Trong học tập và công việc, sẽ có rất nhiều trường hợp các em cần phải dùng đế kỹ năng đặt câu hỏi. Chẳng hạn như:
- Hỏi giảng viên về bài học, về điểm số;
- Hỏi bạn bè về cách làm bài tập, cách rèn luyện các kỹ năng;
- Hỏi người khác để làm khảo sát;
- Hỏi sau khi người khác thuyết trình;
- Hỏi trong các cuộc họp của phòng ban, công ty;
- Hỏi đồng nghiệp về cách thực hiện công việc;
- Hỏi khách hàng để tìm hiểu kỹ hơn về nhu cầu và mong muốn của họ;
- Hỏi đối tác để hiểu hơn về các chương trình mà họ định hợp tác với mình…
Trong tất cả các tình huống, các em cần phải có kỹ năng đặt câu hỏi tốt để mình có thể nhận được câu trả lời vừa ý nhất, giúp mình hài lòng và đạt được mục tiêu của mình. Hãy cùng điểm qua 6 lưu ý bên dưới để có thể nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi cho bản thân nhé!
>> 5 yếu tố quan trọng giúp nâng cao kỹ năng thuyết trình
Đặt câu hỏi có mục đích rõ ràng
Không hỏi vì tò mò, muốn biết xong rồi lại quên vì chính các em cũng chẳng biết mục đích của mình khi đặt câu hỏi là để làm gì. Những câu hỏi như thế có vẻ như vô hại, nhưng nhiều khi lại khiến người ta nghĩ rằng các em là người có bản tính hay tò mò chuyện người khác.
Trước khi đặt câu hỏi, hãy xác định rõ xem mục đích cuối cùng của mình là gì, mình muốn khai thác thông tin đó để làm gì. Chẳng hạn như là để hiểu bài giảng hơn, thì phải hỏi đúng những điểm mấu chốt làm sao để cuối cùng mình sẽ đạt được mục tiêu đó. Hoặc nếu khi đi làm mình muốn khách hàng mua sản phẩm của công ty thì cần phải đặt câu hỏi sao cho khai thác được nhu cầu, mong muốn của họ, rồi cho họ thấy là sản phẩm của mình thoả mãn các nhu cầu đó để họ ra quyết định mua hàng.
Đặt câu hỏi chính xác, dễ hiểu
Có nhiều bạn đặt câu hỏi xong mà đối phương trả lời không đúng ý, vì họ không hiểu đúng câu hỏi, nhiều khi còn không hiểu rằng các em đang hỏi gì luôn. Chính vì thế, trước khi đặt câu hỏi thì các em cần phải suy nghĩ xem mình nên diễn đạt như thế nào để nó đơn giản, dễ hiểu và chính xác vấn đề mà mình đang muốn hỏi. Đây là mấu chốt quan trọng sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi.
>> 3 bước gạt bỏ sự ngại ngùng để có kỹ năng giao tiếp tốt
Linh hoạt dùng câu hỏi mở và câu hỏi đóng
Có 2 dạng câu hỏi quen thuộc là câu hỏi mở (Bạn đang tìm một chiếc điện thoại có những tính năng gì?) và câu hỏi đóng (Bạn quan tâm đến tính năng sạc pin nhanh hay chụp ảnh đẹp nhiều hơn?). Các em đừng chỉ dùng mãi một loại câu hỏi, mà hãy linh hoạt dùng 2 dạng câu hỏi này một cách hợp lý, tuỳ theo tình huống và mục đích mà mình muốn đạt được nhé.
Dùng thái độ, ngôn từ phù hợp khi đặt câu hỏi
Người có kỹ năng đặt câu hỏi tốt luôn chú ý đến thái độ và ngôn từ của bản thân. Chính vì thế, các em nên hỏi với thái độ lịch sự, cầu thị, vì mình đang chờ nghe câu trả lời của người ta, để mình có thêm thông tin, chứ không phải mình đang hỏi cung người khác. Một lưu ý nữa ở phần này là các em không nên đặt cùng lúc quá nhiều câu hỏi, không nên hỏi dồn dập vì sẽ làm đối phương có cảm giác không thoải mái, như đang bị tra hỏi, như thế họ sẽ có cảm giác đề phòng, trả lời không chính xác với những gì mà họ biết.
Không hỏi những gì mình có thể tự tìm câu trả lời
Người có kỹ năng đặt câu hỏi tốt sẽ không bao giờ hỏi những gì mình có thể tự tìm câu trả lời bằng cách đọc thêm tài liệu hoặc tự tìm hiểu trên mạng. Họ sẽ dành cơ hội đó để hỏi những câu khác. Chính vì thế, thay vì phải hỏi 10 câu, trong đó có đến 5 câu có thể tự tìm câu trả lời, thì các em chỉ cần hỏi 5 câu còn lại thôi.
Lắng nghe khi đối phương trả lời
Không phải đặt câu hỏi xong là xong, không phải trau chuốt đặt câu hỏi cho xịn là mình đạt được mục tiêu. Mà điều quan trọng là các em phải lắng nghe khi đối phương trả lời, vì câu trả lời của họ sẽ giúp mình hiểu rõ hơn về điều mà mình hỏi, từ đó, các em mới có thể đạt được mục tiêu của mình. Đồng thời, việc lắng nghe cũng thể hiện cho đối phưng thấy là các em có sự tôn trọng đối với họ.
>> Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng phản biện?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh.
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.