Thi cử là chuyện quan trọng, điểm thi sẽ tác động rất nhiều tới kết quả học tập của sinh viên. Các em thừa biết điều đó nên hầu như bạn nào cũng đảm bảo nghiêm túc tuyệt đối trong phòng thi, tập trung hoàn thành bài thi của mình và nói không với những hành động vi phạm quy định phòng thi. Tuy nhiên, biết là một chuyện, còn có làm đúng theo hay không lại là chuyện khác, đôi lúc vẫn có một số bạn lỡ buột miệng nói chuyện trong phòng thi. Liệu nói chuyện trong phòng thi có bị trừ điểm, huỷ kết quả không?
>> Sinh viên đi trễ bao lâu sẽ không được vào phòng thi?
Vì sao sinh viên phải giữ trật tự trong phòng thi?
Sinh viên phải trật tự, tuyệt đối giữ im lặng trong phòng thi là quy định chung mà hầu hết sinh viên đều nắm rõ. Tuy nhiên, có bao giờ các em tự hỏi rằng vì sao cần giữ trật tự trong phòng thi không? Điều này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đầu tiên, chuyện giữ im lặng, trật tự trong phòng thi nhằm đảm bảo quá trình làm bài thi được diễn ra nghiêm túc, sinh viên làm bài độc lập, không trao đổi bài, hỏi bài, nhắc bài, đọc bài cho nhau dưới mọi hình thức. Giữa không gian im lặng trong phòng thi, mà có bạn nào buột miệng trao đổi bài thì giảng viên cũng sẽ dễ dàng phát hiện để xử lý.
Tiếp theo, khi giữ không gian yên lặng thì các em cũng sẽ dễ dàng tập trung hơn, giúp quá trình làm bài diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn, tránh việc ồn ào, xì xầm, sẽ khiến sinh viên bị phân tâm khi làm bài. Ngoài ra, chuyện giữ yên lặng, trật tự, siết chặt kỷ luật trong phòng thi cũng là quy định giúp sinh viên biết sợ, biết rằng nếu mình không nghiêm túc thì sẽ có chế tài xử lý, tránh trường hợp quản lý quá lỏng lẻo thì một số bạn sẽ được nước làm tới, lạm dụng điều đó để có những hành vi vi phạm quy chế thi.
Những lý do khiến sinh viên nói chuyện trong phòng thi
Dẫu đã hiểu rằng trong phòng thi phải tuyệt đối giữ im lặng, không được làm ồn, không được nói chuyện, gây mất trật tự, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sinh viên buột miệng, lỡ vi phạm quy định này. Hãy cùng điểm qua một số trường hợp, lý do khiến sinh viên nói chuyện trong phòng thi để các em tự rút kinh nghiệm và tránh để bản thân mắc phải.
Đầu tiên, khi đã ổn định vị trí chỗ ngồi trong phòng thi, nhưng chưa tới giờ làm bài, giảng viên cũng chưa phát đề thi, một số sinh viên đã vô tư nói chuyện, cười đùa với nhau vào khi ấy, vì cho rằng điều này chẳng sao cả, chưa phát đề thì cũng đâu có biết gì mà trao đổi bài với nhau. Tuy nhiên, đây vẫn là điều cần tiết chế, vì nhiều trường đại học quy định rằng sinh viên không được nói chuyện ngay cả khi chưa phát đề, chưa tới giờ làm bài, một khi đã ổn định chỗ ngồi thì cần phải giữ trật tự, phòng thi không phải là cái chợ để nói chuyện um sùm. Bên cạnh đó, cũng trường hợp các em cho rằng mình đã nộp bài sớm rồi, thì thoải mái nói chuyện với những bạn cũng nộp bài sớm giống mình, nhưng quên rằng cả 2 vẫn đang trong phòng thi, chưa bước ra ngoài, dù hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra trường hợp này, nhất là với các môn học dễ, sinh viên làm bài nhanh, làm xong sớm khá nhiều. Nhưng các em hãy lưu ý rằng cho dù 3/4 phòng thi đều đã nộp bài, nhưng vẫn còn 1/4 các bạn khác đang làm bài, mình vẫn phải giữ trật tự, hoặc muốn nói gì thì cùng ra ngoài phòng thi hãng nói. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua trường hợp sinh viên trao đổi bài, lén lút hỏi bài, đọc bài, dò bài với nhau trong phòng thi, và đây là điều vi phạm quy chế thi rõ mồn một, sẽ khó lòng chối cãi khi bị giảng viên bắt tại trận.
>> Vắng thi nhưng điểm quá trình cao thì có bị rớt môn không?
Nói chuyện trong phòng thi có bị trừ điểm, huỷ kết quả không?
Nói chuyện trong phòng thi ngay trong giờ thi là điều vi phạm quy chế thi, theo quy định, tất cả sinh viên phải giữ trật tự, giữ im lặng tuyệt đối trong phòng thi, nếu có điều gì cần hỏi cán bộ coi thi thì phải hỏi công khai, hoặc nếu cảm thấy mệt mỏi, ốm đau, phải báo trực tiếp với cán bộ coi thi, không nói nhỏ, nói riêng với bạn khác. Chính vì thế, bất kỳ trường hợp nào mà sinh viên nói chuyện với bạn bè trong phòng thi, nói nhỏ, chứ không phát biểu công khai, thì khi bị bắt, các em cũng không thể biện minh rằng vì mình thắc mắc về đề thi bị sai, hỏi mượn bút, hoặc cảm thấy mệt nên than thở với bạn,… vì tất cả đều sẽ được tính là hành vi nói chuyện riêng trong phòng thi.
Khi sinh viên nói chuyện trong phòng thi, nhưng không phát hiện bằng chứng rằng chắc chắn các em đang hỏi bài, trao đổi bài, nhắc bài cho nhau, thì sinh viên thường hay hy vọng rằng mình sẽ được giảng viên bỏ qua, không truy cứu, không đánh dấu bài, tuy nhiên, các em đừng quên rằng trong phòng thi vẫn còn rất nhiều bạn khác đang chứng kiến sự việc, giảng viên bắt buộc phải làm đúng quy định, chứ không được du di hay bỏ qua cho bất kỳ vi phạm nào. Đồng thời, nếu đơn thuần giảng viên cũng chỉ nghe tiếng ồn, chưa có cơ sở để bắt thì họ cũng chỉ nhắc thôi, nhưng một khi đã bắt rồi thì chắc chắn họ cũng tự tin rằng mình có đủ cơ sở để đánh dấu bài và trừ điểm. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn, hoặc tái diễn nhiều lần, sinh viên có thể phải đối mặt với hình thức xử lý kỷ luật cao nhất, đó là huỷ kết quả thi, phải nhận điểm 0 cho bài thi đó, và tất nhiên điều này cũng khiến các em bị rớt môn, phải học lại môn đó từ đầu. Còn với các trường hợp sinh viên lỡ miệng nói chuyện vào đầu giờ hoặc sau khi nộp bài thi sớm, chứ không cố ý gian lận thi cử, thì tuỳ mức độ nghiêm trọng mà giảng viên có thể bỏ qua, hoặc đánh dấu bài để trừ điểm.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng nói chuyện trong phòng thi có bị trừ điểm, huỷ kết quả không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cách trừ điểm & xử lý kỷ luật khi sinh viên vi phạm nội quy phòng thi
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.