Anh biết nhiều sinh viên lo ngại và không dám phản biện vì sợ bị đánh đồng với việc tranh cãi, tạo ý kiến trái chiều và dễ bị mọi người xa lánh. Trong lớp học, các em cũng ngại phản biện trong các buổi thuyết trình vì sợ đụng chạm đến nhau, lỡ phản biện xong nhóm người ta bị trừ điểm thì lại xích mích. Nhưng trong cuộc sống, phản biện là kỹ năng vô cùng hữu ích nếu các em biết phát huy đúng nơi, đúng người, đúng thời điểm. Vậy trong bài viết này, anh sẽ điểm qua các lợi ích của kỹ năng phản biện trong học tập và công việc. Sau đó, anh sẽ chia sẻ cách giúp các em rèn luyện và phát huy kỹ năng này!
>> 3 bước gạt bỏ sự ngại ngùng để có kỹ năng giao tiếp tốt
1. Kỹ năng phản biện trong học tập
1.1. Học nhóm – Làm bài tập nhóm
Kỹ năng phản biện sẽ giúp các buổi học nhóm (thường giáo viên sẽ yêu cầu chia nhóm để làm bài tập, làm bài tiểu luận hoặc thuyết trình) đạt được hiệu quả cao hơn. Nếu các em chỉ chia mỗi người tìm hiểu từng phần rồi tổng hợp lại thì mỗi thành viên trong nhóm chỉ hiểu đúng phần của mình thôi, chứ chẳng hiểu tổng thể nội dung bài của nhóm, dẫn đến thiếu hụt kiến thức, khi bị giáo viên đặt câu hỏi ngẫu nhiên cho từng thành viên mà không trả lời được thì cả nhóm sẽ bị cho điểm thấp.
Trong trường hợp này, nếu các em biết cùng nhau thảo luận và phản biện để làm rõ nội dung bài học thì cả nhóm sẽ hiểu bài kỹ hơn, những câu hỏi nào chưa trả lời được thì các em sẽ biết đường để tìm hiểu thêm.
1.2. Kỹ năng phản biện khi thuyết trình
Kỹ năng phản biện cũng giúp các buổi thuyết trình trở nên sinh động và hiệu quả hơn. Chắc hẳn các em đã từng chứng kiến việc nhóm thuyết trình nói rất nhiều, các bạn ở dưới ngồi im lắng nghe và chẳng hỏi gì cả, chỉ vì các em thiếu tự tin và không biết phải phản biện như thế nào cho hợp lý, sợ lỡ phản biện sai thì quê hoặc sợ phản biện xong lại gây mất lòng. Nhưng nếu có kỹ năng phản biện thì buổi học sẽ trở nên thú vị, cả lớp khám phá được nhiều kiến thức mới hơn và ghi nhớ bài dễ dàng hơn.
>> 5 yếu tố quan trọng giúp nâng cao kỹ năng thuyết trình
1.3. Ôn thi học kỳ
Kỹ năng phản biện cũng giúp ích trong các buổi học nhóm khi chuẩn bị thi học kỳ. Lúc trước nhóm của anh ngày nào cũng học chung, chia thời gian biểu để ôn đều tất cả các môn luôn. Trong lúc ôn thi, nếu có ai không hiểu thì cũng thoải mái đặt câu hỏi để được các bạn khác giải đáp, rồi khi thấy bạn giải đáp chưa thuyết phục hoặc có gì đó sai sai thì mọi người cũng thẳng thắn phản biện lại để đưa ra được câu trả lời chính xác và hoàn hảo nhất. Nhờ đó mà cả nhóm đều có kết quả thi tốt.
2. Kỹ năng phản biện trong công việc
Một nhân viên có kỹ năng phản biện tốt sẽ nhanh chóng được cấp trên chú ý khi mới bước vào công ty, chỉ cần 1-2 lần các em phản biện một cách đúng đắn và đưa ra được ý tưởng tốt trong công việc thì cả sếp lẫn đồng nghiệp đều đã đánh giá cao các em rồi. Còn nếu vào công ty mà các em im lặng, giao việc gì thì làm việc đó, thấy người ta có ý tuởng hay đề xuất gì chưa hợp lý mà cũng chẳng dám phản biện lại thì các em sẽ mãi là một vai phụ mờ nhạt trong công ty, rất khó để được tăng lương hoặc thăng tiến.
Ngoài ra, trong công ty cũng thường có những cuộc họp định kỳ để mọi người cùng đưa ra ý kiến để cải thiện hiệu quả công việc, hoặc họp để lên kế hoạch triển khai một dự án mới. Việc mạnh dạn phản biện một cách hợp lý cũng giúp cho cả công ty có được ý tưởng tốt nhất để cải thiện hiệu quả công việc cũng như lên kế hoạch hoàn hảo nhất cho dự án, giúp công ty mang về nhiều lợi nhuận hơn. Tất nhiên, những người phản biện để mang lại lợi ích cho công ty thì sẽ đều nhận được phần thưởng xứng đáng.
>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn
3. Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng phản biện?
Để có được kỹ năng phản biện tốt, tránh trường hợp phản biện một cách ngớ ngẩn hoặc không thuyết phục thì các em cần có thời gian rèn luyện cả về tư duy lẫn cách giao tiếp.
Đầu tiên, về tư duy, các em cần có được cái nhìn đa chiều cho từng vấn đề. Các em cần xác định được điểm nào đúng, điểm nào chưa đúng, điểm nào còn mơ hồ. Nhờ vậy thì các em mới có được sự khách quan và chính xác khi đánh giá một vấn đề. Từ đó, khi nghe người khác trình bày quan điểm hoặc cung cấp kiến thức về một điều gì đó, các em mới biết được là điều họ nói có hợp lý hay không, có chỗ nào cần phản biện để làm rõ thêm hay không.
Khi đã xác định được các nội dung ở trên thì các em mới có thể tự tin phản biện được. Và tất nhiên, việc phản biện cần phải khéo léo trong lời nói và linh hoạt trong cách giao tiếp để tránh bị phản cảm, tránh bị người khác hiểu lầm là mình muốn tranh cãi, muốn tạo sự chú ý. Đồng thời, các em cũng phải biết lắng nghe, vì các em phản biện được thì người khác cũng phản biện ngược lại được. Hãy bình tĩnh lắng nghe thay vì giành hết quyền nói về phía mình. Nếu phát hiện ra người ta đang phản biện đúng và hợp lý thì mình phải biết chấp nhận và cảm ơn vì họ đã giúp mình hiểu đúng vấn đề, chứ đừng cố chấp luôn nghĩ mình đúng nhé.
Tổng kết
Hy vọng sau khi đọc bài viết này các em sẽ chú trọng hơn đến kỹ năng phản biện và cố gắng rèn luyện kỹ năng ấy. Hãy biến mình thành một người mạnh mẽ, sẵn sàng nói lên quan điểm và chính kiến của bản thân nhằm mang lại lợi ích chung cho tập thể. Đồng thời, đừng quên ghi nhận những phản biện đúng đắn từ người khác để mở mang thêm vốn kiến thức, cũng như kinh nghiệm sống của bản thân nhe. Chúc các em thành công.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.