Phải Làm Sao Để Lời Nói Của Mình Có Trọng Lượng Nhiều Hơn?

Khi còn đi học, chúng ta thường chưa chú tâm lắm vào trọng lượng lời nói của mình, tức là người khác có tin, có nghe theo hay không thì mình cũng chẳng bận tâm quá nhiều. Nhưng khi đã ra trường đi làm thì lại khác, trong công việc và trong đời sống, bạn sẽ dễ cảm thấy bực bội, bất bình khi thấy người khác không xem trọng những gì mình nói, chia sẻ, trao đổi, nhất là khi bạn thảo luận teamwork với đồng nghiệp khi đi làm. Vậy phải làm sao để lời nói của mình có trọng lượng nhiều hơn? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!

>> Làm sao để kiểm soát cảm xúc, tránh nổi nóng, lớn tiếng?

1. Phải có kiến thức để lời nói của mình có trọng lượng

Không phải tự dưng mà chúng ta phải trải qua 12 năm đèn sách thời học sinh, rồi lại phải tiếp tục học hành, thi cử thêm 4 năm trong giảng đường đại học. Vì sau này khi ra đời, những ai có kiến thức nhiều hơn, nắm vững chuyên môn hơn, thì lời nói của họ tự dưng sẽ có trọng lượng nhiều hơn, khiến những người xung quanh tin tưởng hơn, nhất là khi trao đổi những vấn đề, sự việc liên quan tới chuyên ngành, đúng chuyên môn của họ. Ngược lại, những ai ra trường đi làm nhưng mơ hồ về kiến thức chuyên ngành, không nắm vững chuyên môn, thường sẽ chỉ được giao cho đảm nhiệm những công việc đơn giản, không có quá nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, và cũng sẽ khó lòng trở thành người có tiếng nói, vì bản chât họ chưa có nhiều kiến thức, nên thường đưa ra nhận định, lập luận một cách cảm tính, và khả năng cao sẽ là những nhận định không chính xác, gây mất lòng tin của mọi người đối với mình. Vì thế, điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ chính là phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn để lời nói của mình có trọng lượng nhiều hơn.

2. Phải tài giỏi, thành công để “nói gì cũng đúng”

Bên cạnh chuyện nắm vững kiến thức lý thuyết, bạn cũng cần phải giỏi trong thực hành, trong lúc đảm nhiệm các công việc thực tế khi đi làm, khiến mọi người xung quanh tin tưởng vào năng lực của mình, thì tự khắc lời nói của bạn cũng sẽ có trọng lượng nhiều hơn. Điều này sẽ thể hiện rõ qua những thành tựu, thành công mà bạn lần lượt gặt hái được trong quá trình làm việc, giúp sự nghiệp của mình trở nên huy hoàng hơn, và được mọi người xung quanh công nhận năng lực, đồng ý rằng bạn là một người tài giỏi. Khi đó, bất kể rằng họ hiểu hay chưa hiểu những gì bạn nói, thì họ cũng mặc định sẽ tin tưởng, đặt niềm tin vào những lời nói, quan điểm, lập luận từ bạn, vì bạn “giỏi thì nói cái gì cũng đúng”. Khi đó, bạn bè, đồng nghiệp, người thân mỗi khi gặp những vấn đề rối ren, họ tự dưng sẽ tìm đến bạn để xin lời khuyên từ một người giỏi.

>> Luôn miệng than vãn khi đi làm thì khi nào mới thành công?

3. Phải thăng tiến làm sếp, cấp quản lý để lời nói có trọng lượng

Có một sự thật hiển nhiên rằng khi đi làm, những ai giữ chức vụ cao, ở cấp quản lý, được thăng tiến lên làm sếp, thì tự dưng lời nói của bạn sẽ có trọng lượng hơn, và tất nhiên, toàn bộ nhân viên cấp dưới sẽ phải nghe theo những gì bạn nói, cho dù họ có không đồng tình phần nào, thì cũng ít ai dám lên tiếng phản bác sếp của mình. Vì thế, nếu muốn lời nói của mình có trọng lượng nhiều hơn, thì ngay từ bây giờ, hãy cố gắng, nỗ lực hết mình, tập trung hoàn thành công việc một cách tối ưu nhất, mang về hiệu quả tốt và giữ phong độ làm việc ổn định. Điều này sẽ giúp bạn lọt vào mắt xanh của cấp trên, và tăng cơ hội được thăng tiến trong tương lai khi công ty có vị trí trống cần cân nhắc thăng chức cho nhân viên. Khi đó, lời nói của bạn sẽ có trọng lượng hơn, quan điểm và quyết định của bạn đều sẽ được tôn trọng

4. Phải nói chuyện, lập luận logic để tăng sự thuyết phục

Chuyện thành công, thăng tiến, làm sếp nó là những viễn cảnh trong tương lai, và càng không khả thi đối với những bạn sinh viên đại học, chưa ra trường đi làm thì sao mà thăng tiến, sao mà thành công được? Vậy không lẽ khi là sinh viên thì mặc nhiên những lời nói, quan điểm của các em đều không có giá trị, không trọng lượng, không đáng được tôn trọng? Thật ra, dù chưa gặt hái được thành công, cũng chưa làm sếp, nhưng chúng ta vẫn có thể giúp lời nói của mình tăng thêm trọng lượng bằng cách nói chuyện, lập luận logic, để tăng khả năng thuyết phục và lấy được lòng tin từ những người xung quanh. Tức là khi bạn nói chuyện logic, rõ ràng, có lập luận sắc bén, thì tự dưng những điều bạn nói sẽ có tính thuyết phục cao, mọi người nghe xong sẽ thấy đúng, đồng tình và giúp lời nói trở nên có trọng lượng hơn.

>> 3 cách giúp bạn rèn luyện tư duy logic nhanh chóng

5. Tư duy tích cực để lời nói có trọng lượng nhiều hơn

Một giải pháp nữa giúp lời nói của bạn có trọng lượng nhiều hơn chính là hãy tư duy tích cực, nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn khách quan, đa chiều, chứ đừng chăm chăm theo hướng bi quan, tiêu cực. Hầu như mọi người xung quanh ta đều mong muốn tiếp xúc với những người tích cực, tin vào những điều tích cực, để cuộc sống của mình trở nên thoải mái, vui tươi, thuận lợi hơn, chứ ít ai muốn tin vào những thông tin tiêu cực, suốt ngày phải nghe người tiêu cực lèm bèm, than vãn. Chính vì thế, bạn hãy học cách nhìn nhận các sự việc, vấn đề dưới góc nhìn khách quan hơn, vừa giúp mình trở thành một người lạc quan, tích cực, vừa giúp lời nói của mình có trọng lượng hơn.

Bài viết này đã giúp bạn biết được 5 cách để lời nói của mình có trọng lượng nhiều hơn, được mọi người tin tưởng hơn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 4 cách giúp bạn trở thành người lạc quan, tích cực hơn

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Vì Sao Bạn Thường Bỏ Cuộc Giữa Chừng?

22 Tuổi Là Đã Lớn Chưa, Trưởng Thành Chưa?

Học Giỏi Mà Sao Không Tìm Được Việc Làm?