Ngày nay, công nghệ thông tin & mạng xã hội ngày càng phát triển, thì các thông tin sẽ được lan truyền rất nhanh, chỉ cần 1 thao tác copy, paste, rồi gửi/đăng lên, thì khả năng cao sẽ tiếp cận được nhiều người, nhất là với các kênh/trang có nhiều lượt theo dõi, lượt truy cập. Từ đó, chuyện lấy thông tin trên mạng để dùng lại trở nên phổ biến hơn, nhưng liệu lấy về mà không trích dẫn nguồn thì có sao không, phía bên kia có quyền kiện bản quyền không? Hoặc cụ thể hơn, nếu sinh viên lên mạng lấy thông tin đưa vào bài tiểu luận, khoá luận của mình mà không dẫn nguồn thì sẽ thế nào? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Làm content marketing, sao chép, đạo nhái tiềm ẩn hậu quả gì?
Lấy thông tin trên mạng về đăng có sao không?
Chuyện lấy thông tin từ các báo để share lại lên mạng xã hội cho mọi người đọc là điều bình thường, nếu như bạn dẫn link bài báo đó, nói chung là đây đơn giản là share thông tin, và đường link cũng thể hiện rõ nguồn thông tin rồi. Còn nếu bạn lấy nội dung trên mạng để tự viết lại, biến hoá thành thông tin do mình tự viết ra, thì đây cũng là cách tham khảo tài liệu bình thường của những người làm content, những ai thích viết lách.
Tuy nhiên, chuyện copy nguyên văn các thông tin sốc, tin hot trên mạng rồi đăng lại để câu view, câu like, hoặc thậm chí có mục đích để kinh doanh, kiếm tiền, thu lợi nhuận, thì đây là hành vi vi phạm bản quyền, ăn cắp chất xám, và hoàn toàn có thể bị bên kia khởi kiện, yêu cầu bồi thường tiền bản quyền nếu không có trích dẫn nguồn hoặc không xin phép, không được sự đồng ý của tác giả từ trước khi đăng. Hoặc tệ hơn, nếu các thông tin gây sốc kia chưa được kiểm chứng, là bịa đặt, sai lệch so với thực tế, thì bạn cũng bị vi phạm thêm về việc lan truyền tin giả, tin bịa đặt gây hiểu lầm, hoang mang dư luận. Mức phạt bồi thường sẽ khác nhau tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi, nói chung là người đàng hoàng, làm ăn chân chính, hoặc người có học thức, hiểu luật & cẩn trọng sẽ không bao giờ lấy thông tin trên mạng về đăng khi chưa rõ thực hư và khi chưa xin phép.
Trích dẫn nguồn thông tin lấy trên mạng sao cho đúng?
Bạn có thể tham khảo thông tin, hoặc lấy nguồn thông tin trên mạng để sử dụng (không vì mục đích lợi nhuận), miễn sao bạn có trích dẫn nguồn là được? Hiểu như vầy đã đúng chưa, câu trả lời là chưa. Vì trích dẫn nguồn cũng cần có một số lưu ý, chứ không phải muốn lấy thông tin thế nào thì lấy, trích nguồn sao thì trích.
Đầu tiên, bạn cần lưu ý rằng không được lấy nguyên văn 100% nội dung bài đăng của người khác, chẳng hạn như có 1 bài đăng trên website kia có 1000 chữ, mà bạn lấy đăng lại nguyên văn toàn bộ 1000 chữ đó, xong để cái nguồn, cái link trích dẫn ở cuối, thì điều đó là không ổn, nó chẳng khác gì ăn cắp chất xám xong giả bộ đăng cái nguồn cho có đăng, người khác vào có thể đọc hết thông tin ở bài của bạn rồi, họ cũng đâu có nhu cầu vào xem nguồn bên kia nữa? Nếu là người làm content có tâm, hiểu chuyện, thì bạn chỉ nên copy tầm 30%, hoặc quá lắm là 50%, rồi sau đó dẫn nguồn qua trang gốc để người khác có thể qua kia xem toàn bộ full bài. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn cũng hiểu chuyện, chỉ trích dẫn 1 phần nhỏ thôi & có đưa nguồn, nhưng phía chủ tác giả bên kia không đồng ý, yêu cầu bạn gỡ bài hoặc không tiếp tục hành vi đó nữa, thì bạn cũng không được làm nữa.
Nghe qua thì có vẻ khá phức tạp, rắc rối, nhưng đó là chuyện của những ai chuyên làm content, còn đối với sinh viên thì sao, khi các em phải thường xuyên tham khảo thông tin, rồi trích 1 đoạn vào bài tiểu luận, khoá luận của mình, thì không trích dẫn nguồn có sao không, và nếu phải trích dẫn thì nên lưu ý sao cho đúng?
>> Bài tiểu luận giống bao nhiêu % thì được gọi là đạo văn?
Sinh viên lấy thông tin làm bài có cần trích nguồn không?
Sinh viên lấy thông tin trên mạng để làm bài thì đương nhiên là mục đích phi lợi nhuận, không dùng để kiếm tiền rồi, nhưng liệu nó có vi phạm bản quyền không, có cần trích nguồn không? Câu trả lời là có, trong môi trường học đường luôn đề cao vấn đề bản quyền, tác quyền, không cho phép các hành vi đạo văn, sao chép, đạo nhái chất xám của người khác rồi nói là chất xám do mình tự viết ra.
Chính vì thế, khi làm bài tiểu luận, thuyết trình, khoá luận, hoặc bất kỳ bài tập/đồ án nào mà có lấy nguồn thông tin trên mạng/trong giáo trình/trong tài liệu nào khác để trích dẫn vào bài làm, thì sinh viên đều cần phải ghi chú, dẫn nguồn cụ thể rằng thông tin nào lấy ở đâu, nguồn trên mạng thì kèm link, nguồn giáo trình/tài liệu thì note rõ tên sách, tên tác giả, trong mục nào, chương nào, phần nào. Đây là 1 cách để sinh viên học cách tôn trọng quyền tác giả, nói không với hành vi đạo văn, ăn cắp chất xám, và đó cũng là điều quan trọng mà các em cần lưu ý để tránh bị giảng viên trừ điểm hoặc đánh điểm liệt vì đạo văn.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng lấy thông tin trên mạng nhưng không trích dẫn nguồn có sao không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.