại phải ngồi học lại kiến thức, tới khi mình bắt đầu đi làm, thì họ đã có 1-2 năm kinh nghiệm làm việc. Khi đã hình dung được những thử thách trên chặng đường sắp tới, và điểm qua một số gợi ý rằng học kế toán muốn đi làm trái ngành thì phải làm sao, hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích, giúp em sẽ có đủ cơ sở để đưa ra quyết định, lựa chọn con đường phù hợp nhất với mình nhé!

>> Học môn tự chọn để kéo điểm trung bình lên có được không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Vì Sao Bạn Thường Bỏ Cuộc Giữa Chừng?

22 Tuổi Là Đã Lớn Chưa, Trưởng Thành Chưa?

Học Giỏi Mà Sao Không Tìm Được Việc Làm?