Có những điều anh ước rằng lúc trước mình được biết khi mới lên đại học, để mình có thể học tốt hơn & có chiến lược học tập tối ưu hơn, nhưng tiếc là anh vào đại học cũng hơn 10 năm trước, lúc đó thì mạng xã hội & các kênh chia sẻ cho sinh viên cũng chưa phổ biến như bây giờ. Một trong những điều mà anh muốn quay ngược thời gian để nói cho bản thân hồi tân sinh viên, đó chính là năm 1 phải ráng học để các năm sau đỡ áp lực, vì sao điều này lại quan trọng?
>> Sinh viên có nên học vượt ngay từ năm 1 không?
Vì sao năm 1 phải ráng học để các năm sau đỡ áp lực?
Nếu sinh viên đang thắc mắc rằng vì sao năm 1 phải ráng học để các năm sau đỡ áp lực, thì hãy thử hình dung nôm na qua ví dụ sau. Thời gian qua, có rất nhiều bạn hỏi anh rằng, anh ơi, em thấy là hiện giờ kết quả học tập năm nhất của em đang khá thấp, chỉ có tầm 2.5 – 2.6 – 2.7 thôi, nhưng mà em đặt mục tiêu là tốt nghiệp đại học loại giỏi, tức là cuối cùng 4 năm đại học mình phải đạt được tối thiểu là 3.2 trên thang điểm 4, thì bây giờ em phải làm sao, các tín chỉ còn lại, các năm học tiếp theo mình phải ráng lấy điểm bao nhiêu để kéo lên đủ?
Chính việc năm nhất sinh viên điểm kém như vậy sẽ gây áp lực lên năm 2, năm 3, năm 4 rất nhiều, kiểu như những năm sau mình sẽ phải học bù cho cái năm nhất này, mình phải học nhiều điểm hơn, cao hơn cả mức mục tiêu 3.2, để bù đắp cho cái điểm còn thiếu của năm nhất. Điểm trung bình tích luỹ 3.2 vốn dĩ đã là một thử thách khó rồi, vậy mà trong trường hợp này sinh viên lại còn phải đặt mục tiêu cao hơn, chẳng hạn như phải được 3.4, 3.5, 3.6 cho các năm còn lại thì mới đủ để kéo kết quả chung 4 năm lên 3.2, chưa kể tới việc các môn chuyên ngành sẽ khó hơn khi học đại cương ở năm 1, càng học lên cao thì kiến thức sẽ càng nhiều & phức tạp hơn, nghĩ tới thôi là thấy đau đầu và áp lực rồi.
>> Lên đại học tính điểm như thế nào, lưu ý gì để điểm cao?
Nếu năm 1 điểm cao thì các năm sau sẽ đỡ mệt hơn
Trường hợp ngược lại, nếu ngay từ đầu năm 1 mà sinh viên đã tập trung, nỗ lực và học hành chăm chỉ để đạt kết quả tốt, đạt điểm tích luỹ tầm 3.05 hay 3.1, mặc dù vẫn còn thiếu so với mức mục tiêu loại giỏi là 3.2, nhưng ít ra nó cũng nhẹ nhàng hơn so với việc mình để điểm năm 1 rớt xuống chỉ có 2.5. Giả sử năm 1 sinh viên đạt điểm 3.05, thì các năm sau mình chỉ cần ráng đạt tầm 3.25 thôi là cũng đủ để kéo điểm trung bình tích luỹ GPA 4 năm đại học lên 3.2 rồi, đương nhiên điều này sẽ dễ hơn, nhẹ nhõm hơn, đỡ áp lực, đỡ mệt hơn việc phải đối mặt với con số 3.5 như ví dụ ở phần trước.
Lời nhắn nhủ này không chỉ dành cho những bạn sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, mà cả những bạn muốn tốt nghiệp loại khá hay loại xuất sắc cũng cần lưu ý luôn, vì anh biết rằng năng lực học tập của mỗi người mỗi khác, nên các em sẽ có nhiều mục tiêu khác nhau, đâu phải ai cũng đặt mục tiêu loại giỏi. Nhưng dù mục tiêu thế nào, cao tới tận mức xuất sắc, hay là có phần tầm tầm như loại khá, thì sinh viên cũng cần phải luôn nhớ rằng năm 1 phải ráng học để các năm sau đỡ áp lực. Hy vọng rằng lời khuyên này sẽ hữu ích với các em, chúc các em học tốt!
>> Năm 1 điểm kém, chưa tìm được cách học phù hợp thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.