Nếu bạn là người đang theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực content marketing, viết lách, sáng tạo nội dung, thì có một điều quan trọng bạn cần lưu ý chính là hãy tự viết bài, hoàn thành các bài viết dựa trên chính khả năng tư duy, sáng tạo, sử dụng chất xám và trải nghiệm của bản thân để sản xuất ra những bài viết thật sự là của mình. Có vẻ như bạn cũng nắm được điều này, nhưng vì một số lý do nào đó khiến bạn không thực hiện, thản nhiên vi phạm những quy tắc làm nghề cơ bản, và điều đó sẽ mang lại những tác hại khôn lường. Vậy làm content marketing mà bị lún sâu vào chuyện sao chép, đạo nhái nội dung của người khác, thì sẽ mang lại những hậu quả gì?
>> Ngành marketing học gì, tốt nghiệp ra trường làm gì?
Sao chép, đạo nhái nội dung là gì?
Sao chép, đạo nhái nội dung là trường hợp lấy một phần hoặc toàn bộ nội dung của người khác mà chưa hỏi ý kiến, chưa được cho phép sử dụng. Đây là trường hợp xảy ra phổ biến khi tìm kiếm từ khoá trên Google, bắt gặp các bài viết phù hợp với nội dung mình cần, rồi thản nhiên copy, sao chép thành của mình. Hoặc cũng có một số website vì muốn sản xuất bài viết một cách nhanh chóng, với số lượng càng nhiều càng tốt để thu hút lượt truy cập, nên thản nhiên đạo nhái ý tưởng, thậm chí sao chép toàn bộ các bài viết của người khác, rồi đăng tải lên trang của mình một cách vô tư.
Nếu lạm dụng một cách quá mức, không tự động não để sản xuất các bài viết của riêng mình, mà luôn mặc định lấy nội dung từ chỗ này một chút, chỗ kia một chút, thì thật sự là một hành vi không đứng đắn, vi phạm nguyên tắc làm nghề cơ bản của những ai muốn theo đuổi sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực sản xuất nội dung, content marketing, viết blog, nội dung fanpage,… Thậm chí, nếu vi phạm chuyện sao chép, đạo nhái nội dung, ăn cắp chất xám một cách nghiêm trọng, để trục lợi các nhân, kiếm tiền, thì bạn cũng có thể phải đối mặt với những biện pháp xử lý do pháp luật can thiệp.
Các trường hợp đạo nhái, sao chép ý tưởng khi làm content
Mặc dù điều này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trên các website, fanpage, diễn đàn chia sẻ nội dung, chia sẻ kiến thức, lời khuyên hữu ích, và cũng có nhiều nhà sáng tạo nội dung kịch liệt lên án, nhưng trong thực tế vẫn tồn tại một số tập thể và cá nhân thản nhiên vi phạm, đạo nhái, sao chép nội dung dưới nhiều hình thức khác nhau. Dưới đây là các trường hợp đạo nhái, sao chép nội ý tưởng khi làm content thường gặp:
- Lưu lại những trang có content phù hợp, rồi dựa vào các ý tưởng sáng tạo của họ để xào nấu lại;
- Khi muốn viết bài về chủ đề nào, thì search Google tìm kiếm từ khoá liên quan, rồi lấy những nội dung có sẵn trên Google để chuyển thành nội dung của mình;
- Nhân viên content marketing mới vào nghề, chưa tự tin về kỹ năng viết bài của mình, hoặc bị công ty khuyến khích hành vi sao chép, nên bị lún sâu vào hành vi sai trái, copy nội dung của người khác;
- Nhân viên content marketing bị dí deadine, mỗi ngày phải viết quá nhiều bài, bị quá tải nên mặc nhiên đi đạo nhái, sao chép nội dung từ các website, fanpage khác mà chưa được sự đồng ý;
- Canh me trang khác đăng bài nào mới thì copy về ngay, nhanh gọn lẹ, nhất là các nội dung hot;
- Tự cho rằng làm content marketing khi trích dẫn nội dung, có để nguồn thì có quyền sao chép thoải mái, không cần biết tác giả có đồng ý hay cảm thấy bất mãn hay không…
>> Sinh viên đạo văn và những hậu quả khôn lường, bị đuổi học?
Cảm giác bị sao chép, đạo nhái content sẽ ra sao?
Thật sự, dù chuyện đạo nhái, sao chép nội dung khi vì bất kỳ lý do gì, trong bất kỳ trường hợp nào, hình thức nào, thì cũng đều là những hành vi khó lòng chấp nhận khi làm content marketing. Bạn được trả bao nhiêu tiền cho hành động sai trái ấy, bạn thu về những đồng tiền không đẹp đẽ ấy thì có thấy thoải mái khi sử dụng không? Bạn thử tưởng tượng xem, sau này, khi đã gắn bó lâu dài với nghề, bản thân mình tự viết, tự sản xuất được rất nhiều nội dung hữu ích, từ chính kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, thậm chí có những nội dung kiến thức chuyên sâu đòi hỏi rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, động não để có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, vậy mà cuối cùng lại bị một người nào đó sao chép, lấy ý tưởng, hoặc thậm chí copy nguyên xi toàn bộ nội dung mà chưa được sự đồng ý thì sẽ thế nào?
Chắc chắn đó sẽ là một cảm giác không hề dễ chịu, nhất là khi chứng kiến đứa con tinh thần của mình bị người khác chiếm đoạt một cách lạ lùng, tự dưng chất xám của mình lại được người khác thoải mái sử dụng mà không hỏi ý. Khả năng cao rằng lúc đó bạn sẽ muốn “dẹp loạn” ngay lập tức, yêu cầu đối phương phải tháo bỏ toàn bộ bài viết đã copy càng sớm càng tốt, nếu không muốn sự việc đi quá xa, vì đó thật sự là một hành vi không chấp nhận được khi làm nghề content.
Đạo nhái khi làm content marketing tiềm ẩn những hậu quả gì?
Bên cạnh việc vi phạm chuẩn mực làm nghề, thì chuyện đạo nhái khi làm content marketing cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả mà có thể bạn chưa lường trước hết được. Đầu tiên, khi bị phát hiện, khả năng cao rằng bạn phải đối mặt với cơn thịnh nộ của tác giả, của người mà bấy lâu nay bạn đang lấy chất xám của họ để dùng vô tội vạ, một số trường hợp bạn có thể bị bóc phốt, bị mất uy tín trong nghề, tạo một vết nhơ khó xoá bỏ đến tận rất lâu sau này, thậm chí có khả năng họ sẽ khởi kiện và yêu cầu bạn đền bù thiệt hại, nhất là khi hành vi của bạn làm tổn hại trực tiếp tới uy tín và lượng truy cập các trang kênh nội dung mà họ đang xây dựng. Tiếp theo, bạn sẽ phải đối mặt với sự cắn rứt lương tâm bản thân trước hành vi sai trái của mình, ngay từ khi còn nhỏ chúng ta đã được thầy cô dạy về đạo đức, rằng không được lấy cắp, sử dụng đồ của người khác khi chưa được phép, vậy mà mình lại sa vào hành vi sai trái ấy nhiều lần.
Bên cạnh đó, chính hành động sao chép, đạo nhái ý tưởng, nội dung khi làm content marketing cũng sẽ giết chết khả năng viết lách và tư duy sáng tạo của bạn. Đây vốn dĩ là những yếu tố quan trọng mà bạn cần có nếu muốn theo đuổi, gắn bó lâu dài và phát triển sự nghiệp trong nghề content marketing. Vậy mà bạn lại đi vào lối mòn của sự sao chép, đạo nhái ý tưởng, lâu dần thì năng lực của bạn sẽ bị mai một, đi thụt lùi, thậm chí quên mất cách viết bài, cách lên ý tưởng, làm content, nhất là khi bạn để trường hợp ăn cắp chất xám này kéo dài.
>> 10 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn nhân viên marketing
Sao chép xong trích dẫn nguồn có phải là đạo nhái không?
Song song với các trường hợp đạo nhái trắng trợn, thì cũng có một số tập thể và cá nhân có hành vi sao chép có vẻ hợp tình hợp lý hơn, tức là lấy nội dung xong trích dẫn nguồn lại, thì liệu đó có phải là đạo nhái không? Điều này phụ thuộc vào quan điểm làm nghề của riêng từng người, có người thoải mái với chuyện này, cho rằng chỉ cần trích dẫn nguồn là được, nhưng cũng có những người nhiệt liệt phản đối.
Tự Tin Vào Đời vốn dĩ là một trang chia sẻ rất nhiều thông tin, kiến thức, giá trị hữu ích cho sinh viên và những người mới ra trường đi làm, trên quan điểm của tác giả, thì hoàn toàn không đồng tình với hành vi sao chép nội dung của Tự Tin Vào Đời dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả chuyện sao chép xong trích dẫn nguồn. Bản chất là vì toàn bộ nội dung, bài viết đều được đích thân tác giả động não, sử dụng chất xám, khả năng tư duy, lập luận, kiến thức và trải nghiệm của bản thân để tự viết ra toàn bộ nội dung, và tác giả cực kỳ trân trọng thành quả của mình. Hơn nữa, toàn bộ bài viết đều open cho mọi người vào xem hoàn toàn miễn phí, nên tuyệt đối sẽ không chấp nhận hành vi sao chép đăng lại trên các trang khác để thu hút lượt truy cập, để quảng cáo, lấy lợi nhuận từ các bên khác.
Bài viết này đã làm rõ quan điểm của tác giả Tự Tin Vào Đời về chuyện kịch liệt phản đối hành vi sao chép, đạo nhái nội dung. Đồng thời, chia sẻ về một số hậu quả tiềm ẩn của hành vi sao chép, đạo nhái khi làm content marketing. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn có hướng đi đúng đắn hơn nếu muốn theo đuổi sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực content marketing, tạo giá trị và kiếm tiền bằng ngòi bút của chính mình!
>> Ngành marketing có những mảng nào, thực tập ở đâu?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.